Run rẩy trước Con đường Đại dương Vĩ đại
Vẫn như xưa, giữa lòng đại dương miên man sóng trắng là 8 cấu trúc đá vôi nằm chơ vơ, với cột cao nhất vươn 40 m trên mặt biển.
Nhiều năm trước, khi mới tới Melbourne, thành phố tượng trưng cho văn hóa và lịch sử của nước Úc, tôi luôn nghe các sinh viên quốc tế xôn xao về vẻ đẹp của Great Ocean Road (tạm dịch: Con đường Đại dương Vĩ đại) cách Melbourne hơn 100km. Hai lần đến đó vào thời sinh viên là hai lần tôi bị vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy làm cho choáng ngợp. Bây giờ, sau mười mấy năm, tôi quyết định đưa gia đình mình về thăm lại chốn xưa. Nhưng, trái tim tôi giờ đã già cỗi hơn. Liệu trái tim ấy có còn run rẩy trước vẻ đẹp của một con đường đã trở thành huyền thoại?
Tắc đường kiểu Úc
Từ Melbourne, chúng tôi thuê xe ô tô tự lái. Sáng sớm ngày khởi hành, khi chúng tôi vẫn còn ăn sáng, ông Jim, người bạn Úc tốt bụng (cho cả gia đình chúng tôi tá túc những ngày qua), luôn miệng giục chúng tôi nhanh lên kẻo bị kẹt xe. “Tám giờ là giờ cao điểm. Mùa này đông xe lắm”, ông nói. Chúng tôi hối hả lên đường, cố gắng nhanh nhất nhưng chỉ có thể ra khỏi nhà đúng lúc tám giờ sáng. Xe chạy bon bon qua các con phố, qua các đại lộ, thẳng tiến về hướng Geelong. Tôi và ông xã nhìn nhau: “Ủa, kẹt xe đâu?”. Rồi cả hai đứa phì cười. Khái niệm “kẹt xe” ở Úc thật khác ở Việt Nam. Sau khi đã nếm mùi kẹt xe ở Hà Nội và Sài Gòn, với chúng tôi, những con đường nước Úc thật thông thoáng. Suốt ba tuần rong ruổi ở đây, tôi chẳng thấy kẹt xe ở đâu, dù người Úc có than thở, thở than thế nào chăng nữa.
Sau khi lái xe tầm 100 km, bên tay trái của chúng tôi, biển hiện ra xanh ắp, miên man. Những đợt sóng trắng xóa tràn lên các vách đá cheo leo, phủ đầy hoa dại. Tôi quay cửa kính, để cho mùi thơm dạt dào và hào phóng của biển tràn vào đầy lồng ngực. Thiên nhiên hiện ra thật hùng vĩ và kỳ ảo. Vậy là chúng tôi đang ở Great Ocean Road - một trong những con đường đẹp nhất nước Úc (và cả trên thế giới). Great Ocean Road còn đặc biệt ở chỗ nó được xây dựng bằng bàn tay và khối óc của hàng chục ngàn cựu chiến binh Úc - những người trở về sau Thế chiến thứ nhất. Được hoàn thành vào năm 1932, phần chính của Great Ocean Road chạy dài 243 km, với phần đẹp nhất nằm giữa Port Campbell và Peterborough. Đây cũng là một phần của Công viên quốc gia Port Campbell, nổi tiếng với quần thể cột đá vôi kì bí nằm chơ vơ giữa biển cả, đẹp đến nỗi người ta tôn vinh chúng với cái tên “12 tông đồ của Thiên Chúa” (12 Apostles). Nhưng trước khi đến với 12 tông đồ nổi tiếng ấy, chúng tôi có thể dừng chân ở vô vàn bãi tắm dọc theo con đường ven biển.
Nghe sóng vỗ dạt dào, để gió mơn man trên mặt, nếm mùi biển cả ngậy tê trên lưỡi. Ảnh: N.P.Q.M.
Giống và khác Cúc Phương
Dù không có thời gian ghé qua tất cả các nơi, nhưng chúng tôi có thể chạm tay vào biển và rừng bất cứ khi nào. Dừng xe bên đường, chúng tôi men theo một lối mòn xuống biển. Một quang cảnh hùng vĩ trải rộng trước mắt tôi. Biển và trời xanh thăm thẳm như tan biến vào nhau. Những vạt đồi đổ tràn xuống biển với màu xanh của cây cối, màu trắng, vàng, đỏ của hoa. Những bãi đá nhấp nhô điểm xuyết bằng những bãi cát mịn màng vàng óng, và những con sóng trắng xóa miên man. Hai con của tôi tung tăng giữa các mỏm đá, háo hức khám phá vô số ốc, cua và tảo biển.
Tiếp tục men theo Great Ocean Road, bỗng dưng xe chúng tôi lọt thỏm vào một không gian bạt ngàn rừng núi. Ven đường là các biển hướng dẫn chi tiết về những lối mòn vắt qua rừng mà khách du lịch có thể đi bộ thám hiểm. Chọn một địa điểm, chúng tôi đỗ xe vào bãi. Hai nhóc nhà tôi lập tức mở cửa xe, mất hút vào rừng. Đi theo các con, tôi bước vào một quần thể rừng mưa nhiệt đới gồm những cây dương xỉ lúp xúp mọc cạnh lối đi và những cây cọ cao vút. Tôi hít sâu mùi lá mục ẩm ướt vào lồng ngực, mắt hướng về phía những cây bạch đàn thẳng tắp. Nếu may mắn, tôi sẽ tìm thấy một con gấu túi koala vắt vẻo tít trên cao để nhấm nháp lá bạch đàn. Nhưng không thấy koala mà chỉ có nhiều loài chim đủ màu sắc đang chuyền cành, hót líu lo. Và có những thân cây to lớn với bộ rễ khổng lồ tạo thành những chiếc hang sâu và rộng, nơi mấy chục người có thể chen chân. Con trai của tôi chạy từ chiếc hang rễ cây này đến chiếc hang rễ cây khác, ríu rít chỉ cho tôi xem các hình thù ngộ nghĩnh của tự nhiên. Cảnh tượng ở đây thật tuyệt diệu, chẳng kém gì rừng quốc gia Cúc Phương. Tuy nhiên, khác với Cúc Phương, nơi đây chẳng có một cọng rác nào, và chẳng có ai để lại tên tuổi của mình trên các gốc hoặc thân cây cổ thụ như ở Cúc Phương.
Hoàng hôn bắt đầu buông, rủ xuống những cột đá vôi một màu vàng rực rỡ, mờ ảo trong màn sương mù. Tôi rút máy ảnh, mỏi tay níu giữ khoảnh khắc kỳ diệu này. Và trái tim tôi run rẩy, loạn nhịp như thời còn son trẻ. |
Sau một tiếng rưỡi đi bộ xuyên rừng, chúng tôi trở lại xe, bụng đã đói meo. Nửa tiếng sau, ghé vào một thị trấn nhỏ ven đường, tôi tìm một cửa hàng Fish and Chips (Cá và Khoai tây chiên). Là một trong những món ăn trứ danh của nước Anh, món cá và khoai tây chiên được “nhập khẩu” vào Úc từ thời Úc còn là thuộc địa của Anh. Nhưng chắc hẳn ăn món này ở Úc rất khác: cá tươi rói được đưa lên từ biển, lọc thành từng miếng phi-lê không có xương, nhúng vào bột đã pha sẵn với trứng, tiêu xay, muối, bia ướp lạnh hoặc buttermilk (sữa tươi ủ với men vi khuẩn acid lactic) rồi rán thật giòn.
Cầm những miếng cá và khoai tây nóng hổi trên tay, được gói gọn ghẽ trong giấy màu nâu, chúng tôi băng qua đường, tìm về hướng biển. Ngồi bệt trên cát dưới một lùm cây, tiếng sóng vỗ dạt dào bên tai, làn gió biển mơn man trên mặt, tôi nếm mùi biển cả ngậy tê trên lưỡi của mình. Tôi hiểu tại sao món cá và khoai tây chiên là món thức ăn nhanh khoái khẩu như thể ở Úc và ở đâu cũng thấy các cửa hàng Fish and Chips, đặc biệt là dọc theo bờ biển.
2 trong số 12 “tông đồ của Thiên Chúa”. Ảnh: N.P.Q.M.
“12 tông đồ của Thiên Chúa”
Ăn uống no nê, chúng tôi lên xe hướng về kỳ quan nổi tiếng của nước Úc - Công viên quốc gia Port Campbell và “12 tông đồ của Thiên Chúa”. Đây chính là nơi trái tim tôi loạn nhịp thời còn thiếu nữ, và tôi hồi hộp tự hỏi liệu con số 2 triệu khách du lịch đến đây mỗi năm liệu có làm tàn phai vẻ đẹp của một trong những địa danh mà tôi yêu thích nhất. Nhưng mọi băn khoăn của tôi lập tức tan biến cùng gió biển. Vẫn như xưa, giữa lòng đại dương miên man sóng trắng là 8 cấu trúc đá vôi nằm chơ vơ, với cột cao nhất vươn 40 m trên mặt biển. Dưới bầu trời xanh thẳm được điểm xuyết bằng những cụm mây trắng lờ lững trôi, những dải sóng ríu rít từ xa thẳm đại dương ùa về, tung mình vào những khối đá vôi chênh vênh, tạo thành màn sóng bạc trắng xóa. Tôi đứng như bị thôi miên trước vẻ đẹp của đất trời. Một màn sương mờ ảo đang phủ lên “những tông đồ của Thiên Chúa”, nơi ánh nắng mặt trời xuyên qua lung linh, màu nhiệm.
Đứng tại điểm tham quan có tầm nhìn bao quát, tôi ngắm nhìn hình thù kỳ lạ và sống động của những cột đá vôi: một chiếc buồm đang căng trên mặt nước, mặt một người phụ nữ đang hướng về phía biển, một ngọn tháp cao có thắt eo ở giữa, một quân cờ vuông được tạo hóa cắm vào lòng biển… Qua hàng ngàn năm, chính gió, mưa và sóng biển đã xói mòn những vách đá vôi mềm, tạo thành những hang động, rồi chúng sụt lở, để lại những cột đá vôi trên biển ngày nay. Trên mỗi chiếc cột, một số cây cối vẫn mọc tươi tốt, và sóng gió đã tạc nên những vòng tròn kỳ thú xung quanh những thân đá.
Không chỉ ngày nay, mà từ xa xưa lắm, quần thể đá vôi này đã nổi tiếng đến nỗi cách đây gần 100 năm, nó được đặt tên là “Heo mẹ và đàn heo con” (Sow and Piglets). Nhưng sau đó, vì sự hình thành kỳ diệu của nó làm người ta liên tưởng đến bàn tay thần kỳ của tạo hóa, nên quần thể được đổi tên thành “12 tông đồ của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vì tốc độ bào mòn của sóng rất lớn (những chiếc cột này bị bào mòn trung bình 2 cm mỗi năm), hiện chỉ còn 8 cột đá vôi chênh vênh trên mặt biển. Gần đây nhất, một chiếc cột cao 50 m sụp đổ ngày 3.7.2005.
Trên đầu tôi có tiếng trực thăng. Những ai rủng rỉnh tiền có thể thuê trực thăng để thị sát quần thể đá vôi. Theo chân những khách du lịch khác, chúng tôi men theo 86 bậc thang dẫn xuống bờ biển. Và kìa, những “tông đồ của Thiên Chúa” đang sừng sững ở đó, rất gần tôi, chỉ cách nơi tôi đứng vài chục mét. Sóng vẫn tung mình trắng xóa vào những cột đá vôi. Bãi biển nơi tôi đứng trải dài như vô tận, một bên là biển cả dào dạt sóng và gió, một bên là vách núi cao hơn 70m (trên đó là Con đường Đại dương Vĩ đại).