‘Thảm rêu khổng lồ’ tạo nên bức tranh kỳ ảo trên đầm An Khê
Mùa nước cạn, rong rêu phủ khắp mặt đầm hội đủ sắc màu hệt như “tấm thảm khổng lồ” thu hút nhiều loài chim trời… bay về kiếm ăn tạo nên không gian thiên nhiên sống động mê hoặc lòng người.
Vào buổi hoàng hôn, du khách có thể đi ghe cùng người dân thả lưới bắt tôm, cá hay thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên thơ mộng với nhiều loài chim: Sếu, cò, vạc, vịt trời… tập trung về kiếm ăn, khuấy động huyên náo không gian rộng lớn trên mặt đầm.
Ánh nắng cuối ngày vàng óng soi bóng xuống mặt đầm nổi màu rong, rêu xanh hòa quyện vào khói lam chiều tạo nên không gian thiên nhiên kỳ ảo, hữu tình.
Điểm đặc biệt của đầm An Khê là dù sát bên bờ biển Sa Huỳnh nhưng không bị nhiễm mặn, bốn mùa nước ngọt tạo môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh.
Thủy sản sống trong đầm không chỉ đa dạng với các loài cá nước ngọt: cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi… mà còn nhiều loại cá từ phía biển bơi theo Cửa Lỗ, thích nghi với môi trường nước ngọt, như cá ong, cá liệt, cá hồng mang đặc trưng riêng về hương vị của nơi đây. Điều này đã tạo nên sự phong phú về loài cũng như văn hóa ẩm thực riêng có cho cư dân hưởng lợi từ đầm nước ngọt độc đáo.
Đầm An Khê trải rộng 347 ha thuộc địa phận xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi về hướng Nam 45 km. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện khu vực đầm An Khê bên bờ biển Sa Huỳnh có khoảng 200 mộ chum.
Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépôt à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh). Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là "ba cái nôi văn minh" xưa, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam.
Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000 - 7.000 năm trước, và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000 - 4.000 năm trước. Đến nay đầm An Khê vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hội tụ núi - rừng- đầm - dải cát ven biển và biển, vừa giúp du khách hình dung sinh cảnh của con người từng tồn tại nơi đây nhiều ngàn năm trước, vừa là một bộ phận hợp thành cảnh quan độc đáo của vùng đất - biển Sa Huỳnh.
Tiến sĩ Guy Martini - Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO - đánh giá làng di sản nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
Vợ chồng anh Huy và 3 người bạn thân đã rong ruổi khám phá Quảng Ngãi trong 5 ngày, tham gia rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ như lặn biển, chèo SUP, chơi pháo bông... để "tìm lại thanh xuân".
Nguồn: [Link nguồn]