Rong chơi ở vùng đất hữu tình An Giang
Vùng đất ở miền Tây Nam bộ này mang những nét độc đáo rất riêng, cuốn hút bước chân bao du khách khám phá cho hết cảnh đẹp và ẩm thực An Giang.
An Giang được biết đến với vùng đất thiêng nổi tiếng với những ngôi chùa như chùa Hang, chùa Tà Pạ, miếu Bà Chúa Xứ… mang nét kiến trúc độc đáo và riêng biệt của người Khmer Nam Bộ. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chùa Hang.
Bên cạnh những ngôi chùa Khmer nổi tiếng, An Giang còn có thánh đường Hồi Giáo Jamiul Azhar tuyệt đẹp, điểm tô màu sắc độc đáo trong văn hoá của vùng đất sông nước Tây Nam bộ.
Ngoài gam màu đỏ, cam nổi bật của các ngôi chùa, vùng đất Thất Sơn này còn khoác lên mình màu xanh của những cánh đồng lúa cũng như cánh đồng thốt nốt xanh mát.
Thốt nốt là một loài cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Đến đây vui chơi, du khách nhất định nên thử nước thốt nốt - thức nước ngon ngọt. Để có được ly nước thốt nốt ngon lành phải trải qua quá trình rất kỳ công. Để lấy nước này, người dân đã phải cất công leo lên cây cao hàng chục mét và hứng từng giọt mật hoa của cây thốt nốt.
Một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất An Giang là rừng tràm Trà Sư. Du khách sẽ được trải nghiệm ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, len lỏi dưới tán tràm già mát mẻ, ngắm nhìn đám bèo cám thả mình theo dòng nước. Hòa mình vào khung cảnh thanh bình này, du khách như được thư thái tâm hồn, bỏ lại những mệt mỏi, phiền muộn của cuộc sống bên ngoài.
Nhắc đến An Giang, không chỉ có cảnh đẹp hữu tình mà ẩm thực nơi đây cũng mang nét độc đáo riêng, phong phú bởi có sự giao thoa văn hoá của các dân tộc Kinh - Khmer - Chăm và Hoa.
Các món ăn du khách nhất định phải thử khi đến với vùng đất Bảy Núi có thể kể đến như bún cá Châu Đốc, cơm tấm nhuyễn Long Xuyên, nước thốt nốt, gà đốt Ô Thum, bò 7 món, bánh xèo rau rừng, lẩu mắm cá linh mùa nước nổi...
Thốt nốt trái tim.
Không chỉ mang vẻ đẹp đặc trưng của miền sông nước Tây Nam bộ, An Giang còn sở hữu những độc đáo riêng làm say lòng du khách gần xa.
Là chàng trai quê ở Trà Vinh, Huỳnh Lâm Sơn Ca có hơn 1 năm sinh sống và làm việc ở An Giang. Cơ duyên đưa cậu đến với vùng đất Bảy Núi khi được công ty điều chuyển về đây làm việc. Thời gian 1 năm tại đây, anh chàng tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để khám phá vùng đất hữu tình An Giang.
Góc ảnh đẹp.
Chàng trai 28 tuổi nói với Tạp chí Du lịch TP HCM: “Dù là người con sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, những đồng lúa, con sông hay mái chèo có lẽ không còn lạ lẫm với mình. Nhưng vùng đất ở miền Tây Nam bộ - An Giang lại mang những nét độc đáo rất riêng, cuốn hút bước chân mình khám phá cho bằng hết cảnh đẹp và ẩm thực nơi đây”.
Sơn Ca có nhiều kỷ niệm khá vui ở vùng đất An Giang này. “Nhớ nhất có lẽ là lần mình cầm lái phóng thẳng lên dốc đứng chùa Tà Pạ, bởi nghe lời “thằng em thổ địa” An Giang rằng “Đúng rồi, chính xác đường này rồi” và y như rằng 1 đứa lái, 2-3 đứa còn lại phải đẩy mệt bở hơi tai mới lên được con dốc. Rồi vừa tức vừa buồn cười khi chặng xuống đi một đường khác dễ đi hơn - mới vỡ lẻ ra rằng “thằng em thổ địa” của mình chỉ nhầm đường lên”, Sơn Ca nhớ lại, kể.
Hay lần tin tưởng đi rừng tràm Trà Sư theo hướng dẫn của “chị Google” để rồi chị ấy chỉ Sơn Ca đi đường ruộng ngập toàn nước, may nhờ chạy theo anh nông dân người địa phương dễ thương và rất nhiệt tình chạy trước dẫn đường mới tới được rừng tràm an toàn.
Một năm sinh sống và làm việc nơi đây khiến cậu thêm yêu vùng đất yên bình với những hàng thốt nốt thẳng tấp bên những ngôi chùa Khmer màu sắc độc đáo, cùng với những món ăn ngon được kết hợp bởi sự giao thoa văn hóa của các dân tộc.
“Món làm mình thích mê và thèm mỗi khi nhắc đến là bún cá Châu Đốc - được ăn kèm với hột vịt lộn, thịt heo quay và rau muống bào nhuyễn. Món ăn mang hương vị rất riêng và đặc trưng mà mình đã thử nhiều hàng quán khắp Sài Gòn nhưng vẫn không tìm được đúng hương vị của bún cá Châu Đốc”, Sơn Ca chia sẻ.
Được sống và có thời gian quý báu trải nghiệm ở vùng đất hữu tình An Giang, Sơn Ca như cảm thấy tình yêu quê hương ngày càng lớn dần, yêu thêm từng nơi đã đi qua và mãi nhớ về mảnh đất Tây Nam bộ này.
Cổng trời.
Miếu Bà Chúa Xứ.
Lênh đênh ở rừng tràm Trà Sư.
Sơn Ca khám phá vùng đất hữu tình An Giang.
Không lộng lẫy, hoành tráng, nhưng "Chùa hàng còng" vẫn trở nên nổi tiếng và thu hút khách phương xa nhờ nét đẹp tự nhiên, giản dị vốn có tự bao đời ở vùng Bảy Núi...
Nguồn: [Link nguồn]