Tàn tích cổ vương quốc 3.500 tuổi ở châu Á tự trồi lên giữa sông

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Tàn tích của một thành đô rộng lớn vừa xuất hiện giữa sông Tigris (miền Bắc Iraq) rất có thể là "thành phố bị mất tích" Zakhiku của Đế chế Mittani, một vương quốc cổ đại từng thống trị Bắc Lưỡng Hà.

Một trận hạn hán khắc nghiệt khiến di tích đáng kinh ngạc "tái sinh" từ một hồ chứa trên sông Tigris, khiến các nhà khảo cổ đã vội vã khai quật, nghiên cứu trước khi nước quay trở lại.

"Kết quả khai quật cho thấy địa điểm này là một trung tâm quan trọng của Đế chế Mittani" - tờ Live Science dẫn lời nhà khảo cổ Hasan Qasim, Chủ tịch Tổ chức Khảo cổ học Kurdistan, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Thành đô thuộc cổ vương quốc Mittani nổi tiếng đã xuất hiện ngoạn mục bên bờ sông - Ảnh: Đại học Tübingen

Thành đô thuộc cổ vương quốc Mittani nổi tiếng đã xuất hiện ngoạn mục bên bờ sông - Ảnh: Đại học Tübingen

Thành đô Zakhiku từng là ngôi sao sáng của cổ vương quốc Mittani, trong thời kỳ đế chế này phát triển mạnh bên bờ sông Tigris từ năm 1550 đến năm 1350 trước Công Nguyên. Nó được coi như một "Atlantis" của vùng Tây Nam Á.

Tàn tích thời kỳ đồ đồng này xuất hiện giữa một địa điểm khảo cổ có tên là Kemune, là khu vực chứa nhiều di tích khác của Đế chế Mittani (có văn bản viết là Đế chế Mitanni). Sự hiện diện của thành phố ở sông Tigris từ lâu đã được xác định, nhưng các nhà khảo cổ chỉ có thể chờ đợi hạn hán để tiếp cận nó.

Theo Science Alert, một phần nhỏ của thành phố đã hiện ra trong trận hạn hán năm 2018, giúp phát hiện một cung điện đã mất với những bức tường và phòng cao tận 7 m được trang trí công phu bằng tranh tường. Đợt hạn hán khốc liệt hơn của năm nay đã giúp họ tìm thấy phần còn lại, thậm chí lập bản đồ thành phố.

Ngoài nhà dân và đường sá, đô thành trong truyền thuyết này còn bao gồm một khu liên hợp công nghiệp và một cơ sở lưu trữ nhiều tầng có khả năng chứa hàng hóa từ khắp nơi trong khu vực, theo một tuyên bố mới từ Đại học Tübingen - Đức, đơn vị dẫn đầu cuộc khai quật.

Đó là những cấu trúc hoàn toàn đáng kinh ngạc trong một thành phố được xây dựng hơn 1.500 năm trước Công Nguyên, giai đoạn mà nhiều nơi khác trên thế giới vẫn còn chìm trong thời đại đồ đá mông muội.

Phát hiện một lần nữa chứng minh nền văn minh như vượt thời gian của những con người kỳ diệu sinh sống ở khu vực Lưỡng Hà, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại.

Nguồn: [Link nguồn]

Sốc: Loài người khác xây ”bảo tàng nghệ thuật” 65.000 tuổi ở Tây Ban Nha

Hang Cueva de Ardales ở Malaga - Tây Ban Nha là nơi 2 loài người khác nhau để lại hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật và chôn cất người chết - một kiểu bảo tàng hay thánh đường lộng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN