Về Ninh Thuận ngắm ruộng muối, ăn nho vườn

Sự kiện: Ninh Thuận

Khi nhắc đến địa danh Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay tới hai đặc sản: nho và cừu. Vùng đất này thiếu thốn nguồn nước nhưng lại dư thừa nắng gió và sở hữu bãi biển cát mịn tuyệt đẹp…

Về Ninh Thuận ngắm ruộng muối, ăn nho vườn - 1

Vườn nho Ba Mọi

Dân Ninh Thuận còn nghèo, thậm chí không nhiều hàng quán sang trọng tiện nghi để nghỉ ngơi dù đây chính là quê hương của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Ninh Thuận sở hữu một kho báu mà thiên nhiên đã ban tặng, tuy nhiên người dân Ninh Thuận chưa khai thác được. Họ chỉ biết trồng nho, thứ cây chịu hạn rất giỏi nhưng phương thức canh tác còn manh mún và nho chưa thành sản phẩm hàng hóa để có thể nấu rượu vang hay xuất khẩu.

Nếu chỉ có một ngày ở Ninh Thuận, bạn hãy sắp xếp lịch trình thích hợp để đi thăm ruộng muối, vườn nho, cảng cá, bãi biển, vịnh Vĩnh Hy, làng gốm Bàu Trúc, làng nghề của người Chăm, đồi cát.

Nếm nho xanh, thăm muối mặn

Trong một ngày, tôi đã thăm được ruộng muối Ninh Chữ, tận mắt chứng kiến những nam diêm dân vất vả đẩy các xe ba gác đầy muối, những nữ diêm dân gạt muối thành đống dưới ánh mặt trời chói chang. Càng nắng thì càng được mùa muối. Diêm dân đã quen với nắng rát để kiếm được một cân muối mặn chát mùi mồ hôi khi giá mỗi kg chỉ có 200 đồng bạc. Ấy vậy mà nhà nước vẫn đi nhập khẩu muối với giá còn rẻ hơn trong khi người dân làm ra muối thì không bán được?

Nghịch lí này khiến cho tôi không khỏi nhói lòng khi thu vào ống kính hình ảnh cánh đồng muối trắng lấp lóa và giọt mồ hôi mặt chát của những diêm dân lam lũ. Trên đường xe chạy, hai bên đường là những ruộng nho trồng thành giàn.

Trong khi nho khắp nơi đã thu hoạch thì trang trại nho của ông Ba Mọi vẫn có nho bán. Hầu như tất cả các khách du lịch ta và Tây đến Ninh Thuận đều tìm đến trang trại nho Ba Mọi. Họ đến để tận mắt nhìn những chùm nho đỏ và xanh, chỗ chín mọng chờ thu hái, chỗ thì còn xanh chua, rồi chụp ảnh kỉ niệm, rồi mua nho ông Ba Mọi đóng gói trong các hộp nhựa đục lỗ thoáng khí, trên đó có ghi rõ “Không sử dụng hóa chất để bảo quản”.

Cái tài của ông nông dân Ba Mọi là ở chỗ biến nho thành sản phảm hàng hóa có thương hiệu, mùa nào cũng có nho chín bán - điều mà những người trồng nho khác không làm được. Chỉ trong nửa tiếng đồng hồ thăm vườn nho ông Ba Mọi liên tục có ôtô chở khách đến tham quan, ăn thử nho, rồi uống thử xiro nho và cuối cùng là khệ nệ bê nho lên xe chở đi muôn phương.

Lặn biển ngắm san hô, thăm làng nghề dân tộc

Về Ninh Thuận ngắm ruộng muối, ăn nho vườn - 2

Diêm dân lam lũ trên cánh đồng muối

Ninh Chữ không chỉ nổi tiếng với bãi biển dài sạch bong mà du khách có thể thả hồn tắm nắng và bơi lội, Ninh Chữ còn là một cảng cá khá đẹp và tấp nập tàu thuyền. Nhưng cảng cá đẹp phải là vịnh Vĩnh Hy - nơi núi, biển như hòa quyện với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên kì thú. Và còn kì thú hơn khi ta xuống tàu đáy thủy tinh để ra khỏi cửa vịnh ngắm rặng san hô ngầm dưới đáy biển với những đàn cá lội tung tăng trong nước biển trong vắt.

Dọc theo con đường phòng thủ ven biển là Vườn Quốc gia Núi Chúa. Dọc theo con đường rất đẹp, rất thơ chạy thẳng hướng về Cam Ranh. Chúng tôi dừng chân tại hang Rái sau khi mua vé vào tham quan. Rất ngạc nhiên, giá vé chỉ có 5 ngàn cho hai người và một ô tô. Ở đây, người ta xây các bậc đá cho mọi người đi lại dễ dàng để có thể ngắm biển với những vách đá hùng vĩ, với rặng san hô cổ. Từ vị trí đó ngồi câu cá thì thơ mộng vô cùng.

Rời hang Rái, chúng tôi đi tiếp trên con đường phòng thủ bờ biển, tận mắt ngắm bờ biển cát mịn, nước xanh. Tại đây, các nhà đầu tư nhìn xa trông rộng và giàu tiềm năng đã xây các resort chực chờ đón khách du lịch trong tương lai…

Buổi chiều, sau khi ghé quán cơm gà Khánh Kỳ, chúng tôi đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm của người Chăm. Một bảo tàng Chăm xây cất khá to nhưng còn sơ sài. Bên trong, một bà già người Chăm đang dệt thổ cẩm mà sản phẩm là những chiếc khăn nghèo nàn về màu sắc và kiểu dáng chắc khó có thể bán được cho du khách.

Từ làng nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi đến làng gốm Bàu Trúc. Nghe nói người Chăm có nghề làm đồ gốm nổi tiếng, chúng tôi háo hức đến tham quan. Vào một cơ sở sản xuất, một bà cụ người Chăm tóc bạc da mồi nhưng còn khỏe mạnh biểu diễn làm một chiếc âu cho chúng tôi xem. Hoàn toàn thủ công, bà lấy một nắm đất đã được nhào kĩ, đặt lên đáy một chiếc vại và cứ thế đi vòng tròn quanh nắm đất xoay tròn. Và chỉ trong 15 phút đã hoàn thành một chiếc âu đất không có hoa văn. Chiếc âu này được phơi nắng rồi nung lộ thiên là thành đồ gốm. Công việc của bà cụ rất đơn giản, làm nghề từ lúc còn là một thiếu nữ 15 tuổi, nay bà đã 79.

Sản phẩm ở đây cũng khá phong phú: Những tượng vũ nữ người Chăm, những đồ dùng gia dụng, đồ chơi. Nhiều sản phẩm bày trên kệ đã phủ một lớp bụi thời gian khá dày.

Chúng tôi đến đồi cát Nam Cương nằm khá xa bờ biển, vậy mà không hiểu sao cát ở đâu bay đến đây dồn ứ thành đồi cát mang một vẻ đẹp chẳng kém gì các đồi cát của Bình Thuận. Thì ra, cát, muối mặn và mặt trời - ba thành tố đó đã cấu tạo nên cuộc sống con người Ninh Thuận. Vùng đất này tuy có rất nhiều tiềm năng, nhưng dường như vẫn chỉ là một cô gái đẹp chưa được đánh thức… 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Thanh Lương (Báo giao thông)
Ninh Thuận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN