Thế giới đón năm mới 2022 trong đại dịch COVID-19
Biến chủng Omicron là nguyên nhân khiến các châu lục bước sang năm 2022 với tâm thế lo ngại. Tuy nhiên, bất chấp các ca nhiễm tăng cao, một số nơi vẫn tiếp tục tổ chức các sự kiện đón chào năm mới.
Biến chủng Omicron làm số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới, khiến chính phủ nhiều nước phải thu hẹp hoặc hủy bỏ các sự kiện đêm giao thừa. Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới mức cao kỷ lục trong 7 ngày qua, với gần một triệu ca mắc mới được phát hiện mỗi ngày trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ ngày 23 - 29/12.
Đầu tuần này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi mọi người cân nhắc lại về kế hoạch tổ chức tiệc năm mới. Ông nói: "Tốt hơn là bạn nên hủy bỏ tiệc năm mới ngay bây giờ và ăn mừng muộn hơn, thay vì ăn mừng ngay bây giờ nhưng đau buồn sau này”. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc COVID-19 đã tăng lên 11% trên toàn cầu trong tuần qua và các ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm đa số tại nhiều quốc gia.
Biến chủng Omicron lại là nguyên nhân khiến các châu lục bước sang năm 2022 với tâm thế lo ngại
Mặc dù các nghiên cứu sơ bộ cho thấy Omicron gây tử vong ít hơn so với các biến thể trước đó nhưng các cơ quan y tế đã khuyến cáo mọi người rằng cách tốt nhất là đón năm 2022 ở nhà với ít khách và những khách này đã được tiêm chủng.
Ở châu Âu, các buổi hòa nhạc truyền thống và bắn pháo hoa thu hút hàng nghìn người đón chào năm mới đã bị hủy bỏ ở hầu hết các thành phố lớn như London (Anh), Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ), Brussels (Bỉ), Warsaw (Ba Lan) và Rome (Ý).
Người dân Ý đi mua hàng chuẩn bị năm mới trên đường phố
Tại Anh, màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng tại thủ đô London đã buộc phải hủy bỏ năm thứ hai liên tiếp do nỗi lo biến chủng Omicron lây lan mạnh. Ban đầu, chính quyền thành phố dự định thay thế bắn pháo hoa bằng một buổi lễ chào mừng tại Quảng trường Trafalgar với sự tham gia của các nhạc công, ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã phải dừng lại.
Tại Pháp, chính quyền đã thông báo không tiến hành màn bắn pháo hoa truyền thống trên đại lộ Champs-Elysées để chào đón năm mới vì sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Omicron. Các lễ hội ngoài trời cũng bị cấm, đồng thời khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin nên tự xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tham gia vào các bữa tiệc cuối năm cùng người thân, bạn bè.
Màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng tại thủ đô London (Anh) đã phải hủy bỏ năm thứ hai liên tiếp do biến chủng Omicron lây lan mạnh
Trung Quốc về cơ bản đã khống chế thành công đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống người dân dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, đợt bùng phát gần đây ở Tây An buộc nước này phải áp lệnh phong tỏa thành phố 13 triệu dân nhằm ngăn virus lan rộng.
Năm nay, nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Bỉ sẽ đóng cửa vào đêm cuối năm. Một số khác vẫn mở cửa nhưng lo lắng phải đối mặt với việc ít khách đặt bàn do những quy định nghiêm ngặt áp dụng để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Kể từ khi lệnh đóng cửa nhà hàng lúc 23h được áp dụng, doanh thu đều giảm. Thông thường, chính những bữa tiệc mừng cuối năm mới mang lại nguồn thu to lớn cho các nhà hàng để họ có thể chi trả các khoản thưởng cuối năm.
Khách hàng chọn mua đèn lồng truyền thống trước thềm năm mới ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc hôm 29/12
Ấn Độ cũng bắt đầu áp đặt thêm các quy định nghiêm ngặt vào hôm 30/12 để ngăn người dân tụ tập đông người. Các thành phố lớn ở Ấn Độ sẽ thực hiện lệnh giới nghiêm vào ban đêm và các nhà hàng phải hạn chế số lượng khách ăn uống.
Tuy nhiên, bất chấp các ca nhiễm tăng cao, một số nơi vẫn tiếp tục tổ chức các sự kiện đón chào năm mới. Thành phố Sydney (Úc) sẽ tổ chức pháo hoa như hàng năm tại các địa điểm nổi tiếng như nhà hát Sydney Opera và Harbour Bridge. Thành phố New York (Mỹ) cũng dự định tổ chức đón năm mới tại Quảng trường Thời đại nhưng sẽ hạn chế số người tham dự bắn pháo hoa và đếm ngược trong khoảnh khắc giao thừa.
Màn trình diễn pháo hoa đặc sắc ở thành phố Sydney (Úc)
Người phụ nữ chụp ảnh cạnh các chữ số hiển thị năm 2022 ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York hôm 29/12.
Cho đến nay, gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có gần 40 quốc gia châu Âu và 22 quốc gia châu Phi. Trong tuần qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc mới Covid-19. Ngày 29/12 vừa qua, WHO đã cảnh báo nguy cơ một "cơn sóng thần" COVID-19 khi các ca nhiễm biến chủng Omicron đang làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch...
Nguồn: [Link nguồn]
Năm mới chắc chắn là một trong những sự kiện mà mọi người đều háo hức chào đón. Hãy cùng chiêm ngưỡng những địa...