Về nơi một tiếng gà gáy 5 huyện đều nghe ở Thanh Hóa
Ở Thanh Hóa nhắc đến vùng đất một tiếng gà gáy 5 huyện đều nghe ai cũng biết. Nơi đây cũng chính là vùng đất thiêng có đền Cô Bơ tọa lạc ở vị trí ngã ba sông Mã và sông Lèn đang thu hút hàng vạn khách du lịch về tham quan, vãn cảnh.
Nơi có Đền Cô Bơ ở ngã ba Bông - nơi con sông Mã tách dòng, phân nhánh thành sông Lèn (Hà Trung). Cùng với đó là hai bờ quanh năm được phù sa bồi đắp nên cây cối tươi tốt, mùa màng luôn bội thu.
Điểm đặc biệt, nơi đây giáp ranh giữa nhiều miền quê của Thanh Hóa gồm Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Yên Định.
Vì thế người dân nơi đây thường ví von rằng: “một tiếng gà gáy năm huyện cùng nghe”.
Hàng năm ngôi đền thiêng Cô Bơ đã đón vạn du khách thập phương, đặc biệt là trong các dịp lễ,Tết.
Năm 1996, đền Cô Bơ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Một trong những điểm đặc biệt, thu hút du khách đến với ngã ba Bông là hình ảnh di tích nối liền di tích trải dài hơn 3 km, gồm chùa Ngọc Sơn, đền Hàn, đền Cô Bơ và những thắng cảnh liên quan.
Hình ảnh đền Cô Bơ thanh bình, trầm mặc nơi "một tiếng gà gáy 5 huyện đều nghe".
Ghi nhận của PLO.VN những năm qua, nhiều người dân, du khách về tham quan đền Cô Bơ đều tỏ ra thích thú trước thung lũng hoa khoe sắc bên dòng sông Mã.
Ông Nguyễn Văn Chung, thủ nhang đền Cô Bơ cho biết, những năm gần đây nhiều du khách ở khắp các tỉnh thành trong cả nước về thăm, vãn cảnh vùng đất thiêng Hà Sơn nơi có đền Cô Bơ.
Riêng trong tháng 1 đã có hàng vạn du khách hành hương về đền Cô Bơ.
Du khách đến với đền Cô Bơ chiêm bái, cầu cho một năm bình an, hạnh phúc, mọi việc được như ước nguyện.
Khác với mọi năm, năm nay hết tháng 1 âm lịch, nhưng vẫn đông du khách tham quan đền Cô Bơ – nơi vùng đất “một tiếng gà gáy năm huyện đều nghe”, ông Chung chia sẻ.
Theo ông Chung, Lễ hội đền Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (Âm lịch) hàng năm. 12/6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ rước kiệu, cách thức là rước bóng "cô Bơ" ở đền Cô Bơ về hầu thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn.
Đền Cô Bơ được biết đến là nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, vùng đất sinh khí linh thiêng. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ bí cách đây hơn 500 năm. Cuốn “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ ở ngã ba Bông.
Theo đó, khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả?”.
Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung (nay là ngã ba Bông) thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô và được cô cứu thoát, ông Chung chia sẻ.
Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua Thủy tề hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền để tưởng nhớ công lao”.
Ngày nay đền Cô Bơ đang trở thành điểm đến của du khách thập phương chiêm bái, vãn cảnh vùng đất - nơi "một tiếng gà gáy 5 huyện đều nghe.
Nguồn: [Link nguồn]
Thành Nhà Hồ - tòa thành đá kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá duy nhất còn lại tại Đông Nam Á, là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn sót lại trên thế giới và mang những giá trị nổi bật toàn cầu đang trở thành điểm đến của du khách ưa khám phá.