Sinh vật nhiều người nuôi là"hóa thạch sống" từ siêu lục địa đã mất
Các nhà khoa học đã tìm ra nguồn gốc gây sốc của sinh vật ngập tràn trong tự nhiên lẫn được con người nuôi trên khắp thế giới: Chúng là "bạn" của khủng long trên siêu lục địa Gondwana.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi Đại học São Paulo của Brazil và Đại học bang Washington của Mỹ, cũng là hai quốc gia đang tồn tại trên mảnh đất từng là siêu lục địa Gondwana thời khủng long.
Sinh vật kỳ thú đó, một "hóa thạch sống" đã vượt qua đại tuyệt chủng do thiên thạch Chicxulub gây ra 66 triệu năm trước, chính là ong.
Một con ong 99 triệu năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn trong một miếng hổ phách Miến Điện (Myanmar) - Ảnh: ĐẠI HỌC OREGON (MỸ)
Trước đó, người ta chỉ biết rằng sự hợp tác giữa ong và cây cối - tức việc ong thụ phấn cho cây - đã xuất hiện 120 triệu năm trước, nhưng không thực sự chắc chắn về cách thức và thời điểm mà loài ong đã lan rộng trên toàn cầu.
TS Silas Bossert từ Đại học bang Washington, TS Eduardo Almeida từ Đại học São Paulo và các cộng sự đã giải trình tự và so sánh bộ gien của hơn 200 loài ong từ khắp nơi trên thế giới, theo Sci-News.
Họ so sánh chúng với các đặc điểm từ 185 hóa thạch ong khác nhau, bao gồm các loài đã tuyệt chủng.
Các bằng chứng này đã dẫn dắt đến nơi khởi nguồn của chúng: Vùng khô cằn ở phía Tây siêu lục địa Gondwana, trong thời kỳ đầu của kỷ Phấn Trắng (145-66 triệu năm trước).
Vào thời đại đó, thế giới chia thành 2 siêu lục địa: Laurasia ở phía Bắc và Gondwana ở phía Nam. Laurasia gồm châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ ngày nay; trong khi Gondwana bao trùm các lục địa hiện tại còn lại.
Sau một thời gian tồn tại, Gondwana bị tách đôi thành Tây Gondwana (gồm Nam Mỹ và châu Phi) và Đông Gondwana (châu Đại Dương và Nam Cực).
Loài ong đã nhanh chóng lan rộng trên siêu lục địa "quê hương" và cả phần còn lại của địa cầu, phân chia xong tất cả các họ ong lớn trước buổi bình minh của phân đại Đệ Tam, là thời kỳ chuyển tiếp cuối kỷ Phấn Trắng.
"Hóa thạch sống" của kỷ Phấn Trắng này đã sống khỏe sau cái chết hàng loạt của khủng long, tiếp tục lan rộng và lấp đầy các hốc sinh thái trong các kỷ Cổ Cận, Tân Cận, Đệ Tứ sau đó. Kỷ Đệ Tứ chính là kỷ địa chất mà chúng ta đang tồn tại.
Nghiên cứu thú vị này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.
Nhờ những kinh nghiệm trong quá trình sưu tầm đá mà cậu bé này biết được viên đá mình nhặt được rất bất thường.
Nguồn: [Link nguồn]