Xây nhà, đào được… "hoàng tử ma" 2.700 tuổi trên xe ngựa đầy châu báu
Công trình xây dựng khu liên hợp thể thao ở Ý đã phải tạm ngừng vì mộ của một hoàng tử thời tiền La Mã với giáp sắt, xe ngựa và cả một kho tàng bất ngờ lộ diện.
"Việc chụp ảnh trên không đã đưa đến sự nhận dạng đầu tiên của địa điểm này" – giáo sư khảo cổ học Federica Boschi từ Đại học Bologna (Ý), trưởng nhóm nghiên cứu, kể lại.
Việc chụp ảnh nhằm kiểm tra lại toàn diện khu đất thuộc địa phận Corinaldo (Ý) khi khởi công khu liên hợp thể thao. Nhưng rồi họ đã phát hiện những dấu vết hình tròn lờ mờ, thứ rất giống những vòng tròn trong phong tục tang ma thời tiền La Mã. Sau đó, quá trình khảo sát địa từ xác định chắc chắn bên dưới đó là một kho kim loại khổng lồ.
Khu vực chính của mộ cổ nơi hàng loạt châu báu được phát hiện, riêng thân thể của vị "hoàng tử ma" là biến mất! - ảnh: Pierluigi Giorgi
Việc khai quật diễn ra ngay sau đó. Và các nhà khảo cổ đã ngỡ ngàng mở ra được một ngôi mộ cổ đầy châu báu. Trong mộ có cả một cỗ xe ngựa, giáp sắt, vũ khí và nhiều đồ tùy táng đắt giá. Các kết quả kiểm tra ban đầu cho rằng chủ nhân mộ cổ là một vị hoàng tử đầy quyền uy sống vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, tức khoảng 2.700 năm về trước.
Tuy nhiên, đó là một vị "hoàng tử ma" vì thân thể ông, đáng lẽ nằm trong bộ giáp sắt, thì đã như bị bốc hơi! Thế nhưng tất cả những gì trong mộ cung cấp đủ bằng chứng ông từng hiện diện và được chôn cất một cách long trọng.
Điều đó hết sức kỳ bí, vì rõ ràng khó lòng là do kẻ trộm mộ, bởi thứ bị mất là thi hài, còn đồ tùy táng quý giá vẫn nguyên vẹn. Các nhà khoa học cho rằng có thể thời gian đã làm hư hại hài cốt của ông, nhưng điều đó sẽ cần kiểm chứng thêm.
Vị hoàng tử bí ẩn ấy là một người Piceni, cư dân thời kỳ đồ sắt sớm của Ý, chủ yếu phân bổ ở vùng Novilara ở phía Bắc và Belmonte ở phía Nam. Các tư liệu khảo cổ còn sót lại cho thấy họ là những chiến binh dũng mãnh, cực kỳ giàu có và từng giao thương với người Hy Lạp từ thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên.
Trong số các món đồ tùy táng, phần khung cửa chiếc xe ngựa, đồ gốm và quần áo trong mộ được các nhà khoa học chăm sóc kỹ càng nhất. Các tác giả cho rằng chúng có thể thúc đẩy những hiểu biết hoàn toàn mới về mối quan hệ giao thương, trao đổi tặng phẩm của tầng lớp quý tộc cổ xưa trong khu vực.
Đặc biệt trong số đồ gốm có một món đồ quý nhập từ Daunia cổ đại, thứ tặng phẩm cực kỳ đắt giá tượng trưng cho sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế của người đã khuất.
Hiện việc khai quật vẫn tiếp diễn và giới chức địa phương vẫn chưa quyết định di chuyển ngôi mộ hay thay đổi thiết kế trung tâm thể thao để giữ nguyên hiện trạng mộ cổ.
Xét nghiệm di truyền trên bốn quần thể người Tây Phi đã hé lộ họ mang từ 2-19% yếu tố di truyền từ một vị tổ tiên...
Nguồn: [Link nguồn]