Tây Ninh những nẻo đường xuân
Khi nắng vàng như rót mật trên những cánh đồng lúa, khi những cánh chim chao lượn trên nền trời xanh ngắt báo tin sum vầy - đó cũng là lúc vùng đất biên giới bước vào xuân.
Cảnh sắc say đắm lòng người
Mỗi năm vào dịp xuân mới, tôi và nhóm bạn thường rủ nhau leo núi Bà Đen thong dong vãn cảnh, hít thở khí trời trong lành. Với độ cao 986 m sừng sững uy nghiêm giữa đất trời, núi Bà Đen xứng với danh xưng "Đệ nhất thiên sơn".
Vẻ đẹp huyền ảo của núi Bà Đen.
Dù có tuyến cáp treo lên đến tận đỉnh núi nhưng với các bạn trẻ, đây là nơi trekking tuyệt vời để ngắm bình minh, hoàng hôn và sương mây trôi bồng bềnh huyền ảo. Núi Bà Đen có tới 7-8 cung đường trekking, mỗi cung đường một đặc trưng khác nhau và thay đổi theo từng mùa, khi cây rừng xanh mướt, khi suối chảy róc rách, lúc mùa hoa cỏ lau thơ mộng, khi hoa vông gai đỏ rực cả khoảng trời.
Núi Bà Đen cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Tây Ninh với các di tích lịch sử, các ngôi chùa nhiều năm tuổi như Linh Sơn Tiên Thạch Tự, Chùa Hang, Điện Bà. Vào mùa xuân, nơi đây thường diễn ra Lễ hội xuân núi Bà bắt đầu từ ngày mùng 4 và kéo dài trong suốt tháng Giêng, thu hút người dân trong tỉnh và du khách thập phương nô nức đến vãn cảnh chùa, cầu bình an cho năm mới.
Lễ hội xuân núi Bà thu hút nhiều du khách dịp đầu năm.
Tới Tây Ninh những ngày mùa xuân đừng quên ghé thăm hồ Dầu Tiếng - hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nơi mặt nước êm đềm, phẳng lặng in hình bóng núi Bà Đen tựa như bức tranh sơn mài tuyệt mỹ. Thật khó lòng rời đi khi chưa dừng chân bên hồ ngắm cảnh hoàng hôn với ráng chiều vàng rực long lanh trên mặt nước, thưởng thức món lẩu cá lăng măng chua đặc sản. Thảnh thơi hơn nữa bạn có thể thuê lều cắm trại ngay cạnh hồ, ngắm vẻ đẹp bình yên của đất trời giao hòa khi đêm xuống.
Hồ Dầu Tiếng.
Vẻ quyến rũ của Tây Ninh còn thấy rõ khi xuôi bờ sông Vàm Cỏ Đông với thật nhiều màu xanh và không khí trong lành, dễ chịu, hay khám phá Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nơi bảo tồn nhiều cây gỗ, cây thuốc, chim, thú, cá quý hiếm với những cánh rừng, thảm cỏ rực rỡ muôn sắc hoa, sông hồ thơ mộng.
Nét kiến trúc độc đáo
Dù là một kẻ ngoại đạo nhưng lần nào đến Tây Ninh, tôi cũng phải ghé thăm Tòa thánh - một biểu tượng du lịch đặc biệt của vùng đất này. Tòa thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo của đạo Cao Đài, kết hợp giữa quan điểm triết học Đông-Tây và nhiều yếu tố tâm linh một cách dung hòa.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.
Tòa thánh là nơi diễn ra những hoạt động tôn giáo quan trọng, nơi các tín đồ của đạo Cao Đài đến hành hương, thực hiện các nghi lễ trang trọng. Những ai từng có dịp thăm Tòa thánh đều sẽ ấn tượng đặc biệt với kiến trúc độc đáo lạ mắt của nơi này. Mỗi năm sau Tết, vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tại đây sẽ tổ chức Đại lễ vía Đức Chí Tôn nhằm ôn lại truyền thống, nhắc nhở mọi người về công ơn của đấng sinh thành, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Đây là một trong hai lễ hội lớn trong năm, chỉ sau đại lễ Hội yến Diêu Trì cũng được tổ chức tại đây vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.
Nằm cách Tòa thánh khoảng 1 km là chợ Long Hoa - ngôi chợ lớn nhất Tây Ninh với kiểu dáng kiến trúc độc đáo không kém.
Chợ có nhà lồng hình chữ thập trên một lô đất hình vuông, xung quanh có 8 cửa hướng ra 8 con đường. Từ trên không nhìn xuống, chợ Long Hoa giống như một Bát Quái Đồ. Đến chợ Long Hoa những ngày giáp Tết là một trải nghiệm đặc biệt cho du khách phương xa khi nơi nơi đều nhộn nhịp cảnh bán buôn tấp nập, rạo rực không khí Tết.
Ẩm thực mùa xuân
Tới Tây Ninh, không thể không ghé Trảng Bàng ăn tô bánh canh giò heo, cuốn bánh tráng phơi sương với thịt luộc rau rừng. Một cuốn bánh tráng là sự kết hợp giữa vị béo của thịt hòa cùng vị chua lá cóc, lá xoài non, vị chát của lá sao nhái, bằng lăng, vị thơm mát của lá xá xị, chấm ngập trong nước mắm chua ngọt - hương vị hoàn hảo khiến ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, ăn hết lần này đến lần khác mà không ngán.
Bánh canh Trảng Bàng.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, rau rừng.
Ngoài bánh tráng phơi sương, Tây Ninh còn có muối tôm - một thức chấm với đủ vị chua cay ngọt mặn làm say lòng du khách. Có nhiều người thắc mắc rằng, Tây Ninh không giáp biển cũng không sẵn nguồn tôm nhưng vì sao lại có đặc sản muối tôm. Hỏi ra mới biết, thời xưa muối ớt là một món ăn được các chị các mẹ ở hậu phương gửi vào rừng, gửi ra tiền tuyến nuôi quân. Sau này, từ muối ớt biến tấu thành muối tôm để chấm trái cây, để nấu ăn và dần trở thành đặc sản.
Đặc biệt, ẩm thực chay nơi đây trở thành một nét văn hóa cho thấy những điều thiện và lành đã đi vào lối sống. Nghệ thuật chế biến các món chay ở Tây Ninh không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của các tôn giáo Cao Đài, Phật giáo mà còn lan tỏa và hòa lẫn vào dòng ẩm thực dân gian, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực vùng đất Tây Ninh, tô điểm thêm nhiều sắc thái cho đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây.
Vẻ đẹp của món chay.
Các món chay được chế biến tinh tế từ nhiều nguyên liệu sẵn có và đặc trưng ở địa phương như nấm, măng rừng, chuối rừng, rau móp, các loại rau rừng… Vào những ngày Tết cổ truyền, nhiều gia đình ở Tây Ninh cúng món chay để cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc. Mâm cỗ Tết chay được thực hiện rất cầu kỳ, công phu, đẹp mắt và nhiều món ngon hơn hẳn ngày thường.
Tạm biệt Tây Ninh vào một ngày xuân khi nắng ươm vàng, khi gió nhẹ nhàng đu đưa những cánh mai vàng bay trong gió, tôi biết mình sẽ còn trở đi trở lại Tây Ninh thêm nhiều lần nữa, để bước đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, tận hưởng nhịp sống thanh bình nồng ấm tình người vùng biên giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Bên cạnh 4 cột mốc tại 4 cực Đông, Tây, Nam, Bắc, Việt Nam còn có những cột mốc khác như cột mốc 3243 tại Fansipan, cột cờ Lũng Cú hấp dẫn nhiều người.