Thu Hà Nội - sống chậm trong mùa dịch

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Nhiều người cứ kêu ca than phiền nhưng với một số người Hà Nội khác, mùa dịch Covid-19 lại là một dịp để sống chậm hơn, để thấy mùa thu đang về...

Lắng sâu những cảm xúc

Bắt đầu từ cơn bão số 2 mang những trận mưa kéo dài cả tuần, cái nắng dữ dội đổ lửa của mùa hè bỗng dung bay biến đi đâu mất. Cái nắng mùa thu trở lại dịu dàng hơn, ngọt ngào hơn cùng với sự đỏng đảnh của thời tiết khi thoắt lại sầm sì những đám mây, thoắt lại ào xuống một cơn mưa.

Ai đi ra đường vào sáng sớm sẽ cảm nhận rõ cái lạnh đã man mát trong hơi sương. Ấy là lúc ra đường, màu bằng lăng tím ngắt đã không còn. Những cánh phượng thấp thoáng trên vòm lá xanh rì. Loáng thoáng trong các vườn cây ngoại thành đã có hương hoa sữa thoảng đưa.

Mùa thu về, khắp phố phường bày bán những loại quả đặc trưng. Nhiều nhất là quả na. “Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác / Đàn kiến trường chinh tự thuở nào’’ (Chiều thu - Nguyễn Bính).

Nhiều người Hà Nội chọn sống chậm hơn trong mùa thu - mùa dịch Covid-19

Nhiều người Hà Nội chọn sống chậm hơn trong mùa thu - mùa dịch Covid-19

Nhiều nữa là những chùm nhãn màu nâu vàng tròn xoe. Theo kinh nghiệm dân gian xưa, năm nào được mùa nhãn thì cũng mưa nhiều. Năm nay quả vậy, nhiều nhãn và cũng nhiều mưa lũ. Thứ quả kết tinh hương đất trời mùa xuân, trải qua mùa hè nắng lửa đến mùa thu mới chín nên đầy ngọt ngào, quyến rũ.

Dù chỉ được bày bán thấp thoáng ở các chợ nhưng lại khiến rất nhiều người mong ngóng, háo hức cứ chờ đến mùa thu là phải mua bằng được. Đó là những quả thị. “Quả thị thơm cô Tấm rất hiền’’ có trong cổ tích, trong ca dao, trong những bài thơ học từ tấm bé.

Quả thị về cùng mùa thu Hà Nội

Quả thị về cùng mùa thu Hà Nội

“Thị thơm thị rụng bị bà / Bà để bà ngửi chứ bà không ăn’’, sáng nào đi chợ thấy bên góc hàng quen có bầy một chiếc rổ nhỏ là chị em sà vào. Những quả thị nhỏ xinh lắm, chỉ như hòn cuội màu vàng ươm. Mang về nâng niu, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội cho bạn bè xuýt xoa xong để trong phòng. Ban đêm, mùi thị thơm nồng nàn cả những giấc mơ. Quả thị, quả na, chùm nhãn, rất thu mà khiến cả tuổi thơ như ùa về trong giây lát.

Mùa thu Hà Nội cũng về với một thứ quả đặc trưng mà ai nghe thấy cũng thèm. Đó là sấu chín. Sấu Hà Nội đắt hàng quanh năm, được để ngăn đá để sử dụng quanh năm, rộ nhất vào mùa hè và “lên hương” nhất vào mùa thu.

Thứ quả chua giòn ấy ngậm đủ nắng gió Hà thành, nghe đủ chuyện tâm tình phố xá, vào ngày mùa thu đọng mật kết tinh lại thành vị chua ngọt rất đặc trưng. Lúc này toàn quả sấu ngả sang màu vàng. Thịt sấu trong lại, dẻo ra chứ không giòn tan như trước.

Thứ quả ấy ngâm mắm dầm ớt ăn cũng ngon nhưng thích nhất là món sấu dầm. Sấu cắt từng khoanh, vẫn còn để dính với hạt rồi trộn với đường, muối, ớt bột theo tỉ lệ nhất định. Nhìn vừa đẹp mắt ăn lại ngon miệng. Cứ vừa ăn vừa xuýt xoa nhưng ăn một lại muốn ăn hai, ăn mãi, ăn mãi.

Những quả sấu chín dầm

Những quả sấu chín dầm

Cữ này hàng năm không bị dịch Covid-19, bờ Hồ, quanh phố Tràng Tiền các bà bán hàng bày từng mẹt, từng mẹt, ai đi ngang qua cũng phải ngoái đầu nhìn lại. Năm nay người bán vẫn bán nhưng người mua đã thưa vắng hơn. Dù vậy, chắc chắn lượng người mua cũng không giảm.

Bởi, thay vì thong dong dạo phố tận hưởng những cơn gió mùa thu cùng trời xanh nắng vàng, người ta rút vào ăn sấu, thưởng thức sấu dầm tại nhà, trong văn phòng… Thế mới biết, dẫu dịch giã cũng không thể thay đổi được thói quen sinh hoạt của người Hà Nội.

Bởi nét ẩm thực ấy, sự mong chờ mùa thu ấy cũng là nét văn hóa của xứ này. Nó tồn tại hàng ngàn năm nay, dễ gì thay đổi bởi dịch bệnh hay bất cứ thứ gì khác. Mọi sự vẫn diễn ra thường lệ, chỉ có bị tác động đôi chút. Để thấy rằng, người Hà Nội không chủ quan khi chống dịch, rất thận trọng và nghiêm túc nhưng cũng vẫn bình tâm đối mặt với dịch bệnh để duy trì tâm thế vững vàng trước cuộc sống của mình.

Để thấy yêu đời, yêu người hơn

Bớt tụ tập ồn ào, bớt những cuộc hẹn hò la cà nơi phố xá muộn màng, người Hà Nội dần tập sống chậm hơn. Sống chậm hơn để cảm nhận nhiều hơn những gì diễn ra xung quanh mình chứ không phải cứ ào ào cuốn theo dòng chảy náo nhiệt ngoài kia như thường lệ nữa.

Đó là lúc tại các sân trong khu tập thể người ta chăm tập thể dục hơn. Không tụ tập quá đông, từng tốp vài người đi bộ hoặc đánh cầu lông. Xóm ngõ nhỏ nếu ngày thường vắng lặng tiếng người bởi ai nấy lo đi ra ngoài làm ăn buôn bán thì nay mang màu sắc khác. Ở nhà nhiều hơn khiến ra vào chạm mặt nhau. Thế là phải chào, phải hỏi thăm, thành ra thân quen. Dăm ba câu chuyện thời tiết, cập nhật cho nhau tình hình dịch bệnh, nhắc nhở nhau vài câu về ăn uống vệ sinh phòng dịch, hàng xóm cũng mang lại những nguồn vui, khỏi cô đơn, vắng lặng trong mùa dịch này.

Các bà nội trợ ngại phải ra ăn ngoài quán xá, sợ mất vệ sinh, sợ lây nhiễm, sợ tiếp xúc đông người nên chăm chỉ vào bếp hơn. Điều đó thật đáng mừng bởi thời buổi hiện đại, thức ăn nhanh giao đến tận nơi, suất cơm văn phòng giao đến tận nơi thì có vẻ như nét nữ công gia chánh vốn đặc trưng cho con gái Hà Nội xưa đã phôi phai ít nhiều.

Bây giờ các chị, các mẹ chăm chỉ vào bếp, chăm chỉ nghiên cứu những món ngon của nhiều nước trên thế giới lại được dịp bổ sung thêm cho từ điển ẩm thực vốn đã rất phong phú của Hà Nội. Mỗi người một khẩu vị, mỗi người một cách chế biến, vậy là, những biến thể của các món Á, Âu tự nhiên trở thành một món ăn khác của người Hà Nội. Đó cũng chính là cách từ ngàn xưa người Hà Nội đã dồn tích tinh hoa trăm miền trở thành nét đặc sắc riêng của xứ mình.

Điều quan trọng nữa, trong mùa dịch, người ta có cảm giác thấy yêu đời hơn, yêu những người xung quanh và yêu chính bản thân mình hơn. Nếu như ngày thường, quay cuồng với những kế hoạch, với những bộn bề, với các cuộc hẹn hò tụ tập, rất ít khoảng trống len vào tâm hồn mỗi người thì giờ đây, những khoảng trống ấy nhiều hơn.

Nhiều đủ để người ta nghĩ đến việc mình sống vì cái gì, sống vì ai và nên sống như thế nào. Nhất là khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, sự sống và cái chết mong manh. Bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm nếu như không có ý thức phòng, chống một cách nghiêm túc và quyết liệt. Sức khỏe con người vốn đã quan trọng giờ đây lại càng quan trọng hơn.

Sống chậm hơn để cảm nhận mùa thu Hà Nội trở về như ngàn năm nay vẫn vậy

Sống chậm hơn để cảm nhận mùa thu Hà Nội trở về như ngàn năm nay vẫn vậy

Chính bởi vậy, có lẽ dường như mỗi người đều cảm nhận được cần phải khỏe mạnh, cần phải sống chan hòa, yêu thương nhau hơn khi còn được ở bên nhau. Khi có bệnh nền, khi bị nhiễm virus Corona thì điều xấu nhất vẫn có thể xảy ra như với những bệnh nhân đã không may qua đời.

Trân trọng cuộc sống của mình chính là trân trọng cuộc sống của mọi người, chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống nhanh chóng ổn định lại như xưa. Bởi Hà Nội đang đón mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm và cũng là dịp kỷ niệm 1010 mùa thu của thành phố này. Trong lịch sử có bao mùa thu trôi qua như thế, cũng có nhiều biến động, nhiều sự kiện nhưng rồi mùa thu vẫn đến, năm này tiếp năm khác cho chúng ta cuộc sống hòa bình như ngày nay.

Mong rằng, với tình yêu bản thân, yêu mọi người, yêu thành phố này, yêu những mùa thu, chúng ta sẽ nâng cao hơn nữa văn hóa ứng xử trong mùa dịch bệnh để Covid-19 sớm đi khỏi xứ này, trả lại cho chúng ta những mùa thu đẹp đến nao lòng.

Đà Nẵng những ngày vắng bóng du khách

Lần thứ 2 bóng ma Covid-19 quay trở lại, lập tức ngành du lịch TP.Đà Nẵng phải hứng chịu hậu quả nặng nề chưa từng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Na ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN