Uy nghiêm chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu hay Hội quán Tuệ Thành (số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, do những người Hoa gốc phủ Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) di cư sang Việt Nam buôn bán, lập nghiệp.
Không ai biết chính xác năm xây dựng chùa Bà Thiên Hậu, chỉ biết rằng, trên thân một đại hồng chung có khắc chữ Hán cho biết quả chuông do các nhà buôn của Hội quán Tuệ Thành dâng cúng vào năm 1795. Trên tấm bia đá ở tiền điện có ghi lại sự kiện trùng tu năm 1830, cho thấy hội quán đã được hình thành cách đó hơn 30 năm.
Chùa Bà Thiên Hậu có dạng nhà khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, chiều dài 65m, rộng 27m. Mặt bằng được bố cục lần lượt từ ngoài vào là khoảng sân, cửa chính, tiền điện, thiên tỉnh, trung điện, nhà hương và chính điện. Đặc biệt, chùa được trang trí bởi các phù điêu gốm trên tường và mái ngói với các đề tài: Lưỡng long tranh châu, Tây du ký, Bao Công xử án, Hán Sở tranh hùng...
Cửa vào chùa có chạm bốn chữ Hán: “Tuệ Thành hội quán”. Tiền điện có hai khám thờ, bên trái thờ Môn thần, bên phải thờ Thổ địa. Hai bên cửa ra vào là tranh vẽ bà Thiên Hậu hiển linh trên sóng nước. Trên tường tiền điện và dọc hai vách tường là tranh vẽ các điển tích cùng các bài thơ Đường của Lý Bạch, Vương Xương Linh...
Tại trung điện có một hương án lớn, trên bày bộ Ngũ sự pháp lam được đúc năm 1886. Kế tiếp là nhà hương với những khoanh nhang vòng treo dưới mái. Đi tiếp vào trong là chính điện, chia làm ba gian: Gian thờ Thiên Hậu Thánh mẫu ở chính giữa, bên trái thờ Long Mẫu nương nương, bên phải thờ Kim Hoa nương nương - vị thần phù hộ cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái.
Chùa Bà Thiên Hậu hiện vẫn giữ được nét đẹp của một công trình kiến trúc cổ với sự tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ, nghệ thuật hội họa và thư pháp trên các tranh tường hay kỹ thuật chế tác phù điêu gốm. Năm 1993, chùa Bà Thiên Hậu được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]
Hà Nội se lạnh vào mùa thu vốn được nhiều người coi là “đặc sản” riêng của Thủ đô. Khác với những ngày đầu...