Về Bình Liêu ngắm “sắc đỏ” của người Dao Thanh Phán
Nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải nổi tiếng với nhiều bộ ảnh “cực chất”, những ngày rong ruổi ở Bình Liêu, Quảng Ninh anh đã ghi lại hình ảnh cuộc sống bình yên của người Dao Thanh Phán nơi miền biên ải.
“Có lẽ rất nhiều người đến với Bình Liêu bởi vẻ đẹp núi rừng hoành tráng, bạt ngàn lau trên các cột mốc biên giới. Với mình thì sự thu hút lại nằm ở chính những con người, những nét độc đáo văn hoá đầy ấn tượng của rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống bao đời gắn kết với vùng đất này,” nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Bình Liêu là một huyện miền núi, nằm ở biên giới phía Đông Bắc. Người Dao ở Bình Liêu có hai nhánh, là Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Người Dao Thanh Phán sinh sống chủ yếu ở các xã Đồng Văn, Đồng Tâm và Hoành Mô. Sống ở vùng núi cao, điều này cũng góp phần tạo nên nét văn hoá độc đáo của người Dao Thanh Phán, có thể kể đến như trang phục truyền thống, căn nhà trình tường e ấp bên sườn đồi hay những mùa vàng trên thửa ruộng bậc thang…
Nhắc đến trang phục người Dao Thanh Phán, du khách nào từng đến Bình Liêu sẽ ấn tượng ngay với sắc đỏ chủ đạo nổi bật từ khăn, mũ đội đầu cho đến các hoạ tiết trên quần, áo.
Thiếu nữ người Dao Thanh Phán thường quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ có hoạ tiết bắt mắt và buộc dây ở cằm. Tất cả làm nền cho sự duyên dáng, e ấp của thiếu nữ vùng cao.
Đối với phụ nữ đã có gia đình thường sẽ cạo trọc đầu và đội lên một “phụ kiện” là chiếc hộp nhỏ màu đỏ, rồi sẽ phủ khăn lên trên.
Sở dĩ, trang phục của người Dao Thanh Phán có màu sắc rực rỡ vì từ xưa họ đã quan niệm, màu càng sặc sỡ thú dữ càng sợ hãi không dám lại gần, như vậy sẽ không gây hại đến mình.
Đến Bình Liêu vào mùa thu hoạch, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những hạt lúa phơi vàng ruộm. Hay những lúc trẻ em và người lớn hốt lúa ngoài sân dưới ánh mặt trời khuất dần sau núi. Bình dị và an yên đến lạ.
Phụ nữ Dao Thanh Phán trên thửa ruộng, cần cù, chịu khó lao động sản xuất. Những lúc rảnh rỗi, các chị, các mẹ có thể thêu thùa bất cứ đâu. Đôi bàn tay khéo tay, tỉ mẫn làm ra những bộ trang phục truyền thống đặc trưng.
“Một khung cảnh yên bình và rất nên thơ khi tới đây chính là bắt gặp các cô các bà người Dao Thanh Phán thảnh thơi thêu thùa. Ngồi giữa cánh đồng bạt ngàn hương lúa, xa xa là những ngọn núi trùng điệp cộng với tiếng leng keng trên cổ những chú trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Một cuộc sống yên bình đáng mơ ước,” nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải chia sẻ.
Người Dao Thanh Phán chân chất, mộc mạc luôn nở nụ cười mến khách.
Bé gái người Dao Thanh Phán, bông hoa của núi rừng.
Bình Liêu vào mùa đông khí hậu lạnh giá, mùa hè nóng nực, để thích nghi với điều kiện tự nhiên người Dao Thanh Phán thường sống trong những căn nhà trình tường vững chãi, kiến trúc độc đáo.
Ngắm những thửa ruộng tới mùa lúa chín vàng ruộm sẽ là trải nghiệm thú vị và lãng mạn khi đến Bình Liêu.
Gác lại những lo toan bộn bề nơi phố thị, thả hồn chiêm ngưỡng làn khói lam chiều nơi miền sơn cước.
Đừng lỡ hẹn với Bình Liêu, du khách sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm nhiều nét văn hoá vùng cao đặc sắc của người Dao Thanh Phán.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km, đồi Vọng Cảnh là “thiên đường sống ảo” cho du khách muốn hòa mình vào thiên...
Nguồn: [Link nguồn]