Tham quan vườn táo trong mùa lá đổi sắc ở Hàn Quốc
Bước vào vườn cây ăn quả, ngắm nhìn những vườn táo chi chít quả ngọt trên cành, rồi tự tay mình hái một hoặc hai trong số rất nhiều quả táo đang rộ chín ở Hàn Quốc chắc chắn là một trải nghiệm thú vị.
Thời tiết Hàn Quốc đủ bốn mùa, trong đó, mùa thu thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 là khoảng thời gian mà du khách chọn đến Hàn Quốc để thưởng lãm vẻ đẹp đặc trưng của nơi đây. Lúc này, đường phố được nhuộm vàng nhuộm đỏ bởi hàng chục ngàn cây ngân hạnh và cây ngô đồng, tạo nên một bức tranh diễm lệ.
Vẻ đẹp mùa thu của xứ sở Kim Chi. Ảnh: Khuê Việt Trường
Mặc dù là mùa thu nhưng nhiệt độ trung bình vào khoảng 8 độ C. Đêm đến, có khi trời trở rét xuống mức âm 4 độ C. Tôi nhớ có lần phải ra sân bay lúc 2 giờ sáng, khách sạn mở cửa phía sau cho chúng tôi di chuyển lên xe đang chờ sẵn bên ngoài. Từ cửa khách sạn ra xe chỉ hơn 10 mét mà toàn thân đã kịp cảm nhận sâu sắc cái lạnh thấu xương.
Du lịch đến Hàn Quốc trong mùa lá đổi sắc, sau khi bạn đặt chân đến các điểm tham quan ấn tượng như Tháp Namsan, Công viên giải trí Everland… thì gần như chắc chắn điểm đến tiếp theo trong hành trình sẽ là những vườn táo mùa thu xinh đẹp. Việc khai thác du lịch nông nghiệp ở Hàn Quốc chính là một điểm nhấn trong ngành công nghiệp không khói của đất nước này. Tôi đã hai lần đến hai vườn táo khác nhau. Dĩ nhiên, trong cả ngàn vườn táo ở Mungyeong chỉ có hơn chục vườn là đủ tiêu chuẩn tham quan, như vườn phải thuận tiện cho việc đi lại và cần có không gian để khách nghỉ chân.
Một vườn táo đạt tiêu chuẩn đón khách. Ảnh: Khuê Việt Trường
Du khách đến tham quan vườn. Ảnh: Khuê Việt Trường
Lần thứ nhất tôi đi vào giữa tháng 10. Khi ấy, Hàn Quốc đang giữa mùa thu, thời tiết dễ chịu, nắng vàng rơi nhẹ trên các lối đi. Tuy nhiên, phố xá vẫn chưa thay màu lá, duy chỉ có ở Namsan và đảo Nami thì sắc thu đã khẽ chạm vào những hàng ngân hạnh hoặc phong lá đỏ.
Đa phần các vườn táo nằm xa phố, cận kề các ngọn đồi, dường như thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây trồng. Vườn táo chúng tôi đến có khả năng khai thác đón khách du lịch nên có bố trí bãi giữ xe thuận lợi. Bên cạnh lối dẫn lên một ngọn đồi có đặt một tấm bảng giới thiệu khá lớn.
Chúng tôi leo lên những bậc thang và bắt gặp hình ảnh vườn táo với những cây táo lớn có, nhỏ có đang sai quả trên cành. Hướng dẫn viên thông báo khách tham quan có thể chụp hình thoải mái và mỗi người chúng tôi được phép hái một quả. Từng người một hái cho mình một quả tùy chọn, sau đó di chuyển vào trong khu nhà. Tại đây bày biện nhiều miếng táo ngon lành đã được gọt sẵn mời khách, ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích, và nếu thích thì có thể mua mang về.
Những cây táo trong vườn đều sai quả. Ảnh: Khuê Việt Trường
Một du khách đang đắn đo không biết nên hái quả nào. Ảnh: Khuê Việt Trường
Vườn táo thứ hai tôi đi vào giữa tháng 11 cùng năm. Đây là vườn táo do một công ty du lịch bên Hàn Quốc thiết kế. Theo đó, vào tháng này, các vườn táo gần như đã được thu hoạch xong. Quả ngon được cất vào trong các kho lạnh để dành bán trong mùa đông.
Ngày chúng tôi đến cũng là ngày cuối cùng mà vườn táo được giữ lại nhằm phục vụ tham quan theo yêu cầu. Đó là một ngày lạnh buốt ở Hàn Quốc, cơn mưa cứ tỉ tê không ngừng. Vườn táo lần này chúng tôi đến có địa hình khá bằng phẳng, có hàng rào và một chiếc cổng nhỏ đón khách.
Táo cuối mùa trĩu nặng trên cây, nhiều quả chín quá lứa rụng dưới gốc. Đất trồng đều được phủ lớp bạt nhằm tránh cỏ dại mọc lên gây thiệt hại. Vào vườn táo lần này, chúng tôi được phép chọn hái hai quả mang về. Giữa vô vàn quả táo đẹp, việc chọn cho mình hai quả đẹp nhất cũng là điều thú vị. Hôm đó, chúng tôi còn được thưởng thức một bữa táo no nê.
Giữa vô vàn quả táo đẹp, việc chọn cho mình hai quả đẹp nhất cũng là điều thú vị. Ảnh: Khuê Việt Trường
Du lịch canh nông hay còn gọi là du lịch nhà vườn ở Hàn Quốc quả thật có sức hút mãnh liệt. Việc tham quan vườn táo trong mùa thu đã mang lại cho chúng tôi nhiều niềm vui khôn xiết.
Ngoài Seoul, có lẽ Busan là nơi mà du khách sẽ háo hức tìm hiểu nhất, bởi vì có rất nhiều thứ để làm và khám phá tại thành phố cảng nổi tiếng của Hàn Quốc này.
Nguồn: [Link nguồn]