Sử Pán - Ngôi làng cổ tích giữa biển mây ở Sa Pa

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Sa Pa ồn ã là thế, nhưng chỉ cần rời trung tâm thị trấn đi về phía Đông 17 km, bạn sẽ lạc vào ngôi làng cổ tích xinh xắn, bình yên, không khói bụi xe cộ, chỉ có những căn nhà sàn ẩn mình trong làn sương mờ ảo, tiếng chim ríu rít hòa với tiếng gió xôn xao…

Xã Sử Pán (Sa Pa) gồm 4 thôn nhỏ của người Mông đen và người Dao đỏ nằm cheo leo trên sườn núi đá Nà Trông, nhìn xuống thung lũng Mường Hoa. Sử Pán từng là mảnh đất lặng lẽ, ẩn mình, e ấp dựa vào mẹ thiên nhiên với những người dân đôn hậu quanh năm chỉ biết cây lúa, cây ngô. Ấy vậy mà 2 năm trở lại đây, mảnh đất ấy bỗng “cựa mình thức dậy”.

Người dân Sử Pán giờ đã biết tận dụng vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình và bản sắc văn hóa vốn có để làm du lịch. Sử Pán nhỏ bé, đi một ngày là hết các con đường, đến từng ngõ ngách, vào thăm từng căn nhà. Bao quanh mảnh đất xinh đẹp ấy là màu xanh của núi, của những thửa ruộng bậc thang, xen lẫn là những nếp nhà nhỏ bé.

Đến Sử Pán, khách du lịch thấy ấn tượng vì mỗi nhà có một chiếc cổng chào độc đáo do gia đình tự thiết kế. Chiếc cổng được trang trí bằng tre, gỗ, bằng những nông sản, nông cụ, bên ngoài có khắc họ tên chủ nhà, địa chỉ, số điện thoại và gắn một cái tên để ai đến một lần ấn tượng mãi không quên.

Biển mây.    Ảnh Ngọc Bằng

Biển mây.    Ảnh Ngọc Bằng

Ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Sử Pán cho biết: Trong vòng 1 tháng, xã đã huy động được hơn 300 hộ của 2 thôn Hòa Sử Pán 1 và Hòa Sử Pán 2 thay toàn bộ cổng nhà, dọn dẹp vệ sinh, trồng cây trang trí dọc tuyến đường để bắt đầu “mở cửa” đón khách du lịch.

Đến Sử Pán hôm nay, buổi tối không cần phải dùng đèn pin như trước, hơn 300 chiếc cột điện được đầu tư để chiếu sáng đường thôn. Đi khoảng 2 km từ UBND xã sẽ thấy biển chỉ dẫn đi vào thác Ngựa Bay, địa danh thu hút rất đông du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.

Tương truyền, thác Ngựa Bay gắn với câu chuyện về những năm tháng chống Pháp, một đoàn bộ đội đi tiếp tế lương thực bằng ngựa, sau khi băng qua những cánh rừng đến khu vực thác thì bị trượt chân rơi xuống dòng thác trắng xóa, nhưng may mắn thoát chết.

Cảnh đàn ngựa bay xuống giữa khung cảnh nên thơ đó được người dân đặt tên cho thác. Mùa nước, thác Ngựa Bay trên núi đổ xuống ào ạt, tung bọt trắng xóa, phát ra những âm thanh sinh động, tạo cho du khách cảm giác vô cùng thoải mái và thư thái.

Khách du lịch nước ngoài tham quan ngày càng đông.

Khách du lịch nước ngoài tham quan ngày càng đông.

Ở Sử Pán còn có những địa danh như đồi dẻ với những tán dẻ cổ thụ, bọn trẻ nhỏ sau những tiết học lại kéo nhau lên nhặt hạt dẻ, nướng ăn; rừng nguyên sinh Sử Pán hoặc khu rừng trúc tình yêu quanh năm xanh tốt - nơi dừng chân của biết bao đôi trai gái.

Đến Sử Pán, khách du lịch còn có cơ hội trải nghiệm, khám phá những phong tục, tập quán, nét đẹp trong tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, hòa mình vào những điệu múa dịu dàng của cô gái Mông xinh đẹp hay điệu khèn, tiếng đàn môi xao động lòng người của những chàng trai Mông tại các homestay.

Giữa bản làng Sử Pán đầy thơ mộng có một khu làng cổ mang tên Làng cổ dòng họ Tẩn. Ngôi làng mộc mạc nhỏ xinh đầy cuốn hút với những nét văn hóa đặc trưng của người Mông vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, những nếp nhà cổ đơn sơ, những cô gái ngồi bên hiên cửa thêu thổ cẩm, những cụ già nồng hậu, mến khách.

Anh Tẩn A Dế, thôn Hòa Sử Pán 1 kể: Dòng họ Tẩn là niềm tự hào của người dân nơi đây với 15 ngôi nhà sàn cổ. Dù làm du lịch đã hơn 1 năm, nhưng dòng họ vẫn giữ nguyên những nét văn hóa vốn có. Ở đây, khi nông nhàn, người dân sẽ bắt tay làm những nghề truyền thống, như nhuộm chàm, dệt vải, đan lát, rèn nông cụ, cuộc sống vẫn tiếp diễn như hàng trăm năm nay.

Những chiếc cổng rất thú vị , trên đó ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại chủ nhà.

Những chiếc cổng rất thú vị , trên đó ghi đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại chủ nhà.

Câu chuyện xã Sử Pán làm du lịch cộng đồng tưởng như cổ tích mà lại là hiện thực. Chỉ sau đúng 1 năm, Sử Pán với diện tích chưa đến 10 km2 đã có hơn 20 homestay và một vài resort quy mô nhỏ đang hoạt động.

Xã có 20 hướng dẫn viên du lịch là người bản địa, được qua đào tạo các lớp ngắn hạn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Sử Pán đón 1.900 lượt khách, chủ yếu là khách nước ngoài lưu trú.

Thu nhập bình quân của xã tăng từ 19 triệu đồng/người/năm 2018 lên 24 triệu đồng/người/năm 2019. Sử Pán đang phấn đấu trở thành điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN trong năm 2020.

Những chuyển mình đầy triển vọng của Sử Pán hôm nay khiến chúng ta kỳ vọng về những gì mà mảnh đất, con người nơi đây đang hướng tới. Quả không sai khi ví mảnh đất này là ngôi làng cổ tích giữa biển mây, chứa đựng nhiều bí ẩn khiến ai cũng muốn khám phá.

Du ngoạn đỉnh Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc

Miền núi Tây Bắc luôn là địa điểm ưa thích cho hàng ngàn dân phượt thích khám phá ghé chân. Cảnh sơn cước nơi đây còn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Huệ ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN