Vào hang động núi lửa Krông Nô
Những lời rủ rê hấp dẫn về việc đột nhập hệ thống hang động núi lửa Chư B’luck ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tràn lan trên mạng đã làm nóng chân nhiều cánh phượt. Nhưng ít người biết rằng bao mối hiểm nguy chực chờ trong hang động, và phải vài năm nữa, nơi này mới có thể rộn ràng đón khách, khi chính thức trở thành Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô.
Bà Tuất cùng ông Hiroshi Tachihara xem xét mảng vách hang cấu tạo lạ
Khổ vì... bỗng dưng nổi tiếng
Sau cuộc họp báo ngày 26/12/2014 do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, công bố các kỷ lục Đông Nam Á của hệ thống hang động núi lửa mới phát hiện tại tỉnh Đắk Nông, lập tức kích hoạt làn sóng truyền thông.
Không ít người tò mò tìm đến, leo vào những hang dễ trèo, vạc ngay những cột nhũ lạ mắt, đào tách những mảnh đá vân vi trên trần hoặc dưới nền hang mang đi. Vài vạt rừng còn sót lại quanh khu vực cũng bị họ đốn hạ, kéo về xẻ gỗ hoặc làm củi trước cái nhìn đau đớn, sửng sốt của ông Hiroshi Tachihara, Chủ tịch danh dự của Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản. Hàng chục nhóm du khách đặt tour với các công ty du lịch, đáp máy bay, lái ô tô hoặc tự dò bản đồ phóng xe máy tìm đến hang động núi lửa, dù đường rất khó đi.
Lần được ông Hiroshi Tachihara cho nhập đoàn khảo sát, trước khi tuột được xuống hang sâu, chúng tôi đã mệt đừ, lê bước trầy trật suốt 5 km trên nền đá bazan bọt lổm nhổm, dưới cái nắng chang chang tóe lửa trên đầu. Lên tới đỉnh núi, nhìn ra mọi phía toàn đá mênh mông, các miệng hang đều khuất dưới um tùm cây cỏ. Không lạ khi nghe những du khách liều lĩnh than: Cố mấy cũng chỉ trèo được vào một vài đoạn hang ẩm ướt, trơn trượt, tối mù, đầy nguy hiểm.
Ông Bùi Quang Mích - Phó giám đốc Sở VHTT&DL Đắk Nông, Giám đốc Ban quản lý Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô chia sẻ: Nhận ra các nguy cơ xâm hại di sản và an toàn tính mạng của du khách, tỉnh Đắk Nông đã gửi công văn đến các tỉnh thành, đề nghị các doanh nghiệp lữ hành không được tiếp tục mở tour, đưa khách đến tham quan hang động núi lửa, đồng thời triển khai việc đặt các biển báo cấm leo trèo vào hang động, cắt cử người thay nhau canh gác, ngăn chặn. Đây là công việc khó, bởi số hang rải rác suốt chiều dài hơn 25 km... Mặt khác, cũng nhờ động núi lửa không long lanh thạch nhũ như hang động đá vôi, nên số người tò mò lui tới vì thế thưa dần…
Ông La Thế Phúc - người nhiều năm nghiên cứu về hệ thống hang động này cảnh báo: Trong số rất nhiều hang núi lửa Krông Nô, không phải hang nào cũng phù hợp với hoạt động du lịch vì một số hang có lớp đá trần hang rất mỏng và yếu, có thể sập xuống bất ngờ. Ngoài ra, hang động núi lửa còn là nơi cư trú của bò cạp và các loài rắn độc như cạp nong, cạp nia... Một số miệng hang còn có nhiều rắn lục đeo quấn trên cành cây, ai bất cẩn chạm vào dễ mất mạng như chơi!
Lần theo những hang dơi kỳ vĩ
Năm 2004, Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO chính thức được thành lập để bảo tồn tổng thể các di sản tự nhiên và văn hóa, trong đó giá trị chủ đạo là các di sản địa chất. Mạng lưới này khuyến khích phát triển du lịch địa chất, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.
Điểm hạ trại nghỉ đêm. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Theo định nghĩa và phân loại của UNESCO, “di sản địa chất” là phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế, thể hiện dưới 10 dạng gồm: cổ sinh, địa mạo, cổ môi trường, đá, địa tầng, khoáng vật- khoáng sản, kinh tế địa chất, kiến tạo, các vấn đề vũ trụ, và những đặc trưng địa chất cỡ lục địa-đại dương. Còn “công viên địa chất” bao gồm một số di sản địa chất có giá trị khoa học đặc biệt, hiếm có hoặc đẹp, có ý nghĩa cả về địa chất và khảo cổ, sinh thái, lịch sử hoặc văn hóa.
Năm 2007, với sự tài trợ của UNESCO, các nhà địa chất của Bảo tàng Địa chất, thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông”.
Trinh Nữ là một thác nước đẹp nổi tiếng trên nhánh Krông Nô, chi lưu của sông Sêrêpôk. Tuy dòng đổ không trải rộng ầm ào mạnh mẽ như chuỗi thác trung nguồn Gia Long-Dray Sap- Dray Nu gần đó, nhưng lại đặc biệt hùng vĩ với vô số tảng đá, thỏi đá, cột đá, thành đá chồng chất muôn hình vạn trạng. Nhóm khảo sát được đồng bào Ê Đê, M’Nông sống ven sông cung cấp thông tin: Quanh đây có rất nhiều hang tối, đồng bào thường vào bắt dơi về ăn. Hang rất sâu, người thường không có phương tiện hỗ trợ không đi hết được... Nhờ dân bản địa dẫn đường, các nhà khoa học sững sờ phát hiện cả một hệ thống hang động núi lửa khổng lồ, đan xen chằng chịt dưới bề mặt đá bazan lởm chởm.
Theo ông La Thế Phúc, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất núi lửa Krông Nô”, thì “Công viên Địa chất Núi lửa Krongno”- (Krongno Volcano Geopark -KVG) dự kiến sẽ trải dài trên cao nguyên M’Nông, từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã của các huyện Cư Jut, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa, diện tích khoảng 2.000 km2. Công viên này hiện hữu tới 7/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO, bao gồm các kiểu Cổ sinh, Địa mạo, Đá, Địa tầng, Khoáng vật - Khoáng sản, Cổ Môi trường và Kiến tạo.
Núi lửa ngủ say
Những ngách hang kỳ ảo và bất ngờ
Có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, có đường mòn Hồ Chí Minh, có các di chỉ khảo cổ, có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung và Rừng Đặc dụng Cảnh quan Đray Sáp phong phú các loài động thực vật, KVG hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một Công viên Địa chất Toàn cầu, đa dạng về địa chất và di sản địa chất, đa dạng về sinh học, đa dạng về xã hội và di sản văn hóa.
Cách không xa KVG, mùa này những sườn đồi bạt ngàn lau trắng, cỏ hồng và hoa quỳ vàng rực viền quanh các di sản núi lửa ở tỉnh lân cận Gia Lai đang phô sự rực rỡ, mĩ miều như nàng công chúa say ngủ, vẫn đang chờ hoàng tử đánh thức tiềm năng du lịch. Với đỉnh Hàm Rồng- Chư H’Drông cao 1.092m ở cửa ngõ phố núi Plei Ku, đỉnh Chư Đăng Ya hùng vĩ ở huyện Chư Pah, và Biển Hồ- T’nưng là dấu tích ba miệng núi lửa chìm sâu từ hàng triệu năm trước cũng thiêm thiếp ẩn mình.
Là một trong những người từng đóng góp nhiều công sức cho Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, bà Lương Thị Tuất cho biết: Tính đến nay, UNESCO đã công nhận 120 công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), thuộc 33 quốc gia. Thực tế cho thấy, nhờ kết quả của rất nhiều dự án, đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế triển khai trong nhiều năm, tới năm 2010 Cao nguyên đá Đồng Văn mới được UNESCO chính thức công nhận là CVĐCTC. Từ đó, Hà Giang với Cao nguyên đá và mùa hoa tam giác mạch dần trở thành điểm hẹn hằng năm của đông đảo du khách.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã tỏ rõ quyết tâm đề cử thành công cho KVG vào mạng lưới CVĐCTC, qua việc cử đoàn công tác tham dự Hội nghị Công viên Địa chất châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản, Hội nghị quốc tế CVĐCTC của UNESCO lần thứ 7 tại Vương quốc Anh. Nhiều quan chức tỉnh này đã đến Hà Giang học tập kinh nghiệm xây dựng mạng lưới công viên địa chất quốc gia. Tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch bảo tồn và khai thác hang động giai đoạn 2016-2020, khuyến khích huyện Krông Nô đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu cho nhiều loại đặc sản địa phương nhằm đón đầu cho những toan tính chiến lược.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển KVG cho biết: Là vùng đất có tới 40 dân tộc đến từ 3 miền lập nghiệp, chung sống, bản sắc văn hóa rất đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh và khu bảo tồn thiên nhiên quý giá, điều kiện tự nhiên và xã hội của khu vực Krông Nô rất tuyệt vời để xây dựng công viên địa chất quốc gia, hướng tới danh hiệu CVĐCTC. Đắk Nông đang tìm kiếm, mời gọi các đối tác đủ năng lực đầu tư, tôn tạo KVG cho xứng tầm. Để bảo đảm có bước đi vững chắc trên lộ trình này, dù đã có kế hoạch xây dựng, nhưng việc ấn định thời điểm nào Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô mở cửa đón khách, đến nay vẫn là điều chưa nói trước... |