EURO 2020: Vì sao nhiều đội bóng theo đuổi sơ đồ ba trung vệ?
Có tới 14/24 đội tuyển tham dự EURO 2020 lựa chọn sơ đồ chiến thuật ba trung vệ để tranh tài.
Jan Vertonghen (phải) một trong ba trung vệ của đội tuyển Bỉ trong trận gặp Bồ Đào Nha
Điều này không phải ngẫu nhiên mà là sự tiếp nối của một xu hướng chiến thuật đang dần trở nên thịnh hành tại châu Âu.
Sơ đồ ba trung vệ lên ngôi
Nếu phải chọn ra một điểm nhấn chiến thuật ấn tượng nhất tại EURO 2020, hẳn nhiều người không ngần ngại nói về việc nhiều đội bóng ưa thích sơ đồ ba trung vệ.
Chẳng nói đâu xa, ngay ở vòng 1/8, có tới gần phân nửa đội bóng chơi với ba trung vệ dàn hàng ngang trước khung thành. Số này gồm: Đan Mạch, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Đức, Ukraine và Áo. Nếu tính cả vòng bảng, Phần Lan, Bắc Macedonia, Scotland, Ba Lan, Hungary, Nga cũng có chung lựa chọn. Như vậy, có tới 14/24 đội tuyển tham dự EURO lần này sử dụng ba trung vệ.
Theo HLV David Moyes, đội tuyển Anh không đá ba trung vệ nhưng trong cách chơi lại có xu hướng ba trung vệ. Luke Shaw hoặc Kyle Walker sẽ bó vào thành trung vệ thứ ba trong trường hợp cánh đối diện dâng cao.
Đây được coi là hiện tượng đặc biệt bởi suốt nhiều năm qua, các đội bóng vốn đã quen sử dụng sơ đồ hàng thủ gồm bốn người (không tính thủ môn), gồm hai trung vệ và hai hậu vệ cánh.
Cách đây 5 năm, sơ đồ ba trung vệ gây sốt khi được HLV Antonio Conte dùng cho đội tuyển Italia tại EURO 2016. Nhờ sơ đồ này, người Ý dù không được đánh giá cao vẫn vào tới tận tứ kết và chỉ chịu thua Đức trên chấm 11m.
Sau đó, ông Conte tới CLB Chelsea nắm quyền và cũng gần như lập tức giúp The Blues có chức vô địch Ngoại hạng Anh bằng sơ đồ ba trung vệ.
Mùa này, HLV Thomas Tuchel tiếp tục để Chelsea vận hành với sơ đồ tương tự và có chức vô địch Champions League danh giá. Nhiều CLB lớn khác như Man City, Real Madrid, Barcelona có thời điểm cũng đá theo bộ khung ba trung vệ.
Chuyên gia phân tích chiến thuật của UEFA Corinne Diacre cho rằng, sơ đồ ba trung vệ đem đến sự linh hoạt cả khi tấn công lẫn phòng ngự. “Khi không có bóng, hệ thống này sẽ chuyển sang 5 hậu vệ.
Khi tấn công, lượng cầu thủ áp sát khung thành đối phương có thể tăng từ 2 - 3 lên tới 4 - 5. Quan trọng hơn, với hai tiền vệ trung tâm bao quát ở giữa sân, các đội sẽ đạt được sự cân bằng cũng như đáp ứng nhu cầu chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại”, chuyên gia này phân tích.
Đáng chú ý, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo cũng luôn chơi với ba trung vệ. Chia sẻ trước báo giới, ông Park khẳng định, các trung vệ Việt Nam không mạnh tranh chấp, thể hình nên hai trung vệ khó đảm bảo an toàn. Vừa hay, Mixu Paatelainen, một chuyên gia khác tới từ UEFA cũng nhấn mạnh, ba trung vệ sẽ giúp việc che chắn cho khung thành đội nhà trở nên kín kẽ hơn.
“Đương nhiên, không phải cứ đá sơ đồ này là sẽ an toàn và giành chiến thắng, nó còn phụ thuộc vào con người các HLV có trong tay”, ông nói.
Do yêu cầu chiến thuật
Sơ đồ ba trung vệ thực tế không phải phát kiến mới của bóng đá thế giới, nó từng được HLV Carlos Bilardo xây dựng cho tuyển Argentina với đỉnh cao là chức vô địch World Cup 1986.
Tới World Cup 1990, hai đội chơi chung kết là Argentina và Đức đều đá ba trung vệ. Nhưng sau đó, sơ đồ này dần bị quyên lãng bởi các nhà chuyên môn nhận thấy bốn hậu vệ mới là tối ưu.
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với sơ đồ 3-5-2, đội bóng Nam Mỹ đã chơi thứ bóng đá đầy năng lượng, pressing ấn tượng khắp mặt sân.
“Điểm mấu chốt giúp sơ đồ ba trung vệ vận hành tốt không nằm ở các trung vệ mà nằm ở hai cầu thủ đá cánh. Gọi là hậu vệ biên, tiền vệ biên đều không phải bởi vai trò của họ bao quát cả hai vị trí đó. Cầu thủ chạy cánh là định nghĩa phù hợp hơn cả. Họ chạy nhiều nhất trên sân nên yêu cầu nền tảng thể lực phải rất dồi dào. Kỹ năng cũng cần toàn diện để khi biến thành mũi nhọn sẽ hỗ trợ tốt cho các tiền đạo và khi phòng ngự sẽ bọc lót được cho bộ ba trung vệ".
Mixu Paatelainen, chuyên gia tới từ UEFA
Đến nay, những đội bóng áp dụng sơ đồ này cũng đều hướng tới lối chơi pressing tầm cao.
Tiêu biểu như Bỉ, Đức, Pháp. Ngay cả những đội bóng trung bình hoặc trung bình khá như: Bắc Macedonia, Áo, Hungary, Phần Lan, Đan Mạch… cũng gây ấn tượng với lối chơi giàu năng lượng, sẵn sàng bóp nghẹt mọi khoảng không từ phần sân đối thủ.
“Với sơ đồ 3-5-2 hoặc 3-4-3, các đội bóng luôn quây ráp khi đối phương có bóng ngay từ phần sân nhà, tạo nên áp lực lớn nhờ số lượng cầu thủ đông đảo. Một trong những yêu cầu tiên quyết của sơ đồ này là cầu thủ di chuyển không bóng liên tục. Tuy nhiên, điểm hạn chế là nếu gặp đối thủ thoát pressing tốt, khai thác hiệu quả khoảng trống phía sau hai cầu thủ chạy cánh, đội nhà sẽ gặp nguy. Hà Lan bị CH Séc vượt qua là một ví dụ rõ ràng về việc chống lối chơi pressing. Bản thân đội tuyển Pháp cũng chưa vận hành thật sự tốt sơ đồ 3-5-2 và phải nhận thất bại trước một Thụy Sĩ cũng chơi 3-5-2 nhưng giàu năng lượng hơn”, cây bút Ben Garner của Tạp chí FourFourTwo phân tích.
Trong khi đó, tờ The Athletic nhìn nhận, xu hướng chiến thuật trong tương lai gần là pressing liên tục. Hai nhà vô địch Champions League gần nhất là Chelsea và Bayern Munich đều chú trọng pressing.
“Nói dễ hiểu hơn, thứ bóng đá tổng lực đang dần hồi sinh, tổng lực cả khi tấn công lẫn khi phòng ngự. Càng ngày, giới HLV đều nhận ra rằng, việc khoán vai trò phòng ngự cho hậu vệ, vai trò tấn công cho tiền đạo đang dần trở nên lỗi thời. Một đội bóng mạnh phải là đội bóng áp đảo được quân số cả khi dâng lên hoặc lùi về cùng khả năng chuyển trạng thái nhịp nhàng”, The Athletic nêu quan điểm.
Nguồn: [Link nguồn]
EURO 2020 đang trở thành vòng chung kết khắc nghiệt bậc nhất lịch sử giải đấu, với những kịch bản thực sự điên rồ....