Tìm lại dấu xưa thương cảng Vân Đồn

Để lại những đôi giày, chúng tôi lội bộ hàng cây số dưới một “hoang mạc” nước để đi tìm lại dấu tích của thương cảng Vân Đồn. Nhưng khi đến nơi, thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt giờ chỉ còn lại một bãi mênh mông những miểng sành, như những mảnh vỡ của thời gian còn sót lại.

Không như những hòn đảo nhỏ phía Nam, nơi dân cư quần tụ chen chúc trên một diện tích nhỏ hẹp, Quan Lạn là một hòn đảo với những bãi bồi rộng lớn. Cuộc bể dâu đúng nghĩa của hơn 800 năm qua biến thương cảng sầm uất trên hòn đảo này trở thành một “bãi miểng sành sứ” được cho là những di vật từ thời Lý Trần như đã nói. Cả một vùng rộng lớn tấp nập thuyền bè từ thời vua Lý Anh Tông lập trang Vân Đồn, giờ chỉ là một vùng ruộng rẫy hoang vắng, nơi chẳng thấy bóng người nào khác ngoài những chủ rẫy ngày ngày cưỡi ngựa đi thăm hoa màu…

Tính “trọng thương” của vua quan Đại Việt có lẽ chỉ loé lên một cách hiếm hoi khi ông vua họ Lý nói trên lập thương cảng Vân Đồn vào năm 1149. Như các thương cảng cổ khác, nơi đây đã từng đón các tàu buôn của các nước Đông Á, trao đổi, mua bán những sản vật có giá trị thời đó như lâm thổ sản, hương liệu, đồ sứ… Và như một điềm báo “đồng âm”, thương cảng này “mạt” từ thời Mạc.

Tìm lại dấu xưa thương cảng Vân Đồn - 1

Sông Man này thực chất là một lạch biển, vào những ngày lễ hội thường ngầu đục màu đỏ

Khó có thể tưởng tượng về tính trọng thương của người Việt nói chung khi ngay cả ở thời “kinh tế toàn cầu” này, một cái thương cảng đầu tiên của quốc gia lại là một phế tích hoang tàn không có lấy một tác động khôi phục. “Lối xưa xe ngựa, tàu thuyền…” cũng chẳng thấy một nhà buôn du lịch nào đưa khách đến thăm…

Tiếng vọng trên sông Man

Không sinh ra, lớn lên hay có công khai hoang mở đất, nhưng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư gần như được xem là một ông tổ của đảo. Hào khí của ông phó tướng đầy cá tính lan toả khắp hòn đảo lịch sử này. Mặc dù ở đảo có đình Quan Lạn, nơi duy nhất trong cả nước thờ một… ông vua, nhưng lễ hội lớn nhất tại đây lại là lễ hội tôn vinh “ông nghè” Trần Khánh Dư chứ không phải người ban chỉ lập trang.

Như lễ hội Khao lề thế lính của đảo Lý Sơn, “lễ nghè ông Dư”, diễn ra vào 10.6 – 18.6 âm lịch hàng năm, hừng hực khí thế lịch sử. Trong những ngày đó, dân làng được chia làm hai giáp, giáp văn và giáp võ, tái hiện một phần chiến thắng “kịch tính” phá tan đoàn thuyền lương hơn 500 chiếc của Trương Văn Hổ, góp công lớn vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Lễ hội lịch sử đi liền với lễ hội kinh tế của xã đảo: đó cũng là lễ hội cầu ngư. Dân làng có tục “khoá làng” giữ cho người dân xã đảo đồng tâm tham gia lễ hội. Tương tự như lễ hội khai ấn đền Trần, dân làng cũng tổ chức rước “sắc thần” Trần Khánh Dư về đình Quan Lạn. Cuộc đua thuyền cờ rung trống mở trên sông Man gợi nhớ đến trận hải chiến oanh liệt, bi tráng của quan quân Quan Lạn trước giặc Nguyên Mông…

Sông Man, thực chất là một lạch biển, vào những ngày lễ hội, thường ngầu đục màu đỏ và đêm đêm, người dân Quan Lạn còn mơ hồ nghe như có tiếng binh đao…

Đảo ngọc phương Bắc

Với cái tên có phần “huyền bí” Quan Lạn, hòn đảo lịch sử nằm trong vịnh Bái Tử Long này còn là một “đảo ngọc” của ngành du lịch biển của miền Bắc, tương tự như “đảo ngọc” Phú Quốc của miền Nam. Ngay cả địa danh trên đảo cũng đã thể hiện phần nào chất “ngọc” của đảo, khi một trong hai xã đảo có cái tên là Minh Châu.

Quan Lạn còn khá hoang sơ, yên tịnh, thích hợp với những ai ưa “xa lánh chốn hồng trần”. Núi đồi trập trùng, những cánh rừng và bãi bồi ngập nước. Những bãi biển cát trắng mịn, tinh khôi như Sơn Hào, Minh Châu, vi vút những hàng phi lao. Dịch vụ du lịch tuy còn sơ khai nhưng cũng đã có được một số khách sạn, nhà nghỉ. Và ngoài những đặc sản biển thường thấy ở các vùng biển miền Bắc, xứ đảo còn phát triển mạnh việc nuôi cấy loài trai vòi voi ngon có tiếng, loài tu hài…

Một lần đến Quan Lạn, như một lần tìm về dấu xưa oai hùng Đại Việt trên biển…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đoàn Đạt (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN