Sa Mu - cung trekking 'đẹp như cổ tích'
Cung đường trekking đỉnh Sa Mu đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, nhiều cây cổ thụ to có hình dáng kỳ quái phủ đầy rêu xanh xuất hiện mờ ảo trong làn sương đầy ma mị.
Theo cổng thông tin điện tử huyện Bắc Yên, đỉnh Sa Mu - U Bò (thường gọi là đỉnh Sa Mu) có độ cao 2.890 m so với mực nước biển. Đỉnh này nằm cách thành phố Sơn La khoảng hơn 100 km, trên ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa - một phần kéo dài của dãy Hoàng Liên về phía Nam.
Cung đường trekking đỉnh Sa Mu có tổng chiều dài 15-20 km, tùy theo hướng xuất phát và hướng xuống, đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh mang nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, với đa dạng thực vật như rêu, đỗ quyên, lá phong, rừng trúc,...
Tháng 3 đến tháng 4 là mùa hoa đỗ quyên trong rừng Sa Mu nở rộ. Còn từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, lá phong từ xanh chuyển vàng, đỏ tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Thời điểm lý tưởng nhất cho chuyến trekking chinh phục đỉnh Sa Mu thường bắt đầu từ cuối tháng 10 sang đầu tháng 12. Lúc này thời tiết đã lạnh nhưng đổi lại có xu hướng khô ráo, ít mưa, đỡ vất vả cho du khách.
Đỉnh Sa Mu có độ khó được đánh giá 6/10 với nhiều dốc không gắt, nhưng dài. Du khách nên bắt đầu leo từ sáng sớm, nghỉ lại qua đêm ở lán rồi sáng hôm sau tiếp tục hành trình. Quãng đường từ lán nghỉ qua đêm đến đỉnh khoảng 1 km, địa hình dốc nên mất khoảng hơn một tiếng để đến đích. Nếu xuất phát vào khoảng 4 - 5h sáng, khi đến đỉnh có thể ngắm được biển mây và đón bình minh.
Nếu chọn hình thức cắm trại, bạn cần tìm hiểu kỹ về khoảng cách từ điểm dựng trại cho đến mốc cao 2756m nhằm phân chia thời gian, quãng đường trekking hợp lý, phù hợp thể lực.
Rừng nguyên sinh Sa Mu ấn tượng với nhiều gốc cây cổ thụ to, hình dáng kỳ lạ, rêu phủ quanh năm, được các trekker đặt tên cũng như lấy làm mốc như: cây nhền nhện, cây thần kỳ,... Càng lên cao, khí hậu và thảm thực vật càng đa dạng, thu hút sự hiếu kỳ của du khách.
Nắng chiếu len qua những tán cây cổ thụ khiến mọi thứ trở nên ma mị, nửa thực, nửa hư là khung cảnh mà hiếm thiết bị hiện đại nào có thể thu trọn.
Vào mùa đông, thời tiết trên núi cao lạnh buốt, nhiệt độ đêm giảm sâu, bạn nên mang theo áo gió, áo giữ nhiệt, mũ len. Tốt nhất du khách nên mặc quần gió có lót bông, bo gấu, có độ co giãn tốt để di chuyển đường dài được thoải mái, tránh côn trùng.
Khi leo núi, trekking đường dài, bạn nên đầu tư một đôi giày có chất lượng tốt, bám đường, rộng hơn cỡ chân khoảng 1-2 size để giảm bớt áp lực cho mũi chân. Ba lô nên sử dụng loại chống nước, có đệm đỡ lưng, đai nịt trước ngực nhằm giảm bớt trọng lượng.
Địa hình đồi núi không thực sự lý tưởng cho những người ưa độc hành, tốt nhất bạn nên đi theo các đơn vị tổ chức tour uy tín, có người kinh nghiệm dẫn đường.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô gái thuộc thế hệ GenZ Thảo Ly vừa có chuyến đi 2 ngày một đêm, bước vào khu rừng rêu và cây thần kỳ đầy mê hoặc và chinh phục đỉnh Samu cao 2.756m.