Xứ dừa Cồn Phụng khó quên
Về với Bến Tre, bạn không thể không ghé thăm xứ dừa Cồn Phụng, cây trái miệt vườn, bánh thơm kẹo ngọt và những điệu nhạc đờn ca tài tử mênh mang níu bước chân người.
Bàn tay nghệ nhân tinh tế
Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Mỹ Tho (một đoạn của sông Tiền) thuộc xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông). Ban đầu, Cồn Phụng chỉ là một cồn nhỏ nổi giữa sông Mỹ Tho vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50ha. Nhiều đoàn khách vẫn thường chọn phương tiện tàu hoặc đò của các công ty du lịch địa phương khi muốn tham quan Cồn Phụng với giá trọn gói 200.000 đồng/chuyến, hoặc đò ngang với giá 10.000 đồng/khách.
Khách tham quan một xưởng chế biến kẹo dừa tại Cồn Phụng
Điểm độc đáo của Cồn Phụng là nơi đây dành một phần diện tích để bảo tồn nguyên trạng những gì liên quan đến ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam- nhà bảo tàng tranh ảnh về ông, sân 9 con rồng, tháp Hoà Bình... Phần lớn diện tích còn lại, Cồn Phụng được bố cục theo kiểu nhà vườn Nam Bộ có nhà ăn trên hồ và cầu tre bắc qua sông. Sản phẩm nổi bật nhất của Cồn Phụng chính là đồ mỹ nghệ làm từ thân, trái, vỏ dừa. Do nguyên liệu và nhân công “tại gia” nên giá sản phẩm rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/món.
Ông Trần Văn Nghĩa - một nghệ nhân làm đồ mỹ nghệ từ dừa có tiếng của xã Tân Thạnh cho biết: “Nghề làm đồ mỹ nghệ này của Bến Tre đã có từ hơn chục năm nay. Sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các nghề thủ công được sản xuất từ dừa”. Du khách đến đây sẽ có dịp chứng kiến tận mắt quy trình làm các sản phẩm được chế tác từ dừa và có thể chọn cho mình một sản phẩm dễ thương làm quà lưu niệm, hay tặng cho bạn bè.
Bánh thơm kẹo ngọt
Đặc sản của xứ dừa nổi tiếng nhất vẫn là kẹo dừa. Đến Cồn Phụng, du khách có thể tham gia vào bất cứ công đoạn nào trong toàn bộ quy trình làm kẹo dừa thủ công, từ khi bổ những trái dừa còn nguyên vỏ đến công đoạn cuối cùng là đóng gói những chiếc kẹo thành phẩm. Thật tuyệt khi được thưởng thức những chiếc kẹo vừa ra lò, có thể do chính bàn tay mình làm ra.
Thời điểm thích hợp nhất để đến Cồn Phụng là vào đầu hè, khi nắng chưa gay gắt, bạn có thể đi thăm các vườn cây ăn trái và thưởng thức các món ăn ngon đậm chất vùng miền. Khách có thể đi xuồng chèo tay để thám hiểm con rạch nhỏ thiên nhiên với hệ sinh thái động, thực vật còn hoang sơ và những hàng dừa nước phủ mát, duyên dáng hai bên bờ kênh. Nếu thích bạn có thể trổ tài chèo đò để ghé thăm vườn nuôi ong mật và thưởng thức trà mật ong thơm mát tại vườn. Hoặc một cách khác là đi xe ngựa len lỏi trong đường làng đến tham quan vườn cây ăn trái, dùng trái cây theo mùa tại nhà vườn Quới An, đến trại cá sấu, đi cầu khỉ, câu cá thư dãn…
Cùng với nghề làm kẹo dừa, ở đây còn nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, làng bánh tráng có từ lâu đời và nổi tiếng là bánh tráng Mỹ Lồng (Giồng Trôm). Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo pha lỏng vừa phải với nước cốt dừa và các phụ gia như mè, muối, đường, tiêu, tỏi, dừa, hành... Bánh tráng xong được đặt trên những tấm đan làm từ lá dừa rồi phơi ra nắng, ngắm nghía những vỉ lá phơi bánh có một cảm giác thư thái vô cùng, miếng bánh trắng tròn vành vạnh như mặt nguyệt sẽ làm bạn nhớ mãi xứ dừa Bến Tre.
Cồn Phụng có nhiều dịch vụ hấp dẫn, nhất là du thuyền đưa du khách tham quan ngắm cảnh sông nước, tham quan vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả của các cồn và những sinh hoạt thường nhật của người dân vùng ven sông Tiền. |