Đua xe F1: "Học phí" 450 tỷ VNĐ để thành siêu sao thể thức 1
(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Những năm gần đây, đã có rất nhiều tay lái trẻ được trao cơ hội ra mắt và tham dự tại thể thức đua xe 1 chỗ (single seater) cao nhất – F1.
Có không ít những người cha, không chỉ là các cựu tay đua tốc độ mà còn là những ông bố bình thường khác muốn đưa con mình đến với đỉnh cao F1. Muốn thực hiện điều đó tất nhiên cần rất nhiều yếu tố, nhưng khởi đầu của tất cả những đứa trẻ đó đều là đua xe karting. Giai đoạn này thường bắt đầu khi chúng lên 8, 9 tuổi với những giải đấu nhỏ lẻ cấp địa phương hay cấp vùng.
Karting – khoảng thời gian dài hơi mang tính cọ xát đầu tiên
Khoảng thời gian “cày ải” với karting sẽ rơi vào khoảng 4 tới 5 năm trước khi đứa trẻ bước vào lứa tuổi teen. Nếu thực sự là một tay lái có khả năng với một số danh hiệu karting cấp quốc gia hay lớn hơn là khu vực, nó có thể đã sẵn sàng dấn thân mình vào thế giới đua xe.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng 4, 5 năm tham dự karting sẽ tiêu tốn của bố mẹ chúng khoảng 500 đến 700 nghìn USD, phụ thuộc vào độ thử thách của giải đấu mang lại, và dĩ nhiên, độ khó càng cao sẽ mang lại nhiều hơn những kinh nghiệm đua.
Bước tiếp theo sẽ là ngồi vào một chiếc xe đua thực sự, và điểm xuất phát hợp lý nhất sẽ là giải Formula 4 bởi nó có thể coi là thể thức chuyển giao giữa karting và đua xe lốp trần. Giải đấu sẽ có sự góp mặt của hàng loạt những tay lái trẻ, cùng độ tuổi và mang lại những trải nghiệm đầu tiên tại trường đua lớn, cùng với đó là những chiếc xe có mã lực lớn hơn.
Bước chuyển tiếp quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp – Formula 4
Sẽ phải mất khoảng 300 nghìn USD để mang lại được 1 vị trí đua chính thức trong 1 mùa giải và nhiều khả năng chúng cần tối thiểu 2 năm để thích nghi được với sự chuyển đổi từ karting. Vì thế ít nhất 600 nghìn USD sẽ mất đi trong túi tiền của cha mẹ chúng. Sau 2 năm, khi đã cảm thấy đủ khả năng để tiến lên, mục tiêu tiếp theo sẽ là ở giải Formula 3.
800 nghìn USD là cái giá để có thể chính thức ngồi vào một chiếc xe F3 và ở một đội đua lớn tại thể thức đó để có nhiều cơ hội test và đua hơn cho tay lái trẻ này. Sau 1 mùa làm tiền đề, đến năm thứ 2, hy vọng rằng chàng trai có thể giành được một vài chiến thắng, được để ý từ giới truyền thống, các đội đua hạng đầu và là ứng cử viên cho danh hiệu vô địch.
Tay lái trẻ hoàn toàn có thể giành thêm 1 năm nữa để thể hiện giá trị của bản thân tại F3 trước khi nhắm đến F2 – tiền thân của GP2 Series. Để chuẩn bị kỹ càng hơn cho F2, một mùa giải tại GP3 Series là một sự lựa chọn đúng đắn bởi kể từ đây, tay lái trẻ này bắt đầu có được những trải nghiệm quý giá đầu tiên trên các trường đua tổ chức F1.
Thực hiện điều này sẽ tiêu tốn khoảng 1 triệu USD và nhờ vào kinh nghiệm tại F3 cũng như tài năng sẵn có, chàng trai trẻ sẽ là tay lái trong top đầu của giải đấu. Nhưng cũng vì khả năng ấy mà mỗi cuộc đua áp lực đè trên vai anh sẽ lớn hơn bởi sự kỳ vọng ngày một tăng cao.
Những trải nghiệm sát với F1 bắt đầu tới từ GP3 Series
Ở độ tuổi 18 là thời điểm phù hợp để tham dự tại giải Formula 2 và hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Tay lái trẻ có tài nhưng không thể so sánh với 1 thần đồng như Max Verstappen ở thời điểm đó, cho nên điểm khởi đầu F2 sẽ từ phía cuối đoàn đua.
Tuy nhiên, thi đấu ở F2 có nghĩa là có cơ hội đối đầu với những tay lái dự bị của các đội đua F1 hay có tiềm năng “thăng hạng” trong thời gian tới, qua đó, họ sẽ có thêm rất nhiều kinh nghiệm quý báu khi đua cùng với những tay lái tiệm cận F1.
Gia đình tiếp tục đặt niềm tin tưởng tuyệt đối và quyết định chi ra số tiến khoảng 2,5 triệu USD để giành được 1 vị trí đua trong 1 đội đua mạnh và họ cũng biết rằng sẽ phải mất thêm 2 năm để tay lái trẻ của họ lĩnh hội được những kiến thức và thể hiện hết khả năng của mình tại F2. Đó là bước đệm cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất để tiến vào thế giới F1.
Một thành tích khả quan tại F2 mở ra cơ hội tiến đến F1
Những chi phí trên mới chỉ là số tiền phải bỏ ra để tay lái trẻ trau dồi khả năng đua cũng như có thêm những kinh nghiệm cho bản thân trên chặng đường sự nghiệp trước mắt. Bên cạnh đó còn những chi phí cần phải có khác như tiền di chuyển, y tế, phụ kiện, tiền quảng bá hình ảnh,… Tổng tất cả số tiến đó sẽ vào khoảng 10 triệu USD, nhưng nó vẫn chưa hề đảm bảo chắc chắn rằng tay lái trẻ sẽ xuất hiện tại F1 để tham dự 1 chặng đua.
Muốn có được 1 vị trí chính thức tại F1, có lẽ phải cần thêm 10 triệu USD nữa mới khiến điều đó trở thành hiện thực, tổng cộng con đường ngồi vào chiếc xe F1 là 20 triệu đô (khoảng hơn 450 tỷ VNĐ). Đó cũng chính là điều đáng buồn cho đua xe thời hiện đại khi có rất nhiều tay đua trẻ tài năng nhưng lại không có khả năng về tài chính nên không thể hoàn thành giấc mơ của mình. Ngược lại, những đứa trẻ khá giả, có điều kiện lại có thể thực hiện điều đó mà không phải cố gắng quá nhiều.
Nhờ ông bố triệu phú Lawrance, Lance Stroll có con đường thăng tiến “trải đầy hoa hồng”
Cơ hội duy nhất giành cho những tài năng trẻ chính là trong giai đoạn đua tại các giải nhỏ, những “ông lớn” như Ferrari, McLaren hay Red Bull, Mercedes phát hiện ra và đầu tư vào, dù cơ hội này quá nhỏ. Trong quá khứ, rất nhiều tay lái với tài năng thực sự đã chứng tỏ được bản thân và vươn lên tầm huyền thoại của F1 như Niki Lauda, James Hunt hay Gilles Villeneuve.
Giờ đây, ngoại trừ những tài năng thực sự như Max Verstappen hay Esteban Ocon, một số tay lái trẻ khác ngay ở các giải thấp hơn hay thậm chí là từ karting đã được người thân triệu phú hay tỷ phú vung ra hàng đống tiền để chúng có cơ hội đua xe chuyên nghiệp.
Đây là một xu hướng mới ngày càng phát triển khiến đồng tiền ngày một chi phối môn thể thao lớn hơn. Vì thế trong tương lai gần, bạn đừng cảm thấy khó hiểu khi những cuộc đua trở nên nhàm chán hơn so với trong quá khứ huy hoàng của nó.
Hãy cùng điểm lại những con số ấn tượng trong mùa giải F1 2017.