Thành cổ Petra: Kỳ quan của thế giới hiện đại
Cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 185km về phía Tây nam là một thành phố cổ đại được khắc trong lòng đá với vẻ đẹp tự nhiên và kiến trúc cổ lộng lẫy. Thành phố cổ đại thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới này chính là Thành phố cổ Petra hay còn biết đến với cái tên “thành phố hoa hồng” Petra của Jordan.
Được biết đến với cái tên cổ Rekem, Petra là thủ phủ của Vương quốc Nabatea của người Nabataean, những người Semite nói tiếng Aramaic. Petra có nghĩa là “đá”. Trong ngôn ngữ cổ của người Semit vùng Trung Đông, người ta gọi Petra là Raqmu - “đa sắc”. Không ai biết Petra được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết vùng đất này nằm ở vị trí đắc địa cho việc buôn bán, nằm trên con đường thương mại nối giữa vùng Tây Á và Ai Cập thời xưa.
Được che giấu bởi các vách đá nhô cao và cung cấp nước bởi một con suối quanh năm không cạn, Petra không chỉ có những lợi thế của một pháo đài mà còn kiểm soát các luồng thương mại chủ yếu đi qua nó để đến Gaza ở phía tây, Bosra và Damascus ở phía bắc, đến Aqaba và Leuce Come bên bờ Biển Đỏ, và đi qua sa mạc đến vịnh Ba Tư.
Các cuộc khai quật chứng tỏ có khả năng người Nabataean đã kiểm soát nguồn cung cấp nước dẫn tới sự phát triển của thành phố trên sa mạc, tạo nên một ốc đảo đầy tính nghệ thuật.
Khu vực này cũng đã chịu ảnh hưởng bởi các trận lũ quét và các bằng chứng khảo cổ học đã cho thấy cách người Nabataean chống chọi với lũ lụt bằng cách sử dụng các đập, bể chứa và đường ống dẫn nước.
Do vậy, nước được tích trữ có thể được sử dụng trong những thời kỳ hạn hán kéo dài, và thành phố đã làm giàu bằng cách bán nước.
Thời kỳ thịnh vượng của thành phố diễn ra cách đây khoảng 2.000 năm với cư dân được ước tính ở mức 20.000 người và những công trình vĩ đại: nhà hát, lăng mộ, đền thờ… Bao quanh là những ruộng vườn màu mỡ, được tưới tiêu bởi một hệ thống kênh dẫn, đập nước và hồ chứa cầu kỳ.
Người La Mã thôn tính vùng đất này và dần dần giành quyền thống trị cả con đường thông thương quý giá. Petra tiếp tục phát triển và hưng thịnh. Nhưng đến giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 7 SCN, thành phố bị tàn phá bởi hàng loạt trận động đất mạnh. Petra bị bỏ hoang và dần rơi vào quên lãng.
Năm 1812, nhà thám hiểm người Thuỵ Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, đã khám phá và công bố với thế giới vẻ đẹp của Petra. Khu vực này được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO năm 1985 và được mô tả là “một trong những tài sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại”. Ngày 7/7/2007, Petra được công nhận là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.
Petra nổi tiếng với các đền thờ và lăng mộ, hầu hết được xây dựng ở rìa thành phố, phía trên đường phố chính. Một số ngôi mộ được thiết kế đơn giản, chứa rất nhiều hố chôn trong một lăng mộ đá không trang trí, trong khi một số khác được thiết kế tinh xảo.
Lăng mộ nổi tiếng nhất của Petra là Khazneh, tiếng Ảrập có nghĩa là “Kho báu”. Được gọi như vậy vì người dân địa phương đã từng tin rằng ngôi mộ chứa kho báu bí mật. Các nhà khảo cổ học gọi nó là lăng mộ cao hai tầng. Kích cỡ mặt tiền được đo với chiều cao 39m và chiều rộng 25m.
Với thiết kế chủ yếu theo cấu trúc Hy Lạp, ngay từ bên ngoài người ta có thể thấy các cột được xây dựng theo kiểu Corin, lối đi nằm dọc với hình ảnh mô tả hai anh em song sinh huyền thoại Castor và Pollux. Phía trên trung tâm là một người phụ nữ có thể là hình ảnh mô phỏng của Isis, một vị thần Ai Cập.
Cũng được thể hiện ở đó là hình ảnh 6 nữ chiến binh huyền thoại trong thế giới cổ đại. Các hình ảnh được minh họa cũng bao gồm quái vật sư tử đầu chim, đại bàng, hai con vật có cánh này được coi là biểu tượng của chiến thắng và hình ảnh các loài thực vật như cây anh túc, nho và cây lựu. Hình hoa hồng, biểu tượng của hoàng tộc cũng được thấy ở đây, cho thấy đây là mộ của một vị vua.
Trái ngược với vẻ cầu kỳ bên ngoài, bên trong ngôi mộ được thiết kế khá đơn giản với một hành lang dẫn tới 3 phòng, phòng lớn nhất nằm ở trung tâm với chiều dài 12,5m, rộng 11m và cao khoảng 10m. Không có sự mô tả nào cho thấy ai được chôn trong mộ cũng như chính xác thời điểm xây dựng. Nhưng theo nhà nghiên cứu Andrew Steward, có thể đó là mộ của Vua Aretas IV, mất vào năm 15 sau Công nguyên và 2 người vợ của ông.
Bên cạnh khu lăng mộ Khazneh lộng lẫy, 3 ngôi đền cổ đại cũng là điểm nhấn trong kiến trúc cũng như đời sống tín ngưỡng phong phú của cư dân cổ đại của Petra. Một trong số đó là Oasr al-Bind. Tường của ngôi đền vẫn được bảo tồn với chiều cao 23m. Một người sẽ phải leo 19 bậc thang lên tới chỗ dừng rồi 8 bậc nữa qua 4 cái cột để đến được hành lang của đền trước khi đi tới một sảnh chính với kích thước mỗi bề của sảnh khoảng 28m. Phía cuối là Nơi Cực Thánh.
Đến với Petra không chỉ là đến với các công trình kiến trúc hàng nghìn năm mà còn là đến với sự giao hòa giữa một nền văn hóa đỉnh cao và thiên nhiên hùng vĩ.
Nguồn: [Link nguồn]
Người ta tin rằng càng là những nơi ít người dám đến thì nơi đó càng linh thiêng và màu nhiệm.