Xem lính Hoàng gia Anh đổi ca gác ấn tượng tại lâu đài 1.000 năm tuổi
Những người lính Anh đã đổi ca gác liên tục suốt 400 năm qua, trở thành nghi thức lâu đời và hoạt động du lịch hút khách bậc nhất của Hoàng gia.
Vương quốc Anh sở hữu vô số những lâu đài cổ xưa, mang hơi thở của nhiều thế kỷ trước đặt giữa bối cảnh xã hội hiện đại. Trong chuyến đi đến Anh, travel blogger Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) đã có dịp được tận mắt chứng kiến nghi thức đổi ca gác của những người lính Hoàng gia Anh tại lâu đài Windsor.
Đội lính tinh nhuệ trong khoảnh khắc giao ca tại Lâu đài Windsor.
Windsor là lâu đài đã hiện diện tại Anh từ thế kỷ 11, tọa lạc ở hạt Berkshire - cách London chỉ khoảng 95 km về hướng Tây. Lâu đài này là nơi ở của Hoàng gia Anh, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II vừa qua đời và người kế vị Vua Charles III.
Trải qua suốt 1.000 năm biến động của lịch sử, nơi đây vẫn đứng vững và trở thành tòa lâu đài cổ xưa nhất mà đến nay vẫn còn người sinh sống.
Bộ quân phục dày và nặng giúp người lính trông to khỏe hơn, gây áp lực trước kẻ thù trong các cuộc chiến.
Chiếc nón khổng lồ từng được làm bằng lông gấu xám, hiện nay đã thay thế bằng các loại sợi nhân tạo.
Từ những bức thành bằng gỗ đơn sơ bên cạnh bờ sông Thames, tòa lâu đài được xây cất thêm qua mỗi đời quân chủ, để ngày nay trở thành công trình rộng đến 5 ha, diện tích sàn lên đến 45.000 m2.
Đến thế kỷ 19, tòa lâu đài được hiện đại hóa, liên tục mang về những sản phẩm và công nghệ mới nhất từ thế giới bên ngoài, giúp nơi đây vừa rất cổ kính và uy nghiêm, cũng vừa rất hiện đại và mới mẻ. Hiện tại, lâu đài Windsor cùng nhiều bất động sản khác của Hoàng gia mở cửa, chào đón du khách từ mọi nơi trên thế giới.
Lối đi dẫn đến cổng lâu đài được bao lấy bởi thảm cỏ và cây xanh rất mát mẻ.
Các công trình, hạng mục của lâu đài liên tục được xây cất thêm qua mỗi triều đại vua.
Tổng diện tích của lâu đài lên tới 5 hecta, ngập tràn những thảm xanh và các công trình cổ xưa.
Lâu đài trở thành niềm tự hào và bảo chứng cho bề dày lịch sử của Vương quốc Anh.
Khách du lịch đến đây vào 11 giờ sáng thứ ba, thứ năm và thứ bảy sẽ được xem lính Hoàng gia Anh đổi ca gác, đây là nghi thức diễn ra liên tục suốt từ thế kỷ 17 và ngày nay trở thành hoạt động thu hút đông đảo du khách. Bạn có thể chọn tour 10 phút, xem những người lính của quân chủ Anh thay ca trên phố, hoặc chọn tour 30 phút để xem trọn vẹn mọi nghi thức diễn ra ngay trong lâu đài.
Lính gác Hoàng gia Anh nổi tiếng với bộ quân phục nổi bật, nón đội đầu khổ lớn, tác phong nghiêm túc trong lúc làm việc và họ hầu như sẽ đứng im như tượng trong ca làm việc.
Lính gác Hoàng gia thay ca trực. Họ đã làm công việc này xuyên suốt 400 năm qua để bảo vệ các đời quân chủ, bắt đầu từ Vua Charles II và hiện nay là Vua Charles III.
Lính gác là những thanh niên ưu tú với thể lực xuất sắc được tuyển chọn gắt gao. Từ năm 2000, hàng ngũ này đã xuất hiện những nữ quân nhân và số lượng nữ giới tham gia ngày càng nhiều.
Mỗi ca gác kéo dài từ 24 tiếng đến 48 tiếng, chia làm những hiệp nhỏ kéo dài 2 tiếng và thời gian nghỉ ngơi 10 phút.
Lâu đài tuổi đời một thiên niên kỷ này còn rất nhiều điều thú vị để bạn khám phá. Bắt đầu từ lối đi chính vào cổng lâu đài, bạn sẽ được thả bộ 5 km giữa hàng cây xanh rờn. Đây là ý tưởng của Vua Charles II và con đường này được giữ nguyên suốt 400 năm qua. Vào bên trong, nếu chỉ đi bộ vòng quanh khuôn viên, bạn phải mất đến 16 tiếng để hoàn thành.
Lâu đài không chỉ là nơi tổ chức 15 đám cưới hoàng gia, mà còn là nơi yên nghỉ của 10 vị quân chủ Anh.
Trải qua một thiên niên kỷ đầy biến động, tòa lâu đài vẫn đứng vững và trở thành nơi lâu đời nhất vẫn còn có người sinh sống.
Nổi bật bên trong lâu đài là Nhà nguyện Thánh George. Công trình này được xây dựng dưới thời Vua Edward IV và mất đến 50 năm để xây dựng. Kết quả là, chúng ta có một tòa nhà kiên cố với lối kiến trúc ấn tượng, bày trí nội thất sang trọng và bền vững với thời gian. Đã có 15 đám cưới hoàng gia được tổ chức tại đây, gần đây nhất là lễ cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle.
Nguồn: [Link nguồn]
Mục đích xây dựng và niên đại của hang động này đến nay vẫn là một bí ẩn.