Theo chân thú hoang ở châu Phi

Nhờ thiên nhiên ưu đãi nhiều phong cảnh đẹp và rộng lớn với khí hậu đa dạng thay đổi từ cận xích đạo đến vùng nhiệt đới, nên châu Phi có nhiều môi trường sống khác nhau phù hợp với các loại động vật hoang dã.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi nhiều phong cảnh đẹp và rộng lớn với khí hậu đa dạng thay đổi từ cận xích đạo đến vùng nhiệt đới, nên châu Phi có nhiều môi trường sống khác nhau phù hợp với các loại động vật hoang dã. Đây cũng là nơi có nhiều loài động vật quý hiếm nhất thế giới được liệt vào sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hết ngày dài lại tới đêm thâu

Sau 9 tiếng bay từ Hà Nội đến Nairobi (Thủ đô của Kenya), chúng tôi thẳng tiến đến Massai Mara - khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất của Kenya, cách Thủ đô 5 tiếng rưỡi chạy xe. Ra khỏi sân bay chừng 20km, bác tài xế kiêm hướng dẫn viên cảnh báo chuẩn bị được “massage kiểu châu Phi”, trên 120 km đường xấu kinh khủng, xe giật lắc như người say, xuyên thảo nguyên mênh mông.

Theo chân thú hoang ở châu Phi - 1

Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara nằm ở tỉnh Narok của Kenya

Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara nằm ở tỉnh Narok của Kenya, tiếp giáp với vườn quốc gia Serengeti (Tanzania), và được đặt tên theo niềm tôn kính của người Maasai đang sống ở những khu vực này. Khu bảo tồn đặc biệt nổi tiếng với số lượng lớn sư tử, báo hoa mai, ngựa vằn, linh dương Thomson, linh dương đầu bò di cư từ Serengeti đến hàng năm. Mùa di cư bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10, được gọi là cuộc di cư khổng lồ (đại di cư). Công viên là nhà của 95 loài động vật có vú, động vật lưỡng cư, bò sát và hơn 400 loài chim, trong đó có 5 loài mãnh thú lớn (trâu, voi, báo, sư tử và tê giác). Thêm vào đó là những loài như báo đốm, linh cẩu, hươu cao cổ, linh dương đầu bò, linh dương sừng cong, khỉ đầu chó, ngựa vằn, hà mã và cá sấu ở sông Mara cũng góp phần làm giàu dân số cho khu bảo tồn.

Nếu như ở công viên quốc gia Amboseli, chúng tôi ngất ngây với những chú hươu cao cổ với chiều cao trên 4m đủng đỉnh ăn lá cây ngay bên đường hay lướt như bay trên đồng cỏ thì ở Maasai Mara, chúng tôi thật sự ngợp với hàng ngàn con linh dương đầu bò, ngựa vằn ở khắp vùng thảo nguyên mênh mông. Đến các khu bảo tồn ở châu Phi, quy tắc nghiêm ngặt đối với các du khách là bắt buộc phải ngồi trong xe, khoảng cách xe tiếp cận những con thú không thể gần quá, tránh gây tiếng ồn, dĩ nhiên là nghiêm cấm du khách ra khỏi xe trong mọi trường hợp. Chưa bao giờ chúng tôi được “ở gần” sư tử như thế.

Ba con sư tử thản nhiên đi lướt qua chiếc xe, ngồi lừng lững trên một khối đá lớn, hoàn toàn không để ý đến những chiếc xe với du khách đang chĩa máy ảnh vào nó, vô cùng thờ ơ liếc nhìn để ít giây sau, lại quay lại phóng tầm mắt ra xa ngắm hoàng hôn đang phủ một thứ ánh sáng vàng cam lan tỏa khắp các cánh đồng!

Về với cái nôi của loài người

Tạm biệt Kenya, chúng tôi đến với Tanzania. Công viên quốc gia Serengeti ở cộng hòa Tanzania là một trong những khu bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng và lâu đời nhất ở châu Phi, có diện tích 12.950 km2 và được xem là một trong những hệ sinh thái tự nhiên ít bị tác động nhất trên trái đất. Đồng cỏ Serengeti là một trong bảy kì quan thiên nhiên châu Phi và một trong mười kì quan của thế giới với cuộc di cư khổng lồ của những đàn động vật có vú diễn ra hàng năm. Các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 70 loài động vật có vú lớn và khoảng 500 loài chim đặc hữu tại Serengeti. Sự đa dạng sinh học này bắt nguồn từ môi trường sống vô cùng phong phú tại đây, từ rừng ven sông, đầm lầy, đồi núi thấp đến môi trường đồng cỏ và rừng thưa.

Theo chân thú hoang ở châu Phi - 2

Châu Phi được coi là cái nôi của loài người, từ châu Phi con người mới tỏa đi khắp Trái đất. 

Tiếp tục hành trình, chúng tôi tới thăm Khu bảo tồn Ngorongoro nằm ở tây bắc cộng hòa Tanzania. Độc đáo nhất của khu bảo tồn là miệng núi lửa Ngorongoro ngoạn mục, một ngọn núi lửa cũ đã sụp đổ và hình thành một miệng núi lửa. Cả mặt trong lẫn ngoài của miệng núi lửa dốc đã trở thành một môi trường sống tự nhiên tốt cho nhiều loài động vật hoang dã. Ở bên ngoài vành miệng núi lửa, người Maasai chăn thả gia súc trên những vùng đồng bằng mà dường như không biết gì về những đàn động vật hoang dã cùng mình sẻ chia môi trường và quang cảnh rộng lớn này. Khu vực công viên cũng mang ý nghĩa quan trọng trong việc truy tìm nguồn gốc của con người, là nơi có một số hài cốt cổ xưa nhất của con người đã được tìm thấy, trong đó có dấu chân người có niên đại 3,5 triệu năm tuổi.

Châu Phi được coi là cái nôi của loài người, từ châu Phi con người mới tỏa đi khắp Trái đất. Dấu chân của loài người vẫn còn được lưu giữ trên đá núi lửa 3,6 triệu năm trước đã được tìm thấy ở khu bảo tồn Ngorongoro, Tanzania. Đó là những dấu hiệu sớm nhất về loài người. Vì thế, đến Tanzania, đến châu Phi có thể coi như trở về nguồn cội, về với tổ tiên xa lắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hạnh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN