Sắc màu Hà Giang - vẻ đẹp quyến rũ nơi rẻo cao Đông Bắc

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Không chỉ gây ấn tượng với cảnh đẹp xuất sắc của những vạc đá tai mèo trải dài khắp các sườn đồi, con đường đèo quanh co uốn lượn, Hà Giang còn chiếm trọn trái tim du khách bởi những câu chuyện hào hùng của dân tộc qua các di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa độc đáo và nền ẩm thực mộc mạc nhưng đầy tinh tế.

Những sắc màu làm say đắm lòng người

Hà Giang đón đoàn chúng tôi bằng những tia nắng dịu nhẹ, khí hậu trong lành và mát mẻ, đẹp tựa cô gái tuổi đôi mươi. Thời gian này, tuy những thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang chưa vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín nhưng không phải vì thế mà kém sắc. Nơi đây vẫn đủ sức làm bao con tim xao xuyến bởi gam màu nâu ấm áp của đất đan xen với màu xanh mơn mởn của những cánh đồng ngô - một trong các loại lương thực chủ yếu của vùng "hoa mọc trên đá" này. Trên đường đi chúng tôi còn bắt gặp vẻ đẹp yêu kiều của hoa cải vàng, sắc đỏ của cây hoa gạo và màu hồng phấn quyến rũ của loài hoa mang tên "tam giác mạch" đang vươn mình lên trên phiến đá.

Đền Thác Cái

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình từ Hà Nội đến Hà Giang là đền Thác Cái (tỉnh Tuyên Quang) - một ngôi đền cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XV được bắt nguồn từ tục thờ Mẫu của người Lạc Việt từ xa xưa. Ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng, nằm ở chân một ngọn núi lớn, bên cạnh là dòng sông Lô với đá ghềnh hùng vĩ. Điểm nổi bật ở đền Thác Cái là cây Xui cổ thụ có tuổi đời gần 500 năm tuổi quanh năm che bóng mát.

Đền Thác Cái - Ảnh: Vietravel

Đền Thác Cái - Ảnh: Vietravel

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên

Rời đền Thác Cái, đoàn chúng tôi tiếp tục thẳng tiến đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ anh hùng đã hy sinh để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Cổng trời Quản Bạ

Cổng trời Quản Bạ là cửa ngõ đầu tiên và quan trọng nhất của Đồng Văn và cũng là nơi bắt đầu của con đường Hạnh Phúc. Để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn, đoàn phải leo qua 135 bậc thang dẫn đến đỉnh núi, hơi mệt chút nhưng thật sự rất xứng đáng. Bởi tại đây, tôi được phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh đẹp của thị trấn Tam Sơn và cả ngọn núi đôi Cô Tiên ngay bên dưới một cách rõ ràng nhất.

Quản Bạ - Ảnh: Vietravel

Quản Bạ - Ảnh: Vietravel

Khu nghỉ dưỡng H’mong Village

Thật khó có thể tin được tại xứ sở toàn đá và đá này lại có một nơi nghỉ dưỡng đẹp như H’mong Village. Nơi đây thu hút du khách bằng cảnh quan thiên nhiên đẹp tựa tranh vẽ.

H’mong Village - Ảnh: H’mong Village

H’mong Village - Ảnh: H’mong Village

Với diện tích khoảng 20 ha, H’mong Village được xây dựng với mong muốn phục dựng gần như nguyên bản lại kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, phía trước các khu nhà nghỉ là khoảng sân rộng, không gian lý tưởng để du khách được giao lưu, trải nghiệm văn hóa vùng cao với các hoạt động vui chơi thú vị như ném còn, đánh mảng…

Cột cờ Lũng Cú

Hành trình "Sắc màu Hà Giang" đưa chúng tôi đến với Cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc với lá cờ 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Đứng dưới chân cột cờ, trang nghiêm hành lễ chào cờ, cất cao giọng hát bài Quốc Ca bằng niềm tự hào dân tộc và không một ai có thể kiềm được cảm xúc khi đứng trước cột mốc thiêng liêng này.

Cột cờ Lũng Cú - Ảnh: Shutterstock

Cột cờ Lũng Cú - Ảnh: Shutterstock

Sau khi thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh đẹp, đoàn đã có những trải nghiệm tuyệt vời với các hoạt động thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô, tham quan cơ sở nấu rượu truyền thống, thêu thùa và vẽ sáp ong trên nền vải lanh…

Đèo Mã Pì Lèng

Dù thời tiết ở Hà Giang ngày thứ 3 có chút mưa phùn nhẹ nhưng cũng không thể làm chùn bước những đôi chân, trái tim yêu Hà Giang của đoàn chúng tôi. Chiếc xe vẫn chậm rãi lăn bánh qua từng khúc cua uốn lượn an toàn đưa chúng tôi đến với Mã Pì Lèng, một trong Tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc Việt Nam với chiều dài 24 km. Hơn thế nữa, trên Con Đường Hạnh Phúc này, chúng tôi còn được dịp ghé tham quan tượng Đài Thanh Niên và Bảo tàng Con Đường Hạnh Phúc. Đặc biệt là ngắm dòng sông Nho Quế xanh biêng biếc.

Sông Nho Quế - Ảnh: Shutterstock

Sông Nho Quế - Ảnh: Shutterstock

Dinh Vua Mèo

Khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương (Dinh Vua Mèo) là công trình đẹp, hiếm có và độc đáo nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Đoàn chúng tôi may mắn được gặp ông Vương Duy Bảo - cháu của Vua Mèo tận tình đưa đi tham quan khắp nhà và chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị. Toàn bộ Dinh thự được chia làm 3 cung Tiền, Trung, Hậu bao gồm 64 phòng. Bao quanh Dinh là vườn cây trái và các loại hoa rực rỡ, tô điểm thêm vẻ đẹp của Dinh thự.

Dinh Vua Mèo - Ảnh: Vietravel

Dinh Vua Mèo - Ảnh: Vietravel

Làng văn hóa Lũng Cẩm

Được mệnh danh là "đóa hoa hồng" trong lòng cao nguyên đá, làng văn hóa Lũng Cẩm - Thung lũng Sủng Là cuốn hút chúng tôi bằng vẻ đẹp hết sức bình dị, mộc mạc đặc trưng của làng quê ở Hà Giang. Dạo bước trên con đường nhỏ đơn sơ, những ngôi nhà trình tường của người H'Mông tại đây thật sự khiến tôi ấn tượng, nhất là ngôi nhà của Pao - nơi từng được chọn làm bối cảnh của bộ phim "Chuyện của Pao" đạt giải phim truyện nhựa xuất sắc nhất của Hội điện ảnh Việt Nam.

Làng Văn hóa Lũng Cẩm - Ảnh: Nguyên Phú

Làng Văn hóa Lũng Cẩm - Ảnh: Nguyên Phú

Làng văn hóa Thôn Tha

Rời Đồng Văn, về lại trung tâm thành phố Hà Giang, tại đây đoàn có dịp ghé thăm làng Thôn Tha của người Tày, một trong những ngôi làng đẹp nhất trên miền sơn cước, mang trong mình vẻ đẹp thanh bình, yên ả, với những nếp nhà sàn mộc mạc, cùng ruộng lúa, hàng tre xanh tốt…

Hành trình đến vùng đất "đá nở hoa" đã cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị. Những sắc màu mang đầy sức sống vùng sơn cước khi "cỏ chen đá, lá chen hoa" ấy sẽ mãi là kỷ niệm đẹp của tất cả thành viên trong đoàn.

Điểm du lịch dịp nghỉ lễ gần Hà Nội: Săn bướm ở Cúc Phương, ngắm trọn đất trời ở Hang Múa

Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài tới 4 ngày nên rất nhiều người dành thời gian để đi nghỉ dưỡng. Ngoài những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhi Trần ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN