4 ngày lang thang, khám phá mọi ngóc ngách ở Hà Giang của đôi vợ chồng trẻ
Lần đầu đặt chân đến Hà Giang, tiết trời rét căm căm càng thôi thúc vợ chồng chị Hoàng Ngọc Anh (TP.HCM) nhanh chân khám phá, ngắm nhìn mảnh đất đậm chất tình này những ngày đầu năm mới.
Lần đầu đặt chân đến Hà Giang, tiết trời rét căm căm càng thôi thúc vợ chồng chị Hoàng Ngọc Anh (TP.HCM) nhanh chân khám phá, ngắm nhìn mảnh đất đậm chất tình này những ngày đầu năm mới.
Kế hoạch đi du lịch trong năm cũ 2021 của vợ chồng tôi phải tạm gác lại do dịch COVID-19. Bởi vậy, sang đầu năm mới 2022, khi hay tin du lịch nội địa mở cửa, hai vợ chồng bắt đầu lên kế hoạch du xuân. Chúng tôi dự định đi Hà Giang rất lâu rồi nhưng vẫn chưa có dịp, đơn giản là Hà Giang đẹp quá, mà muốn khám phá hết vẻ đẹp đó phải đi nhiều ngày mới…đã!
Nhân dịp nghỉ lễ Tết và chưa có em bé nên vợ chồng son quyết định năm nay ăn Tết ở một nơi xa. Tôi lên các hội nhóm review du lịch tham khảo, xem các bài chia sẻ để biết thêm nhiều thông tin ở Hà Giang. Sau khi đã nắm được những thông tin cơ bản, cả hai quyết định book một bạn hướng dẫn viên bản địa cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm. Vì ở Hà Giang các địa điểm tham quan, vui chơi khá xa nhau, có khi cách cả 50km – 100km và đường cũng hơi khó đi.
Trưa mùng 2 Tết, từ phương Nam nắng ấm chúng tôi bay ra Hà Nội. Sau đó bắt xe đến TP Hà Giang cũng tầm 4h sáng. Lần đầu đón cái rét xứ Bắc lúc trời tờ mờ sáng, sương mù giăng khắp lối đủ khiến cảm xúc của tôi nôn nao. Giữa trời lạnh, thưởng thức ngay tô phở Tráng Kìm trứ danh, ngon không chê vào đâu được.
Sau khi no nê, chúng tôi theo chân bạn hướng dẫn viên bản địa bắt đầu hành trình du xuân xứ cao nguyên đá. Thời điểm tháng Giêng, Hà Giang rất lạnh, phải chuẩn bị đủ đồ ấm, khăn, bao tay. Đi du lịch nhưng sức khoẻ vẫn là tiêu chí hàng đầu để chuyến du xuân đầu năm mới được trọn vẹn. Thời tiết ở Hà Giang lúc này tầm 11 độ, ở Quản Bạ thì lạnh hơn chỉ có 8 độ và cột cờ Lũng Cú thì 6-7 độ.
Phương tiện chúng tôi lựa chọn di chuyển những ngày ở Hà Giang là xe máy. Dịch vụ thuê xe đa dạng, có nhiều mức giá cho du khách lựa chọn từ 180.000 - 550.000 đồng/ngày tuỳ loại xe số, xe ga hay xe côn tay. Đi xe máy nên 2 vợ chồng chỉ mang balo gọn nhẹ, bạn không nên mang vali cồng kềnh vì sẽ rất khó đèo ở sau xe.
Ngày 1: Check-in cột mốc KM 0, Bắc Sum, Thẩm Mã, nhà của Pao, nhà Vương
Điểm đến nhất định bạn phải ghé khi tới Hà Giang đó chính là cột mốc KM 0. Cột mốc này nằm trên Quốc lộ 2, nối tỉnh Hà Giang và Hà Nội. Nếu bạn là người đam mê phượt, thích chinh phục xứ cao nguyên đá kỳ vĩ thì cột mốc KM 0 mang một ý nghĩa rất đặc biệt, là nơi khởi đầu cho quãng đường tới Đồng Văn, Quản Bạ, Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng…
Sau khi check-in cột mốc KM 0, chúng tôi tiếp tục khám phá dốc Bắc Sum. Con đường ngoằn ngoèo như thách thức người cầm lái, nhưng nào có hề chi! Cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ mang màu xanh ngút ngàn thôi thúc chúng tôi khao khát chinh phục, càng thêm yêu non nước xứ sở.
Với những ai vốn quen với cảnh kẹt xe, ngã ba ngã bảy ở phố thị, thì trải nghiệm con đường tựa như dải lụa nằm vắt ngang núi thì chắc hẳn sẽ mang những cảm xúc rất lạ!
Trải qua cảm giác phiêu lưu chinh phục dốc Bắc Sum, chúng tôi tới Yên Minh và không quên check-in toạ độ “cây nghiến cô đơn”, đứng sừng sững giữa khoảng trời sơn cước mênh mông.
Hà Giang vốn nổi tiếng với những con dốc “khó nhằn”, rời Bắc Sum tầm 80km hướng về Đồng Văn, chúng tôi được khám phá dốc Thẩm Mã nổi tiếng. Con dốc vốn rất ngắn nhưng có những khúc cua tay áo đầy thử thách.
Tôi được biết, sở dĩ con dốc này có tên Thẩm Mã là vì trước đây, người dân trong vùng muốn kiểm tra ngựa tốt chỉ cần cho nó leo đến đỉnh dốc, con nào vượt qua được thì đó là ngựa khoẻ. Ngày nay, dốc Thẩm Mã trở thành nơi chinh phục của các phượt thủ.
Gần về cuối ngày, chúng tôi lần lượt được ghé thăm nhà của Pao, nhà Vương. Nói về nhà của Pao, nếu bạn từng xem bộ phim Chuyện của Pao, thì khi đặt chân đến ngôi nhà là bối cảnh trong phim sẽ cảm nhận được nét bình dị, đậm chất đời sống văn hoá Tây Bắc với hàng rào đá ấn tượng, cánh cổng gỗ nhuốm màu thời gian, mái ngói âm dương. Lúc vợ chồng tôi tới nhà Pao, còn được mấy em nhỏ người bản địa đáng yêu, sau lưng gùi bó hoa cải vàng xinh xắn thân thiện chào đón.
Một trong những địa điểm du lịch Hà Giang đặc sắc mà vợ chồng tôi bảo nhau nhất định phải ghé thăm, rồi cũng thực hiện được, đó chính là khám phá dinh thự họ Vương của vua Mèo, hay còn gọi là nhà Vương.
Toạ lạc dưới chân thung lũng nhỏ (xã Sà Phìn, Đồng Văn), ngôi dinh thự cổ có tuổi đời trăm năm nằm trên một khối đất cao, xung quanh là các dãy núi vòng cung mà người ta hay gọi là địa thế hình mai rùa.
Điều ngạc nhiên là trải qua bao thăng trầm biến cố, đến nay dinh thự cổ này vẫn gần như nguyên vẹn với lối kiến trúc độc đáo của văn hoá đồng bào H’Mông. Cảm nhận của tôi khi bước chân vào ngôi dinh thự cổ, nơi đây vừa trang nghiêm, vừa mang chút huyền bí, lại có cả sự bình dị, gần gũi.
Ngày 2: Phổ cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, Mã Pí Lèng
Vợ chồng tôi dạo quanh phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn). Giữa vùng núi đá vôi tĩnh lặng, khu phố cổ nổi bật vẫn giữ được vẻ cổ kính vốn có. Bữa sáng tại nơi cao nguyên đá cũng rất thú vị, bạn cũng có thể nhâm nhi chút cà phê nơi rẻo cao.
Ngày thứ 2 ở Hà Giang, chúng tôi cũng tới được cột cờ Lũng Cú. Vì nhiều sương và mây nên đường lên cột cờ khá trơn và ướt, phải đi rất cẩn thận mới không bị ngã. Thời điểm này nhiều người cũng du xuân nên lên tới nơi khá đông người.
Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, là một cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, đỉnh đèo nằm ở độ cao 1.200m. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt ra xa, có thể ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, núi non xanh bạt ngàn hùng vĩ.
Mỏm đá tử thần Mã Pì Lèng.
Ngày 3: Xuôi dòng Nho Quế
Dòng Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. Đến sông Nho Quế, hãy trải nghiệm ngồi thuyền, cano để tới hẻm Tu Sản. Đây sẽ là những thước phim đáng nhớ trong hành trình du xuân của chúng tôi. Giữa dòng chảy êm đềm, vách núi dựng đứng, bầu trời xanh cao vời vợi, không thể diễn tả hết xúc cảm của tôi lúc này.
Dốc Tà Làng với gần 50 khúc cua, một trong những cung đường hiểm trợ dẫn xuống sông Nho Quế.
Ngày 4: Nghỉ ngơi và ẩm thực
Một trong những homestay vợ chồng tôi lưu lại trong thời gian khám phá Hà Giang
Vào Du Già nghỉ ngơi ở homestay, tối đến đốt lửa, ăn đồ nướng. Sáng hôm sau chúng tôi dự định đi tham quan thác nước, chèo thuyền nhưng vì trời mưa nên phải quay về sớm hơn dự kiến. Trên đường về thì ghé qua tham quan vườn hoa đào, hoa mận.
Nói thêm một chút về ẩm thực ở Hà Giang. 4 ngày 3 đêm, đi tới đâu hai vợ chồng cũng đều được thưởng thức những món đặc sản địa phương rất ngon, dư vị đến giờ tôi vẫn nhớ. Đó là hương vị hấp dẫn của món bánh cuốn phố cổ Đồng Văn, mâm cơm đặc sản nức tiếng Hà Giang, sì sụp món lẩu gà đen nóng hổi, bánh tam giác mạch, mèn mén bột ngô…
Kết
4 ngày ở Hà Giang thời tiết đều lạnh và không có nắng, ngày đầu tiên vợ chồng tôi còn chưa quen nên thấy cực kỳ rét, qua ngày sau thì bắt đầu quen dần với thời tiết. Cảnh sắc Hà Giang thì tuyệt đẹp, núi non trùng điệp, khung cảnh bình yên, người dân thân thiện, hiếu khách.
Suốt cả hành trình, chúng tôi được nghe kể về nhiều giai thoại gắn liền với những điểm đến, những câu chuyện xưa cũ vẫn vẹn nguyên giá trị văn hoá đến tận ngày nay. Hà Giang - chuyến du xuân đáng nhớ.
Đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm) thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình là ngôi đền lâu đời và linh thiêng nổi tiếng ở vùng cố đô, được mệnh...
Nguồn: [Link nguồn]