Thonis-Heracleion: Chạm tới truyền thuyết

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Thonis-Heracleion là một thành phố Ai Cập hình thành vào khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên. Tuy nhiên, sự “mất tích” bí ẩn của thành phố này đã khiến nó bị coi như “truyền thuyết” suốt nhiều thế kỷ cho đến khi người ta phát hiện được những dấu vết của thành phố dưới đáy đại dương. Những gì còn sót lại của thành phố bí ẩn này luôn thu hút sự quan tâm của thế giới.

Bản đồ 3D mô tả thành phố bị mất tích Thonis-Heracleion.

Bản đồ 3D mô tả thành phố bị mất tích Thonis-Heracleion.

Thành phố mất tích

Thonis-Heracleion nằm bên cửa sông Nile, gần với thành phố cảng Alexandria nổi tiếng, trung tâm thương mại hàng hải sầm uất của đế chế Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập gọi thành phố này là “Thonis”, trong khi người Hy Lạp gọi nó là “Heracleion”. Thonis-Heracleion được nhắc tới trong một số thư tịch cổ, thần thoại Ai Cập và Hy Lạp nhưng người ta không tìm thấy dấu tích của thành phố này trên thực địa. Bởi vậy, nó được coi như một địa điểm “nửa truyền thuyết”, là thành phố mà mọi con tàu Hy Lạp muốn thông thương với Ai Cập phải cập bến khi xưa nhưng đã chìm xuống biển Địa Trung Hải, giống như thành phố Atlantis huyền thoại.

Bí ẩn được vén màn vào năm 2001, khi nhà khảo cổ học dưới nước Franck Goddio cùng đoàn thám hiểm trong chuyến tìm kiếm những tàu chiến Pháp bị đắm vào thế kỷ XVIII ở sông Nile, vô tình phát hiện ra thành phố ẩn dưới nước này. Dưới lớp cát biển, các dấu tích của Thonis-Heracleion được bảo tồn gần như hoàn hảo. Đoàn thám hiểm đã phát hiện 64 tàu thuyền các loại, khoảng 700 mỏ neo, chứng tỏ sự sầm uất trong giao thương trên biển ở Thonis-Heracleion xưa kia, giống như trong các thư tịch cổ Ai Cập nhắc tới. Chưa hết, người ta cũng tìm thấy rất nhiều tiền vàng, đồng, đá được cho là phương tiện trao đổi buôn bán thời bấy giờ. Cùng với đó là rất nhiều bức tượng khổng lồ thờ các vị thần, chứng tỏ vị trí quan trọng của Thonis-Heracleion - như một biểu tượng tôn giáo của đế chế Ai Cập cổ đại. Trong đó có đầu tượng thần Hapi - thần sông Nile dài tới 5,4m là biểu tượng của thành phố Thonis-Heracleion. Các nhà khoa học đã phác thảo mô hình bản đồ 3D Thonis-Heracleion. Đó là một thành phố cổ giàu có, sầm uất và là trung tâm tôn giáo thời kỳ cuối cùng của đế chế Ai Cập, nằm trên khu vực rộng khoảng 11 - 15km2, cách đường bờ biển ngày nay chừng 6,5km, phía Tây vịnh Aboukir. Thành phố bị phá hủy và chìm cùng với một khu vực rộng lớn của đồng bằng sông Nile bởi một số trận động đất và sóng thủy triều.

Vào ngày 19-7 vừa qua, giới khảo cổ lại chấn động khi các thợ lặn tiếp tục phát hiện dưới đáy biển khu vực thành phố cổ bị chìm Thonis-Heracleion một con tàu quân sự thời Ai Cập cổ đại với những hiện vật đặc biệt. Con tàu quân sự này có đáy phẳng dài 25m, có mái chèo và cánh buồm lớn, được đóng theo kiểu truyền thống của Ai Cập cổ đại. Tại một khu vực khác của thành phố, đoàn còn phát hiện ra phần còn lại của một khu vực tang lễ lớn của Hy Lạp có niên đại từ những năm đầu tiên của thế kỷ IV trước Công nguyên. Theo Franck Goddio thuộc Viện Khảo cổ học dưới nước châu Âu (IEASM), người dẫn đầu đoàn thám hiểm, việc tìm thấy những con tàu từ thời kỳ cổ đại là cực kỳ hiếm. Đặc biệt, họ còn phát hiện ra "kho báu" khảo cổ học, bao gồm đồ gốm Hy Lạp và những chiếc giỏ đan bằng liễu gai 2.400 năm tuổi chứa đầy hạt nho và quả doum - quả của một cây cọ châu Phi, bằng một cách nào đó vẫn chưa hề bị phân hủy.

“Mỏ vàng” cho du lịch

Danh tiếng của Thonis-Heracleion và những điều bí ẩn xung quanh thành phố mất tích có sức hấp dẫn khủng khiếp với du khách. Ai Cập có nhiều kế hoạch để khai thác “mỏ vàng” này. Đáng kể nhất là dự án xây dựng bảo tàng dưới nước tại vịnh Aboukir thuộc Alexandria. Dự án này đã được lên ý tưởng từ năm 1996 và càng được quan tâm hơn khi thành phố cổ Thonis-Heracleion được phát hiện. Mục tiêu của bảo tàng là giữ an toàn cho các di tích còn tồn tại dưới đáy biển và thu hút du khách tới khám phá các kho báu. Năm 2015, Bộ Cổ vật Ai Cập đã công bố kế hoạch xây dựng một bảo tàng cổ vật dưới nước với chi phí 150 triệu USD. Đó sẽ là bảo tàng dưới nước đầu tiên về nền văn minh Ai Cập cổ đại trên thế giới, tuy nhiên, kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.

Hiện nay, du khách có thể tìm hiểu thông tin cũng như chiêm ngưỡng nhiều hiện vật về thành cổ Thonis-Heracleion tại bảo tàng và Trung tâm Cổ vật dưới nước ở Alexandria. Hồi tháng 5-2020, Bộ Cổ vật Ai Cập đã cho ra mắt “Sáng kiến Cổ vật và Thông tin” nhằm nâng cao nhận thức về cổ vật và giới thiệu di sản văn hóa dưới nước Alexandria. Sáng kiến này liên quan đến tin tức hằng tuần được xuất bản bằng tiếng Ả Rập, tiếng Pháp và tiếng Anh về các địa điểm dưới nước, cùng với ảnh chụp những đồ vật đã được vớt hoặc những đồ vật vẫn còn chìm trong nước.

“Phòng tắm của Quỷ” màu xanh neon đẹp mê mẩn nhưng không ai dám bước lại gần

Mặc dù khu vực này có không ít kỳ quan thiên nhiên hấp dẫn, nhưng người ta bị thu hút nhiều nhất bởi “Deveil’s Bath”,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN