Tết sớm ở Cổng trời
Khi những bông hoa cà phê đầu tiên khoe sắc trong cái nắng hanh hao của đợt rét ngọt đầu đông, khi làn sương sớm bảng lảng trên mỗi nóc nhà sàn cũng là lúc người Mông trên "cổng trời" Ea Rớt (xã Cư Puil, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) xốn xang đón Tết truyền thống của đồng bào mình. Ở đây, mùa xuân ngỗ như kéo dài bất tận…
"Cổng trời" âm vang nhịp chày giã bánh
Người Mông ăn Tết vào mồng một tháng Chạp âm lịch (sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng). Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày chính dành cho các nghi lễ trời đất, gia tiên. Các ngày tiếp theo là những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Để có một cái Tết trọn vẹn và no say, bà con đã nghỉ lên nương trước đó cả tháng.
Ông Lò Tiến Dũng, một trong những người có uy tín, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào Mông ở "cổng trời" đang tất bật trang trí bàn thờ. Có ba loại giấy được đồng bào người Mông dùng, đó là giấy trắng ngả đục được cắt thành bìa to, sau đó đến giấy đỏ và cuối cùng là giấy màu vàng bọc phía ngoài. Ba loại giấy được cắt nhỏ dần và dán chồng lên nhau, tượng trưng cho ba đời tổ tiên. Việc cắt giấy tưởng như đơn giản nhưng đó lại là trọng trách mà chỉ những người đàn ông trụ cột trong gia đình mới được làm. Họ trau chuốt, nâng niu đủ để thấy lòng thành và sự kính cẩn của họ đối với tổ tiên.
Người dân xúng xính áo váy ra bãi đất trống tham gia lễ hội ngày Tết.
Ông Dũng cho biết, chuẩn bị Tết chủ yếu là con gà, con lợn và bánh giầy. Dù nghèo khó đến mấy nhưng mùa Tết, mỗi gia đình cũng phải có một con lợn và vài con gà, vì đó là tấm lòng, sự biết ơn với Giàng và các bậc thánh thần. Khâu chuẩn bị cỗ Tết không kém phần quan trọng chính là cắt tiết gà trước bàn thờ.
Trong ngày mồng một Tết, gia chủ cắt tiết con gà trống, nhổ lấy phần lông cổ mượt mà nhất, óng ả nhất, sau đó lấy một ít tiết gà làm keo dính các chùm lông gà lên phần giấy trang trí ở bàn thờ. Việc dán lông gà trước bàn thờ nhằm thể hiện mong muốn tổ tiên chứng giám cho lòng thành của gia chủ. Gà mái sẽ mang đi luộc, sau đó lấy nước luộc và một phần thịt luộc trộn vào cơm cúng tổ tiên.
Lễ cúng bắt đầu, ông Dũng mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình và bắt đầu bài khấn. Bài cúng của ông Dũng kéo dài 30 phút. Trong suốt thời gian này, ông phải ngồi xổm và không được phân tâm đến việc khác. Trong khi gia chủ cúng mời tổ tiên về ăn cơm, những thành viên khác trong gia đình cùng nhau lo việc bếp núc. Riêng ngày mồng một, nhà ông Dũng thịt 5 con gà. Số lượng gà thể hiện khả năng kinh tế và mối quan hệ bên ngoài của gia đình ông Dũng.
Một điều kiêng kị trong bữa cơm ngày Tết của người Mông là không ăn rau và không chan canh. Ông Dũng giải thích: "Ăn rau có nghĩa là cả năm làm ăn thất bát, chỉ có rau thôi. Còn chan nước thì đi làm rẫy hay gặp mưa. Và thêm việc nữa là không được ngủ trưa vì sợ năm mới đi làm con ruồi sẽ bay vào mắt".
Những điều kiêng kị ấy đã thẩm thấu vào tâm thức của đồng bào Mông từ đời này qua đời nọ. Cho nên, ngày Tết, họ chỉ ăn thịt gà, thịt lợn và uống rượu.
Nhà bà Mùa Y Sang Tết năm nay làm 20kg gạo bánh giầy. Bà cho biết, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày xuân. Người Kinh ăn Tết có bánh chưng thì người Mông ăn Tết phải có bành giầy. Để làm bánh giầy, người Mông phải chọn loại gạo nếp nương ngon nhất đồ xôi rồi giã nhuyễn ngay khi còn đang nóng.
Đội giã bánh giầy trong thôn có từ 7 đến 8 thanh niên khỏe mạnh. Cứ chiều 30 Tết, "cổng trời" âm vang nhịp chày giã bánh. Trong thôn chỉ có khoảng 3 chiếc cối khổng lồ chuyên giã bánh giầy nên xong nhà này, đội giã bánh lại khiêng cối đi nhà khác giã.
Không khí ngày xuân thực sự ấm no, vui tươi khi những chiếc bánh giầy nóng hôi hổi, dẻo quánh, thơm lừng được đặt trang trọng trên bàn thờ. Bánh giầy của người Mông gắn với truyền thuyết ngợi ca lòng chung thủy tình yêu đôi lứa. Truyền thuyết kể lại, chàng trai Plai bị thần hổ bắt mất người yêu.
Plai mang theo bánh giầy lên đường quyết đi tìm người yêu. Lại trải qua vô vàn gian truân trắc trở, cuối cùng thần hổ cảm động trước tấm chân tình của chàng trai nên trả lại người yêu. Từ đó, bánh giầy là biểu tượng của tình yêu son sắc. Từ ý nghĩa thiêng liêng ấy, đồng bào Mông đã tổ chức hẳn một lễ hội bánh giầy trong ngày Tết.
Tuy nhiên, ở "cổng trời" này, người Mông không được xôm tụ nên những lễ hội lớn không được tổ chức rình rang như ở các tỉnh Tây Bắc. Bà Mùa Y Sang bần thần nhìn ra cánh rừng trước mặt, nói: "Tết ở đây không được vui bằng ở quê vì toàn dân di cư còn nghèo lắm. Ở "cổng trời" tách biệt, muốn ra trung tâm xã phải mất 20 cây số đường rừng gập ghềnh, trơn trượt, khổ ải trăm bề. Chỉ có thanh niên đi tìm bạn tình mới có động lực "xuống trời".
Hết mùa xuân là đến mùa cưới
Trong những ngày hội Tết của người Mông thì trai gái ra ngoài có thể tự do tìm hiểu nhau và chơi những trò chơi dân gian. Con trai múa khèn, con gái thì hát. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm hiểu, giao duyên với nhau và nếu họ cảm thấy yêu thích nhau thì sẽ tiến đến hôn nhân.
Ở bãi đất trống giữa thôn, họ dựng một cây nêu rất lớn. Các hoạt động văn hóa truyền thống như ném pao, múa khèn, múa ô, chơi quay, bắn nỏ, đẩy gậy... diễn ra sôi nổi xung quanh cây nêu. Trò chơi nổi tiếng được nam thanh nữ tú tham gia là ném pao.
"Chẳng biết quả pao và trò chơi ném pao có từ khi nào nữa, nó có từ lâu lắm rồi. Chỉ biết rằng, người đàn ông Mông đi tìm vợ, đi hội đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng, trong khi đó người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng" - Vàng Seo Đế giải thích về trò ném pao sắp diễn ra trên "cổng trời".
Phơi thóc để làm bánh giầy.
Đế 26 tuổi, làm chồng năm 20 tuổi và đã là cha của 3 đứa con. Đế lấy được vợ cũng nhờ cái mùa xuân của 6 năm về trước, khi anh thổi một điệu khèn đầy sức mời gọi. Một thiếu nữ nghe xong đã mê mẩn ngẩn ngơ kéo áo Đế về đội ném pao. Cuộc chơi pao diễn ra vui nhộn, tràn ngập tiếng cười của các cô gái. Kết thúc lễ hội, cô gái đã chủ động "bật đèn xanh".
Đế không thể cưỡng lại nổi sức thanh xuân đầy ắp "lửa yêu" của cô gái, anh run rẩy về làm rể trong mùa rẫy đầu tiên của năm mới.
Đế lấy được vợ ngay trên "cổng trời", đó là phúc phần của một thanh niên nghèo không có của hồi môn. Đế cho biết, thanh niên sống ở chóp núi này cái nghèo thường đi liền với cái ế, vì không có tiền xuống núi tán gái. Nếu có tán đổ cũng không có tiền làm lễ cưới. Cho nên, con gái ở "cổng trời" thuộc hàng quý hiếm, những cô gái chưa kịp lớn đã bị "bắt vợ".
Cái giá để được nhiều trai làng nhòm ngó thì thiếu nữ phải có một vài tài lẻ, trong đó quan trọng nhất phải biết thêu thùa, dệt vải. Đi lễ hội, mỗi cô gái phải tự tay làm quả pao. Người đàn ông Mông đi tìm vợ qua trò ném pao thì việc đầu tiên họ xem là khả năng làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Trang trí banh pao cũng phải hài hòa, thanh nhã, có ẩn ý riêng.
Trái banh pao được làm từ vải, truyền qua lại giữa hai đội nam và nữ. Quá trình pao bay trở thành những đường vô hình để kết nối bạn chơi với nhau. Đội tham gia ngày càng trở nên mải mê và họ không cảm thấy mệt mỏi cho dù cuộc chơi chỉ đơn giản là sự lặp đi lặp lại của hai hành động ném và bắt lấy trái banh. Điều đó được giải thích, là do trong những đường banh có chứa cả đường tình. Họ chơi mê mệt cũng bởi họ "say" nhau. Ở "cổng trời, cứ qua mỗi mùa xuân là đến mùa cưới và "mùa đẻ con".
Mỗi dịp xuân về, người dân Hà Nội lại tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) xin chữ đầu xuân, với mong ước...