Về Thung Nai lặng ngắm một "Hạ Long trên cạn"

Thung Nai được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” của Hòa Bình, đẹp như một bức tranh thủy mặc sơn thủy hữu tình, làm mê đắm lòng người.

Cách Hà Nội khoảng 100km với khoảng 1 giờ 30 phút xe chạy, Thung Nai là điểm đến yêu thích của những du khách thích tìm về với thiên nhiên hoang sơ mà say đắm, thoát khỏi sự ồn ào náo nhiệt nơi phố phường đông đúc.

Khung cảnh lãng đãng sương giăng như chốn tiên cảnh của Thung Nai.

Khung cảnh lãng đãng sương giăng như chốn tiên cảnh của Thung Nai.

Với nhiều người không khó để giải thích tên gọi của địa danh Thung Nai, bởi xưa kia nơi đây là một thung lũng, rừng rậm hoang vu, là nơi cư trú của nhiều loài động vật, trong đó nai rừng chiếm số đông hơn cả. Vì thế Thung Nai là tên gọi mà người dân đặt cho vùng đất này được ghép bởi hai từ thung lũng và đàn nai rừng.

Giờ đây khi đến với Thung Nai, du khách sẽ không còn bắt gặp hình ảnh thơ mộng của những chú nai vàng ngơ ngác, nhởn nhơ gặm cỏ trong nắng chiều vàng trên những sườn núi quanh co, nhưng vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn của non nước mây trời nơi đây vẫn còn như nguyên vẹn.

Một điều đặc biệt ở Thung Nai đó là mặt nước hồ mang một màu xanh thắm. Vào mùa xuân, giữa sóng nước mênh mông trong làn sương mờ ảo, cảnh sắc càng trở nên uyển chuyển mềm mại, bồng bềnh. Để khám phá “vịnh Hạ Long trên cạn” du khách chỉ có thể dùng phương tiện duy nhất đó là lên những chiếc thuyền máy dạo một vòng trên lòng hồ Sông Đà.

Ngồi thuyền máy trên lòng hồ sông Đà, du khách sẽ được mục sở thị nét đẹp kỳ vĩ của khung cảnh nơi đây.

Ngồi thuyền máy trên lòng hồ sông Đà, du khách sẽ được mục sở thị nét đẹp kỳ vĩ của khung cảnh nơi đây.

Trong cái giá rét của núi rừng Tây Bắc, con tàu chầm chậm rẽ sóng, khung cảnh Thung Nai đẹp như một bức tranh vẽ, dần hiện ra trước mắt. Một hồ nước rộng lớn được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ cùng với thảm thực vật xanh mướt vô cùng phong phú. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với hàng trăm hòn đảo đá lớn nhỏ nhấp nhô và vẻ kỳ vĩ của hệ thống hang động ven hồ khiến Thung Nai được ví như “Hạ Long trên cạn” thứ hai ở miền Bắc, sau danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Giữa bốn bề sông nước mênh mông...

Giữa bốn bề sông nước mênh mông...

Hiện ra những dãy núi đá vôi hùng vĩ...

Hiện ra những dãy núi đá vôi hùng vĩ...

Cùng nhiều hòn đảo lớn bé khác nhau...

Cùng nhiều hòn đảo lớn bé khác nhau...

Thung Nai không chỉ là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này, mà còn nổi tiếng bởi nền văn hóa Mường trong một môi trường thiên nhiên gần gũi, đầy sức sống. Đáng để du khách nên một lần ghé thăm, khám phá vẻ huyền bí, độc đáo của ngôi đền Chúa Thác Bờ linh thiêng, hay có thể dự lễ hội đền Thác Bờ vào những ngày đầu Xuân.

Vào mùa nước cạn, du khách phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động Thác Bờ. Mùa nước lên cao, khi thuyền cập bến du khách đi từ thuyền sang nhà nổi Phương Nam, trên một cầu phao chạy dài khoảng 50m vào thẳng cửa động. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn phong cảnh hùng vĩ đến nghẹt thở của núi non trùng điệp và toàn bộ dải Đà giang hùng vĩ.

Đi sâu vào trong động, du khách sẽ bắt gặp những khối thạch nhũ rủ xuống, mọc lên muôn hình vạn trạng được hình thành bởi cặn nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Vị trí và bề mặt của các lớp măng đá, thạch nhũ đã góp phần tạo nên chiều sâu và sự phong phú của động.

Không những vậy, vẻ đẹp kỳ vĩ tráng lệ của những khối nhũ đá xếp tầng tầng, lớp lớp từ phía trên mái vòm xuống đến tận chân động vô cùng đa dạng khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Điều đó đánh thức trí tưởng tượng của mỗi du khách để hình dung ra những hình thù khác nhau như: chiếc ô trời, đàn đá, dàn cồng chiêng Mường…

Cửa hang rộng lớn với nhiều thạch nhũ.

Cửa hang rộng lớn với nhiều thạch nhũ.

Tượng Phật được thờ trong hang động.

Tượng Phật được thờ trong hang động.

Cách đó không xa là đền Bà chúa Thác Bờ. Đền có kiến trúc, quy mô nhỏ nằm trên dốc núi rất linh thiêng mà du khách muôn phương thường đổ về chiêm bái. Tương truyền rằng, đền Thác Bờ gắn liền với sự tích bà Đinh Thị Vân – người Mường có công lớn trong việc giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền bè vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ - Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn mùa Xuân năm 1431.

Để ghi nhớ công lao đóng góp của bà, khi bà mất, vua Lê đã ban lập đền thờ tại Thác Bờ để tưởng nhớ. Và từ đó, người dân nơi đây thường lui tới để hành lễ khấn bái cảm tạ công đức của bà. Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tam toà Đức Thánh Mẫu...

Tác giả chụp ảnh bên ngoài đền Chúa Thác Bờ.

Tác giả chụp ảnh bên ngoài đền Chúa Thác Bờ.

Bên trong đền thờ Bà Chúa Thác và các vị thần thánh khác trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Tam tòa Đức Thánh Mẫu, Bà Chúa Sơn Trang, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn

Bên trong đền thờ Bà Chúa Thác và các vị thần thánh khác trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Tam tòa Đức Thánh Mẫu, Bà Chúa Sơn Trang, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn

Với các giá trị về cảnh quan tự nhiên, địa chất và địa mạo Động Thác Bờ đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2007.

Thung Nai “Hạ Long trên cạn” điểm đến mới sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm bất ngờ đầy thú vị, từ cảnh sắc thiên nhiên cho đến con người, ẩm thực cỗ lá của người Mường với các món ăn mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc: Thịt lợn rừng, cá sông nướng, gà đồi, xôi nếp nương… có sức lôi cuốn đến lạ kỳ.

8 địa danh đẹp nhất Việt Nam mà bạn nên đến trong kỳ nghỉ lễ 2/9

Chuyên trang du lịch của Đan Mạch - Bookmundi gợi ý 8 điểm đến tại Việt Nam có cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất mà bạn không nên bỏ qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Trung Dũng ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN