Danh xưng Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới được trao cho Sơn Đoòng hoàn toàn xứng đáng với sự kỳ vĩ của một tuyệt phẩm thiên nhiên. Kể từ khi chính thức được tìm thấy năm 2009, Sơn Đoòng vẫn đầy bí ẩn, thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục khám phá, mới nhất là phát hiện đầy bất ngờ về hang ngầm dưới lòng Sơn Đoòng vừa công bố đầu tháng 4/2019.
Hang Sơn Đoòng tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình nằm trong quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng. Hình thành từ 2-5 triệu năm trước, Sơn Đoòng được tạo nên khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo đường đứt gãy.
Hai dòng sông ngầm lớn là Khe Ry và Rào Thương giao thoa với nhau hình thành nên Hang Sơn Đoòng. Hang nằm dọc theo đoạn đứt gãy địa lý rộng gần 100m của dãy Trường Sơn, góp phần tạo nên kích thước khổng lồ của Hang Sơn Đoòng.
Chiều rộng lên tới 150m, cao hơn 200m với chiều dài 9km, kích thước này đưa Sơn Đoòng vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu (Malaysia) để chiếm vị trị hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Câu chuyện phát hiện hang động này cũng đầy thú vị, bởi đáng lẽ Sơn Đoòng “lộ sáng” từ năm 1991 nhưng cuối cùng lại phải chờ đợi 18 năm sau để được ghi danh.
Năm đó, ông Hồ Khanh- một thợ sơn tràng vào rừng tìm trầm hương-trong một chuyến đi rừng gặp trận mưa lớn nên tìm nơi ẩn nấp. Ông chọn một vách đá để tạm lánh, bất ngờ thấy có hiện tượng mây mù bay lên rất nhiều từ cửa hang kèm theo tiếng gầm rú bên trong hang. Ông rất sợ nên bỏ đi ngay, bỏ lỡ cơ hội khám phá hang động lớn nhất thế giới.
Năm 2001, đoàn thám hiểm ông Howard Limbert đến Việt Nam, nhờ ông Khanh làm người dẫn đường. Ông Khanh mô tả lại hiện tượng làn sương phun ra từ bên trong hang kèm theo tiếng gầm rú. Với kinh nghiệm mấy chục năm thám hiểm hang động, ông Howard nhận định có thể đây có thể là một hang rất lớn.
Tuy nhiên phải tới năm 2009 sau nhiều lần thất bại, ông Hồ Khanh và đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động hoàng gia Anh mới chính thức xác định được hang Sơn Đoòng. Các nhà khoa học thám hiểm và công bố về Sơn Đoòng trong 2009-2010, chính thức đưa vào khai thác du lịch từ 2013.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thám hiểm và khoa học thế giới đánh giá cao Sơn Đoòng, ví nó là tác phẩm thiên nhiên tuyệt vời. Đó là nhờ hệ thống sông ngầm, các khối thạch nhũ khổng lồ, các hố sụt và giếng trời tự nhiên, các hóa thạch động vật, các loài cá và côn trùng độc đáo, thảm thực vật và các loài sinh vật kỳ lạ cùng sinh trưởng ngay trong hang.
Nếu núi đá vôi của hang động Phong Nha – Kẻ Bàng vào khoảng 400 triệu năm tuổi, trong khi của Hang Sơn Đoòng chỉ mới khoảng 3 triệu năm tuổi.
Những vết nứt trên trần hang bị ăn mòn, sụt lún tạo thành những hố sụt lớn thông ra bên ngoài. Những giọt nước từ trên trần hang hàng triệu năm tạo tác nên những viên “ngọc trai” hang động có kích cỡ như quả bóng chày.
Sơn Đoòng có hai giếng trời tự nhiên, nơi duy nhất có ánh sáng mặt trời chiếu vào giúp hình thành nên các hình dạng đá vôi độc đáo ví dụ như Phytokarst, cùng các loài thực vật và cây cối có thể phát triển trong hang.
Sự sụp đổ của trần hang cách đây hàng nghìn năm tạo nên các cửa sổ tự nhiên khổng lồ, nơi duy nhất cho phép ánh nắng mặt trời chiếu rọi bóng tối trong hang, tạo điều kiện cho cả một khu rừng nguyên sinh với những loài cây nhiệt đới cao lớn như dừa, cọ, thậm chí cả dương xỉ.
The Great Wall of Vietnam (Bức tường Việt Nam) là bức tường đá vôi cao 95m. Nằm ở cuối hang Sơn Đoòng, Bức tường Việt Nam được đánh giá là kiệt tác. Muốn chinh phục bức tường này, du khách phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ, sự hướng dẫn của chuyên gia rất nghiêm ngặt.
Dù khảo sát hang năm 2009, tuy nhiên tới 2010 các chuyên gia mới có thể vượt qua Bức tường Việt Nam, hoàn tất khảo sát Sơn Đoòng đồng thời tuyên bố đây là hang động lớn nhất thế giới.
Xung quanh bức tường này từng xôn xao ý tưởng lắp thang sắt bắt vào bức tường để du khách vượt qua dễ dàng, nhanh chóng nhận được sự phản hồi nhiều chiều. Quảng Bình từng phải rút kinh nghiệm về sự việc này.
Tưởng chừng như bí ẩn của hang Sơn Đoòng được các nhà khoa học khai phá, tuy nhiên chuyến thám hiểm mới nhất cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua đưa lại những phát hiện bất ngờ về hang ngầm bên dưới lòng sông ngầm trong hang.
Công ty Oxalis cùng Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) phối hợp với BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng mời các chuyên gia lặn hang động để khảo sát lần này, họ thuộc nhóm top 5 chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới.
Đó là ông Martin Holroyd - Chuyên gia BCRA cùng ba thành viên đã đóng góp lớn cho việc giải cứu thành công đội bóng nhí Lợn Hoang tại hang Tham Luông, Chiang Rai: Rick Stanton, Jason Mallinson và Chris Jewell, điều phối viên thiết bị lặn là bà Laura Jewell.
Các nhà thám hiểm phát hiện ra một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Ở độ sau này đã sâu hơn mực nước biển tại vị trí lặn. Tuy nhiên do thiết bị lặn chưa cho phép, nên các chuyên gia phải dừng lại và sẽ trở lại vào năm sau để tiếp tục thám hiểm hang ngầm ở độ sâu dự đoán trên 100m.
Với phát hiện này thì Hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối các chuyên gia hang động và các nhà khoa học, càng khiến Sơn Đoòng trở nên hấp dẫn cho những ai muốn chinh phục và tìm hiểu. Độ sâu của Hang Sơn Đoòng tăng lên hơn 500m tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng chưa được khám phá hết.
Kết quả khảo sát lần này đã mở ra một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 90m, đồng thời mở cách cửa cho các nhà thám hiểm hang động khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất.
Phong Nha- Kẻ Bàng vì thế vẫn là điều bí ẩn dành cho các nhà thám hiểm khám phá trong thời gian tới. Với gần 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh mới khảo sát được 30% Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Quảng Bình được mệnh danh “Vương quốc hang động” còn tiếp tục là điểm đến đáng mơ ước của du khách và các nhà khoa học quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |