Tranh cãi việc sân bay 'cấm' khách ôm tạm biệt người thân quá 3 phút
Sân bay Dunedin ở New Zealand đang gây ra cuộc tranh luận trên toàn thế giới, khi đặt biển báo yêu cầu hành khách không được ôm tạm biệt người thân quá 3 phút tại khu vực trả khách.
"Thời gian ôm tối đa 3 phút, nếu muốn tạm biệt tình cảm hơn, vui lòng sử dụng bãi đỗ xe", là nội dung được ghi trên tấm biển báo đang gây chú ý tại sân bay Dunedin hôm 19/10.
Được biết, quy định trên tấm biển chỉ áp dụng cho khu vực trả khách và xe sẽ được đỗ miễn phí trong 15 phút đầu tiên, nếu đỗ trong nửa giờ sẽ mất 1,8 USD.
Một biển báo bên ngoài sân bay Dunedin ở New Zealand giới hạn thời gian ôm nhau của hành khách là không quá ba phút đang gây tranh cãi trên toàn thế giới. Ảnh: Dunedin Airport.
Daniel De Bono - Giám đốc điều hành sân bay Dunedin - cho biết, tấm biển trên nhằm mục đích lịch sự yêu cầu hành khách di chuyển và nhường chỗ cho người khác, thay vì thể hiện tình cảm nơi công cộng.
Cũng theo Daniel, một nghiên cứu cho thấy cái ôm 20 giây đủ để tạo ra "hormone tình yêu" oxytocin - chất hóa học trong cơ thể đem đến cảm giác gần gũi, kết nối. Vì vậy, việc mọi người di chuyển nhanh, sẽ giúp nhiều người khác được ôm hơn.
Giám đốc điều hành sân bay Dunedin cũng nói rằng, những hành khách vi phạm quy định sẽ không phải chịu hậu quả nghiêm trọng, nhiều nhất chỉ là bị nhân viên sân bay yêu cầu di chuyển.
Tuy nhiên, ngay khi hình ảnh tấm biển hạn chế ôm quá 3 phút ở sân bay Dunedin xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều du khách trên thế giới cho rằng việc này là "hết sức vô lý" và nhấn mạnh “không thể đặt ra thời hạn cho những cái ôm".
Quy định về thời gian ôm nhau ở sân bay Dunedin đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: minh họa.
Bên cạnh những người phản đối, có nhiều ý kiến ủng hộ quy định mới của sân bay Dunedin. Thực tế, không chỉ sân bay Dunedin mà nhiều sân bay ở Pháp, Bồ Đào Nha hay Đan Mạch cũng từng đưa ra những quy định về việc ôm tạm biệt, để giảm tải ách tắc giao thông sân bay.
Điển hình như sân bay Nice ở Pháp đã thiết lập khu "Kiss and Fly" (hôn và bay), dành riêng cho khách đến tiễn người thân và không cần xuống xe.
Nhiều sân bay trên thế giới đã thiết lập khu vực "Kiss and Fly" (hôn và bay), dành riêng cho khách đến tiễn người thân và không cần xuống xe. Ảnh: FL.
Kim Crafton - Giám đốc Tiếp thị và Phát triển dịch vụ hàng không tại sân bay Columbia ở Nam Carolina, Mỹ - cho biết, bãi đậu xe là nguồn doanh thu chính của các sân bay trên toàn thế giới. Thậm chí, năm 2023, doanh thu từ bãi đậu xe tại sân bay Columbia còn cao hơn doanh thu của hãng hàng không tới 20%.
Đặc biệt, bốn sân bay lớn nhất nước Anh là Heathrow, Gatwick, Manchester và Stansted đã thu được gần 2,6 triệu đô la mỗi ngày, từ tiền phí đỗ xe của hành khách vào năm ngoái.
Từ mùa hè năm 2023, khoảng hơn 30% sân bay lớn ở Anh đã tăng phí của khu "Kiss and Fly". Đơn cử như sân bay Southampton tăng phí từ 4 USD lên 7 USD cho 20 phút dừng; sân bay Belfast tăng từ 1 USD lên gần 4 USD cho 10 phút dừng. Trong khi các sân bay lớn như Heathrow và Gatwick thu hơn 6 USD cho việc đón trả khách gần nhà ga.
Tại Úc, một hành khách gây rối trên máy bay đã phải chịu hình phạt lớn bất thường bao gồm chi trả toàn bộ phí nhiên liệu cho chuyến bay bị chuyển hướng.
Nguồn: [Link nguồn]