Trầm trồ trước những cung điện hoàng gia tuyệt vời nhất trên thế giới
Những cung điện hoàng gia xa hoa và lộng lẫy luôn là biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh của hoàng tộc.
Những cung điện hoàng gia là biểu tượng phản ánh phong cách và sự giàu có của các vị vua và nữ hoàng. Ngày nay, hầu hết các cung điện hoàng gia trên thế giới đều trở thành những địa điểm du lịch vô cùng thu hút. Tham quan những cung điện này giúp khám phá lịch sử và văn hoá của cả một vương quốc. Dưới đây là 10 cung điện hoàng gia được đánh giá là tuyệt vời nhất trên thế giới cả về mặt kiến trúc và lịch sử.
Cung điện quốc gia Pena, Bồ Đào Nha
Cung điện quốc gia Pena toạ lạc trên một ngọn đồi cao nhất ở São Pedro de Penaferrim, Bồ Đào Nha. Đây là một địa danh nổi tiếng với lối kiến trúc đặc biệt, lâu đài được xây dựng pha trộn giữa kiến trúc của nhiều toà lâu đài khác nhau. Năm 1493, vua Bồ Đào Nha Jonh Đệ Nhị đã cho xây dựng một tu viện trên ngọn đồi này và nó đã được bảo vệ bởi các vị vua khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, đến năm 1755, tu viện đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi trận một trận động đất. Đến thế kỷ 19, vua Ferdinand Đệ Nhị đã biến những tàn tích của tu viện cổ xưa thành cung điện quốc gia Pena – nơi nghỉ hè cho hoàng gia Bồ Đào Nha.
Việc xây dựng cung điện diễn ra trong khoảng từ năm 1842 – 1850. Phong cách chủ nghĩa lãng mạn đã được sử dụng để xây dựng nên cung điện này. Nhìn từ bên ngoài, Cung điện quốc gia Pena dường như có thể làm say mê bất kỳ một ai với lối kiến trúc kết hợp độc đáo của nó. Một phần của cung điện trông giống như một lâu đài châu Âu thời trung cổ hoàn chỉnh với lan can trang trí công phu, bên cạnh đó nó còn được mô phỏng theo một mái vòm tháp Hồi giáo. Mỗi phần của mặt tiền cũng được trình bày với một màu sắc khác nhau. Người ta nói rằng Vua Ferdinand muốn cung điện trông giống như một vở Opera.
Khi gia đình hoàng gia chạy trốn khỏi Bồ Đào Nha trong cuộc cách mạng năm 1910, cung điện và các căn cứ của nó đã bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng hư hỏng. Tuy nhiên, sau đó địa điểm này đã được khôi phục và hiện được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ngày nay cung điện được mở cửa cho khách tham quan và trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu vì du khách có thể được trải nghiệm cả một thế giới kiến trúc rộng lớn bên trong cung điện.
Cung điện Schonbrunn, Vienna, Áo
Cung điện Schonbrunn là một trong những di tích văn hoá nổi tiếng nhất của Vienna, tên của nó có nghĩa là “mùa xuân tươi đẹp”. Nơi đây được xây dựng bởi Hoàng đế Leopold Đệ Nhất từ năm 1696 – 1712. Toàn bộ cung điện bao gồm 1,441 phòng, thiết kế theo phong cách Baroque bởi kiến trúc sư tài hoa Johann Bernhard Fischer von Erlach.
Ngoài hệ thống phòng ốc được trang trí xa hoa và lộng lẫy, cung điện còn khiến du khách say lòng bởi một loạt công trình độc đáo như vườn hoa theo phong cách Pháp (French Garden), vườn hoa theo phong cách Anh (English Garden), sở thú lâu đời bậc nhất thế giới, 10 nhà kính để trồng cây, chuồng ngựa, … Một phần hình ảnh của cung điện này đã được khắc hoạ trên đồng 10 Euro của Áo được đúc lại vào năm 2003. Ngày nay, cung điện Schonbrunn là địa điểm thu hút hàng triệu khách du lịch đến thăm mỗi năm.
Cung điện Mysore, Ấn Độ
Cung điện Mysore toạ lạc tại thành phố Mysore, miền Nam Ấn Độ, nơi được mệnh danh là thành phố của các cung điện. Nó được xây dựng dưới triều đại của nhiều vị vua khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ và là sự pha trộn hoàn hảo của nhiều phong cách kiến trúc như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Rajput và Gothic. Nơi đây được mệnh danh là một trong những cung điện xa hoa lộng lẫy bậc nhất của Ấn Độ.
Cung điện gốc được xây dựng vào thế kỷ 14, nhưng sau đó nó bị phá hủy và phải xây dựng lại nhiều lần. Năm 1897, một trận hỏa hoạn đã xảy ra và khiến cung điện phải tu sửa lại lần cuối. Hoàng gia khi đó đã nhờ kiến trúc sư người Anh Lord Henry Irwin tới thiết kế, chính ông là người đã tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo của cung điện ngày nay. Nó được hoàn thành năm 1912.
Công trình được xây dựng bằng đá granit xám với mái vòm sử dụng đá cẩm thạch hồng. Bên trong cung điện là hai phòng họp lễ lớn cùng 18 ngôi chùa. Các khu vực được trang trí sang trọng với kính, gương, cửa gỗ trạm khắc, cùng khu vườn rộng xung quanh cung điện. Mysore đặc biệt ngoạn mục vào những ngày cuối tuần khi nó được thắp sáng bởi gần 100.000 bóng đèn, làm nổi bật sự lộng lẫy và xa hoa của cung điện vào ban đêm.
Di Hoà Viên, Trung Quốc
Di Hòa Viên hay Cung điện mùa hè, nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc thành phố Bắc Kinh. Nó được xây dựng vào năm 1750 để làm nơi nghỉ ngơi cho các vị hoàng đế Trung Quốc. Đây là lâm viên hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong “tam cung ngũ viên” của vương triều phong kiến Trung Quốc.
Kiến trúc của Di Hòa Viên có rất nhiều nét độc đáo và dụng ý thâm sâu. Nó được đánh giá là một kỳ quan thế giới bởi tính cổ xưa và đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và phong thủy. Di Hòa Viên được xây dựng trên diện tích 2.940 m2, bên núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh xanh biếc. Trong khuôn viên cung điện có tới 3000 công trình kiến trúc lớn nhỏ, điều đó khiến nơi đây trở thành một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Cung điện Topkapi, Thổ Nhĩ Kỳ
Cung điện Topkapi tọa lạc ngay cạnh eo biển Bosporus, ở Sultanahmet, trung tâm thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt chiều dài 400 năm của đế quốc Ottoman, nơi đây được biết đến là nơi ở của nhà vua và toàn bộ hoàng gia, đồng thời là nơi tổ chức các chức năng tư pháp và hành pháp của quốc gia. Việc xây dựng cung điện Topkapi được thực hiện vào năm 1453 bởi Sultan Mehmed II.
Cung điện Topkapi được ví như một thành phố thu nhỏ trong lòng Istanbul. Có tới hàng trăm kiến trúc lớn nhỏ là nơi để mọi người sinh hoạt như khu chính sự, nhà thờ Hồi giáo, sân vườn,… và có cả nơi dành cho vua an dưỡng và vui thú hằng ngày. Nơi đây cũng là điển hình cho kiến trúc Ottoman truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ với những mái vòm đặc trưng.
Đến tham quan cung điện Topkapi bạn sẽ như được lạc vào thế giới cổ kính của hàng trăm năm trước với vẻ đẹp huy hoàng rực và rực rỡ. Vào năm 1924 khi đế chế Ottoman suy tàn, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời thì Topkapi đã được quy hoạch trở thành viện bảo tàng trưng bày và mở cửa đón khách du lịch đến tham quan.
Lâu đài Chateau de Chambord, Pháp
Lâu đài Chateau de Chambord được biết đến với lối kiến trúc thời kỳ Phục hưng của Pháp và cũng là địa danh được ghé thăm nhiều thứ hai của đất nước này. Chateau de Chambord là lâu đài lớn nhất ở thung lũng Loire, nó được xây dựng vào năm 1519 để làm nơi dừng chân khi săn bắn cho vua Francois. Có nhiều người cho rằng Leonardo da Vinci đã thiết kế nên toà lâu đài này. Cung điện này có tổng cộng 440 căn phòng và 84 lò sưởi khác nhau. Thiết kế của Chateau de Chambord nổi bật với các chuỗi cầu thang xoắn kép, sân thượng có các ống khói, mái vòm, và các tòa tháp trông giống như đường chân trời ở các thành phố lớn.
Xung quanh Charmond là một con hào sâu, một khu săn bắn cũng là nơi trú ẩn của nai và heo rừng hoang dã. Cung điện được bao quanh bởi 52 km2 công viên cây cối rậm rạp. Ngày nay, lâu đài này còn lưu giữ một bộ sưu tập nghệ thuật vô giá và có giá trị lịch sử như: chiếc giường lộng lẫy của quốc vương với những hoa văn chạm trổ độc đáo và một vài tấm thảm quý từ thế kỷ XVII. Tại đây, còn có một phòng trưng bày hàng nghìn bộ gạc hươu nai và những cũi chó nổi tiếng thế giới có thể nhốt tới 70 con chó.
Cung điện Versailles, Pháp
Versailles là cung điện nổi tiếng nhất ở Pháp, nằm ở phía tây nam của Paris. Nơi đây cũng là biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với lối kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy. Nó được xây dựng vào năm 1624 bởi vua Louis XIII như một nhà nghỉ săn bắn. Đến năm 1682, vua Louis XIV đã cho mở rộng nó thành một cung điện lớn nhất trong nước và sử dụng làm nơi cư trú lâu dài cho hoàng gia. Lối kiến trúc của Versailles tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng, hành lang nhiều cột, …
Cung điện Versailles có 700 phòng, 1200 lò sưởi và 60 cầu thang. Khu vườn khổng lồ của cung điện này có diện tích khoảng 810 hecta, chứa 1400 đài phun nước và kênh đào dài hàng kilomet. Các vị vua của Pháp đã sử dụng nơi này làm nơi ở chính thức cho đến năm 1789.
Cung điện Alhambra, Tây Ban Nha
Cung điện Alhambra nằm ở thành phố Andalusia ở Tây Ban Nha, đây là công trình do những người Maroc lai Arab và Berber đến từ Tây Bắc châu Phi từng thống trị ở Tây Ban Nha thời Trung cổ xây dựng. Alhambra là công trình kiến trúc lớn nhất ghi dấu văn minh Hồi giáo tại đất nước Tây Ban Nha. Ngoài những hoa văn, họa tiết đặc trưng của đạo Hồi, cung điện còn mang nhiều hình dạng đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại.
Phần đầu tiên của cung điện này được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, bị hư hại và bị bỏ hoang trong hơn 2 thế kỷ. Sau đó, nó được cải tạo bởi Muhammad ben Al-Ahmar vào thế kỷ 11 và được Sultan Granada cho tu sửa thành cung điện như hiện tại vào năm 1333. Cung điện Alhambra tọa lạc trên ngọn đồi Sabika dài 720m và rộng 220m. Vật liệu chủ yếu để xây dựng cung điện là gạch, bê tông và xi măng. Đá hoa cương được sử dụng rất hạn chế, hầu như chỉ dùng để lót đường đi và làm cột. Trong khi đó, vách tường, trần, sàn nhà được làm bằng gỗ, gốm sứ và vữa trát không xoa láng. Nhiều khoảng không gian nội ngoại thất được che kín bằng một loại ngói gốm đặc biệt có khả năng phản chiếu và đổi màu theo ánh sáng.
Ngày nay, Alhambra là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha. Nơi đây không chỉ lưu giữ những kiệt tác tinh xảo của kiến trúc Hồi giáo mà còn thu hút du khách bởi sự kết hợp độc đáo giữa các yếu tố thiên nhiên, địa lý, con người và nền văn hóa Maroc.
Cung điện Potala, Tây Tạng
Cung điện Potala tại một trong những di tích vĩ đại nhất, nằm ở thành phố Lhasa, Tây Tạng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nơi đây được coi là biểu tượng kiến trúc, văn hoá, tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng. Nhờ có kiến trúc vô cùng ấn tượng mà cung điện Potala đã được vinh danh là một trong những công trình kiến trúc đẹp và độc đáo nhất thế giới.
Nơi đây không chỉ là một công trình kiến trúc lộng lẫy mà còn là nơi lưu giữ cả một kho báu lớn về nghệ thuật và văn hóa lịch sử của vùng đất Tây Tạng rộng lớn bao gồm 698 bức tranh, gần 10 nghìn cuộn tranh giấy và nhiều tác phẩm điêu khắc giá trị. Từ các bức tường ở cổng vào đến thảm, mái che, rèm cửa… đều là các tác phẩm nghệ thuật truyền tải văn hóa và tôn giáo Tây Tạng. Đặc biệt, nơi đây lưu trữ một bộ sưu tập đồ sộ kinh Phật và nhiều tài liệu lịch sử quan trọng.
Tử Cấm Thành, Trung Quốc
Tử Cấm Thành là quần thể cung điện lớn nhất thế giới tọa lạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, còn được gọi là hoàng cung và bảo tàng cung điện. Quần thể cung điện này trải rộng trên diện tích 72 ha với 980 tòa nhà với 8707 phòng khác nhau.
Tử Cấm Thành là nơi ở của 24 vị hoàng đế khác nhau của Trung Quốc từ năm 1420 đến năm 1912. Cho đến năm 1912, không ai được phép đặt chân vào nơi đây nếu không có sự cho phép của hoàng đế. Tử Cấm Thành đã trở thành di sản thế giới của UNESCO vào năm 1987. Đây là địa điểm thu hút tới 10 triệu lượt khách du lịch đến tham quan mỗi năm.
Khác hẳn với những ga tàu điện ngầm thông thường, bạn sẽ cảm thấy như lạc vào một thế giới khác tại nơi này.
Nguồn: [Link nguồn]