Zanskar: Chốn tận cùng thế giới

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Nơi đây xứng đáng với tiêu đề cuốn sách của nhà văn Murakami: Xứ sở diệu kỳ và chốn tận cùng thế giới.

Tôi thức dậy khi trời còn tờ mờ sáng. Bên ngoài vẫn còn khá lạnh, chừng 5 - 6 độ C. Tôi mặc quần áo, đội mũ, đeo găng tay và khăn quàng cổ cẩn thận rồi xuống dưới sảnh, ra khoảng hiên trước cửa nhà. 

Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Khung cảnh nơi đây đã thay đổi, khác biệt hẳn những gì tôi thấy chiều qua, khi vừa đặt chân đến. Lúc đó, trời xẩm tối, chúng tôi - những người lái chiếc xe cuối cùng của đoàn, mải miết đi trên con đường đầy sỏi đá giữa hai rặng núi.

Phía trước là cả thung lũng rộng lớn, bốn bề là các ngọn núi cao đến 5.000 - 6.000m được bao phủ bởi tuyết trắng xoá trên đỉnh. Dưới đất, ngoằn ngoèo các suối nước trắng bạc óng ánh lên bầu trời xanh như những con rắn cổ xưa, đã tồn tại hàng trăm nghìn năm, đóng băng khi mùa đông đến và hóa thân trở thành những suối nước khi hè sang. Mọi thứ cứ tuần tự như vậy không biết qua bao nhiêu đời người.

Những suối nước trắng bạc óng ánh

Những suối nước trắng bạc óng ánh

Có tiếng người gọi, xa xa bên dưới thung lũng lác đác vài ngôi nhà xiêu vẹo như vừa trải qua chiến tranh. Chính giữa, một ngôi nhà hai tầng kiên cố được sơn màu trắng nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ này. Người vừa gọi vừa vẫy tay với chúng tôi là bạn tourguide người Ấn, họ đã đến đây được một lúc trong khi chúng tôi vẫn lang thang dò dẫm trên con đường đầy đau khổ và khó nhọc đó.

Vùng đất chúng tôi nghỉ chân qua đêm có tên là Rangdum, cao 4.010m so với mặt nước biển. Con đường chúng tôi đi là con đường độc đạo duy nhất từ Leh - thủ phủ của vùng Ladakh - đến Zanskar - một trong những vùng đất xa xôi hẻo lánh nhất miền Bắc Ấn Độ - nơi đây từng là lãnh thổ của vương quốc cổ xưa Guge.

Không nhiều du khách chọn cung đường này, và nhất là chẳng mấy ai tự mình lái xe moto để đến đây cả. Bỏ qua mọi khuyên can của bạn bè cũng như của các du khách nước ngoài ở cùng hostel tại Leh, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện hành trình và những gì được tận mắt thấy, tai nghe quả thực vô cùng xứng đáng.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của Rangdum nhìn từ trên cao

Vẻ đẹp kỳ vĩ của Rangdum nhìn từ trên cao

Càng đi xe đến gần, tôi càng thấy kì lạ. Một sự kì lạ bất đối xứng. Những ngôi nhà được đắp bằng đất thấp tè bên trên được phủ đầy rơm rạ khô và phân bò, một số thì xiêu vẹo đổ nát. Nơi tôi đang đến là một ngôi nhà hai tầng được xây bằng gạch khang trang và được sơn trắng, mái nhà lợp ngói tỏa đều hai bên. Một công trình phải gọi là kỳ vĩ ở cái nơi khỉ ho cò gáy cao đến 4.010m này.

Lúc ở trên ngọn đèo nhìn xuống đây, tôi đã tự nhủ: “mình đang làm cái quái gì ở đây vậy”. Nhưng nơi đây xứng đáng với tiêu đề cuốn sách của nhà văn Murakami: "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới".  

Bỗng từ trên con đường tôi vừa đi qua, có khói bụi bay lên từng lớp. Một chiếc xe 12 chỗ cổ lỗ sĩ đang lê những bánh xe khó nhọc rệu rạo trên nền đá sỏi để đến đây. Với hình dáng của chiếc xe khốn khổ này thì tôi không nghĩ nó là của các du khách. Có lẽ chẳng có du khách nào chịu ngồi lên chiếc xe đáng tuổi bà tôi như thế này cả. 

Chiếc xe chầm chậm đi đến gần và đỗ trước cửa, cách chúng tôi tầm vài mét. Xe mở ra, những nhà sư Mật tông Tây Tạng mũ vàng bước xuống trước sự ngỡ ngàng của tôi và những người đang đứng trước hiên. Họ nhẹ nhàng leo khỏi xe, một tay cầm vạt áo, tay cầm tràng hạt, người lại cầm cái bát và vân vê một thứ gì đó bên trong, sau này tôi mới biết đấy là bột kê khô xay nhuyễn.

Vậy đó, bạn ở nơi diệu kỳ và chốn tận cùng thế giới, gặp các nhà sư phái Mật tông Tây Tạng đang ở cùng một nhà nghỉ với mình trong một buổi chiều kỳ lạ và lạnh buốt như thế này.

Bạn còn chờ đợi một điều gì hơn thế nữa!

Một nhà sư Mật tông Tây Tạng

Một nhà sư Mật tông Tây Tạng

Đó là chuyện của chiều qua, còn giờ đây, vào lúc 6 giờ sáng, khung cảnh tôi đang nhìn thấy khác biệt hoàn toàn, một khung cảnh hùng vĩ, nhưng bình yên và đầy mê đắm. Như bạn đã bước qua một thế giới khác. Một thế giới của ánh sáng, của một ngày mới nơi xứ sở này.

Những ngọn núi cao lớn đối diện được chiếu sáng, lấp lánh trong tuyết. Từ mấy ngôi nhà đất phủ rơm rạ trước mắt tôi, những cột khói bốc lên cao, chắc hẳn chủ nhân của chúng đã thức dậy. Những tia nắng đầu ngày bị những đám mây che phủ, tạo thành các ren sáng, chiếu những ánh sáng mịn màng óng ánh như dải lụa. Từ xa, đàn chim bay lên sau giấc ngủ. Con người, thiên nhiên, cứ thế hoà hợp với nhau, bình yên và thiện lành. 

Bình minh tại Rangdum

Bình minh tại Rangdum

Chúng tôi tiếp tục hành trình sau khi ăn sáng và nai nịt gọn gàng. Sau một buổi tối được ngủ ngon giấc, tinh thần mọi người đều phấn chấn. Nhưng chỉ một vài phút thôi, chúng tôi lại nhận ra một sự thật rằng, con đường đầy sỏi đá, và nhiều lúc… không còn là hình dạng con đường nữa vẫn còn dài phía trước. Và chúng tôi lại vừa dò đường, vừa tìm cách chinh phục những dòng suối trên đường đi.

Bỗng phía trước, hiện lên một dòng sông băng khổng lồ, ngoằn ngoèo và trắng xóa như một con rắn đang trườn lên đỉnh núi. Tôi từng nhìn thấy rất nhiều sông băng trên những con đường đã qua nhưng to lớn như thế này thì là lần đầu tiên. Một khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Sau khi đi gần hết một ngày dài, cả nhóm mới vượt qua được con đường thử thách sự kiên trì của bản thân và đến được Zanskar - điểm cuối của chặng hành trình.

Dòng sông băng trên đường đến Zanskar

Dòng sông băng trên đường đến Zanskar

Ngày hôm sau, điểm đến của chúng tôi là tu viện Phuktal - một tu viện cổ xưa được xây dựng từ thế kỉ XII - là nơi tu hành của các nhà sư dòng truyền thừa Gelug, Phật giáo Kim Cương Thừa.

Tu viện cổ Phuktal

Tu viện cổ Phuktal

Sau khi đi thăm quan tu viện và một vài điểm thăm quan chính tại đây, thay vì trở về khách sạn nằm đệm êm chăn ấm, có nhà tắm và đồ ăn được nấu sẵn, chúng tôi quyết định bẻ cung, trở về lại con đường cũ và xin vào ngủ nhờ tại nhà một người dân tại một làng nhỏ ven đường.

Ngôi làng chỉ có khoảng vài chục căn nhà nhỏ, trên nóc nhà, họ đã chuẩn bị sẵn cỏ khô, củi và phân bò phơi khô để chuẩn bị cho mùa đông sắp đến. Trước mỗi ngôi nhà có một lạch nước nhỏ dẫn nước từ suối qua. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều lấy nước từ con lạch này, từ nấu ăn cho đến tắm giặt.

Toàn cảnh ngôi làng mà chúng tôi dừng chân

Toàn cảnh ngôi làng mà chúng tôi dừng chân

Chủ nhà rất nhiệt tình và thân thiện, làm bánh sủi cảo nhân hành đãi  và mời chúng tôi uống một thứ bia họ tự nấu lấy. Vì ở đây mọi người hầu hết đều ăn chay, nên suốt chuyến đi chúng tôi phải lấy đồ ăn mang theo từ Việt Nam. Tối hôm đó, để có thêm rau củ, tôi đã phải ra vườn đào những củ khoai to bằng những quả trứng cút để nấu canh cho mọi người. Dù không đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn, nhưng bù lại mọi người có một trải nghiệm không bao giờ quên tại ngôi làng này.

Zanskar: Chốn tận cùng thế giới - 8

Zanskar: Chốn tận cùng thế giới - 9

Tuy không đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn, nhưng bù lại, mọi người có một trải nghiệm không bao giờ quên tại chính ngôi làng này.

Tuy không đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn, nhưng bù lại, mọi người có một trải nghiệm không bao giờ quên tại chính ngôi làng này.

Vào ban đêm, khi các ngôi nhà đã tắt đèn, đứng trước cửa nhà nhìn lên bầu trời, bạn sẽ thấy cả một dải ngân hà rộng lớn sáng lấp lánh, thứ mà bạn sẽ không bao giờ có thể tận mắt trông thấy khi ở các thành phố.

Dải ngân hà tại Ladakh

Dải ngân hà tại Ladakh

Henry Miller đã từng nói: “Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới”. Hành trình đến Zanskar là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi. Và không chỉ riêng tôi, sau chuyến đi, mọi người đều đồng ý rằng, đi bằng xe máy đến Zanskar là một trong những quyết định sáng suốt nhất. Vì chỉ có vậy, bạn mới có thể cảm nhận được toàn bộ vùng đất này một cách trọn vẹn nhất.

Một trong những thung lũng đẹp nhất tại Ladakh

Một trong những thung lũng đẹp nhất tại Ladakh

Nguồn: [Link nguồn]

Đá khắc chữ “Nếu nhìn thấy tôi, hãy khóc” hiện ra ở Czech, thảm họa thật ập đến

Tảng đá bí ẩn khắc dòng chữ "Wenn du mich siehst, dann weine", tức "Nếu nhìn thấy tôi, hãy khóc" lại hiện ra ở bờ sông Elbe, là một lời cảnh báo thảm họa được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Đào ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN