Tết Pháo thăng thiên miền Yasothon
Quê nhà đã lâu lắm rồi ngưng tiếng pháo. Nghe nói miền Yasothon (Thái Lan) có lễ hội pháo lớn lắm. Là thứ pháo bay thẳng lên trời – pháo thăng thiên, chứ không phải loại pháo đỏ đì đùng mà xác pháo đôi khi như máu tim ai rỉ buồn, nên tôi càng tò mò. Cuối cùng cũng được điếc tai vui vẻ với Bun Bang Fai, cái “tết” lạ ở xứ hẻo lánh Yasothon.
Thực tế, Bun Bang Fai (tiếng Thái Bun: Lễ hội, tết. Bang Fai: Pháo thăng thiên) có ở nhiều nơi trong miền Isan (Đông Bắc Thái), kể cả bên Lào. Nhưng hoành tráng nhất là ở tỉnh nghèo Yasothon. Với nhiều vùng, nó chỉ là một lễ hội nhỏ, nhưng ở Yasothon, Bun Bang Fai là một tết lớn, kéo dài đến ba ngày, biến miền quê quanh năm hắt hiu tĩnh lặng thành miền đất hội hè. Không chỉ của người Thái mà còn nhiều bạn bè quốc tế đổ về.
Ở Thái Lan, tết Té nước của cả nước là vào tháng 4, khi mùa mưa đến, nguyện cầu một năm mới mưa thuận gió hoà. Với nhiều nơi, vậy là đủ, nhưng ở Isan, đặc biệt ở Yasothon, người dân cho rằng vị thần mưa rất thích lửa, tiếng động, tin rằng những lời cầu xin họ gửi lên cao xanh bằng pháo thăng thiên ầm ĩ sẽ được lắng nghe, thấu hiểu, để nhiều mưa, nhiều ân điển… được ban xuống cho dân lành.
Xe chở pháo của một bộ tộc ở Yasothon
Cái rất lạ tại Bun Bang Fai
Tết Pháo diễn ra trong ba ngày, với những hoạt động lôi cuốn khác nhau. Ngày đầu là của vui chơi giải trí, và các hoạt động đã ầm ĩ ngay từ ngày này. Vẫn có một cuộc thi nhan sắc, như ở hầu hết các lễ, tết xứ này. Nhưng có lẽ đã quá quen thuộc, phần lớn người dân đổ về các sân khấu được dựng lên chen kín con đường Chaeng Sanit, với hơn 40 sân khấu cho quãng đường vài trăm mét. Và sân khấu nào cũng được trang bị dàn âm thanh khủng, được hỗ trợ thêm bởi những vũ điệu dồn dập của những “ca sĩ”, “vũ đoàn” gà nhà nhiệt thành hát ca nhảy múa. Và rồi tôi phải trợn mắt dựng tròng khi thấy những tà áo dài Việt, nổi bật giữa phố hội – đẹp thân quen nhưng lạ đến sốc! Đẹp, với áo dài thì khỏi phải nói thêm, nhất là khi được gặp trên xứ người. Lạ đến sốc vì các bé mặc áo dài với quần soóc ngắn hoặc quần bó (!) thay vì cái quần tha thướt không thể thiếu của bộ áo dài Việt. Mừng rỡ chào hỏi trò chuyện mới thầm thương hơn các bé. Các chị, dì ở đây đã là thế hệ thứ hai, giọng đã lơ lớ. Còn các bé, nghe cha mẹ cô dì nói rằng tết quê nhà xưa con gái phải vận áo dài, nên mặc, và rất tự hào. Nhưng các bé đã là thế hệ thứ ba, thứ tư chưa bao giờ về thăm quê nhà – nên việc “thiếu quần dài” cũng có thể hiểu được. Mới thương cảm, ngậm ngùi làm sao khi lần đầu gặp những chiếc áo dài lạ này trên đất khách quê người.
Ngày thứ hai, cũng là ngày nhiều sắc màu, nhiều nếp xưa nhất được trưng diễn ở tết Pháo thăng thiên Yasothon. Bắt đầu từ buổi diễu hành, những chiếc pháo thăng thiên nhiều cỡ loại được trang trí rực rỡ, trong những chiếc xe hoa rực sắc. Từng chiếc xe hoa được hộ tống bởi những gái quê, trai làng mộc mạc không giấu vẻ ngượng ngùng khi xúng xính trong những bộ quần áo cổ truyền các dân tộc. Chưa hết, ngoài xe hoa chở pháo, những làng còn mang theo những chiếc “xe hoa” khác, thiết kế những nét đặc trưng của làng, của bộ tộc…
Điệu múa ngày Tết Bun Bang Fai
Pháo lên trời, người vui dưới đất
Ngày thứ ba đốt pháo thăng thiên gửi lên cao xanh, ngày chính của tết Bun Bang Fai cũng là ngày vui ồn ào đinh tai nhất vì tiếng nổ ì đùng của pháo giật mạnh trong tiếng nhạc ì đùng từ lán trại các gia đình, các đội pháo... Ngày trước được làm từ tre, pháo giờ làm trong ống nhựa, nên nhiều kích cỡ to lớn đã được “phát minh”. Nhỏ nhất dài chừng mét, đường kính 1 tấc. Lớn nhất là mấy trái dành lúc khai mạc, kết thúc lễ hội… dài đến 9m, nhét 120kg thuốc súng, bay cao đến vài cây số. Nghe nói các chuyến bay ngang Yasothon hôm nay phải đổi hướng vì những trái pháo này. Giờ pháo đốt bằng điện, nguy hiểm đã giảm. Nhưng khiêng, treo quả pháo vài trăm ký trên giàn cao vài mươi mét, sao không quá lỏng để bị rơi, không quá chặt để có thể vút bay… không đơn giản. Thế nhưng, mọi chuyện suôn tuột với những trai làng như sóc leo lên tụt xuống mấy cái giàn cao chót vót. Rồi không khí bùng lên tiếng hò reo lẫn tiếng vang kinh động khi pháo nổ đùng bay vút lên trời xanh, mang theo những ước nguyện vụ mùa mới ấm no.
Thế nhưng cũng có chiếc xịt xịt, rồi tắt ngóm, rơi đùng xuống. Thế là đội làm pháo đó bị quăng vào bùn, bị gí, bị đè xuống bùn, để tạ lỗi với thần mưa. Tưởng là họ sẽ buồn lâu, nhưng chỉ chốc lát là họ lại vui chung với bạn bè, làng xã, với những chiếc pháo hoành tráng đang bay thẳng lên trời. Và họ vui hơn khi kéo thêm khách lăn vào bùn cùng họ, nhất là những khách “nước ngoài”.
Ngày vui qua mau. Để lại Yasothon giờ vắng hoe, tôi bịn rịn chia tay những người dân mến khách, chia tay tết Pháo. Như đã hứa với bạn mới quen. Mong lắm, năm sau sẽ về, nhưng có được chăng!
Yasothon cách Bangkok 500km về phía đông bắc. Có thể đi xe (khoảng 300.000 – 400.000 đồng từ bến xe Bắc Bangkok) đến, hoặc đi tàu đến các tỉnh gần đó như Ubon, Udon, Khon Khaen, rồi đi xe đến. Thành phố nhỏ, khoảng 25.000 dân, bình thường vắng vẻ nên dịch vụ nghỉ ngơi ít, cần đặt phòng trước. Phòng đôi (không máy lạnh) ngày lễ cũng chỉ khoảng 300.000 đồng. Thức ăn ngon rẻ, ngày lễ không tăng giá, chỉ 25.000 – 30.000đồng/phần ăn đơn giản. Những cô gái gốc Việt thế hệ thứ ba, tư xúng xính trong tà áo dài tham dự lễ hội |