Quyến rũ vùng biên cương Bản Giốc
Trùng Khánh (Cao Bằng) mùa nào cũng đẹp, nhưng thu hút du khách nhất là “mùa vàng Bản Giốc”, thời điểm đầu đông, khi những thửa ruộng bên chân thác Bản Giốc ngả vàng trĩu bông.
Màu vàng óng ả của lúa chín cùng sắc xanh trong vắt của dòng sông Quây Sơn hòa quyện với những dải lụa trắng xóa của dòng thác Bản Giốc, tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt mỹ, hiếm nơi nào có được. Vào những ngày nắng đẹp, thăm thác vào buổi sáng sớm, bạn có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bảy sắc cầu vồng hiện hữu ngay trên đỉnh thác.
Sự kết hợp hài hòa của hơi nước và ánh sáng bình minh được tô điểm thêm bởi thảm thực vật và rêu xanh khu vực chân thác chính là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và lữ khách khi đến đây.
Được xem là thác nước đẹp và lớn thứ tư trên thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia, thác Bản Giốc là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Động Ngườm Ngao- được hình thành từ cách đây khoảng 300 triệu năm, là điểm tham quan du khách không thể bỏ qua tại khu vực huyện Trùng Khánh
Thác đổ nước xuống hòa vào dòng sông Quây Sơn, quyến rũ bởi màu nước xanh ngọc, trong ngần. Du khách đi thuyền ngược sông Quây Sơn đến ngay dưới chân thác chính để thỏa cảm giác về sự hùng vĩ, khi bên tai lắng nghe tiếng thác đổ ầm ào không ngớt, ngẩng mặt lên trời sảng khoái đón nhận từng đợt nước phun bắn vào người.
Cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 4km, động Ngườm Ngao là điểm tham quan du khách không thể bỏ qua tại khu vực huyện Trùng Khánh. Nằm trong lòng một quả núi, hang động được hình thành từ cách đây khoảng 300 triệu năm.
Làng đá cổ Khuổi Ky, tên gọi trong tiếng Tày nghĩa là “dòng suối nhỏ”, nằm trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc với những ngôi nhà đều được làm hoàn toàn bằng đá
Năm 2021, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức kỷ niệm 100 năm động Ngườm Ngao được phát hiện. Trong động có nhiều nhũ đá và măng đá mang nhiều hình thù độc đáo như hoa sen, linga, suối tóc thiếu nữ, cung điện nguy nga... Bạn phải mất ít nhất là 1 tiếng rưỡi để khám phá mê cung kỳ bí có tổng chiều dài lên đến 2.144m này.
Trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc còn có làng đá cổ Khuổi Ky, tên gọi trong tiếng Tày nghĩa là “dòng suối nhỏ”, nằm ngay trên đường vào động Ngườm Ngao. Theo sử liệu, làng có từ thời Mạc (1594-1677) lúc quân nhà Mạc lên vùng biên ải này lập đồn lũy phòng thủ. Điều đặc biệt ở đây là những ngôi nhà đều được làm hoàn toàn bằng đá theo lối kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người dân tộc Tày bản địa.
Thác bản Giốc được xem là thác nước đẹp và lớn thứ tư trên thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia
Trải rộng trên diện tích khoảng 10.000m2, làng đá Khuổi Ky hiện có khoảng 14-15 ngôi nhà đá, trong đó những ngôi nhà lợp ngói âm dương là nhà cổ, còn những nhà còn lại được làm mới để phục vụ khách du lịch theo hình thức homestay.
“Nhà sàn bằng đá vào mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Mấy năm trước có động đất, tường nhà vẫn y nguyên, không bị nứt”, anh Nông Thơ, chủ homestay Quang Thuận trong khu làng đá cho biết. Làng đá nếu được đầu tư, quy hoạch bài bản hơn sẽ tạo thành một không gian cổ tích, một điểm nhấn du lịch thú vị tại Trùng Khánh.
Du khách đi thuyền ngược sông Quây Sơn đến ngay dưới chân thác chính để thỏa cảm giác về sự hùng vĩ
Gần thác Bản Giốc có một điểm du lịch đặc biệt, dù mới được khánh thành vào cuối năm 2014 nhưng lại vô cùng thiêng liêng, đó là Thiền viện Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, bởi chùa không chỉ là chốn tâm linh mà còn mang ý nghĩa hộ quốc. Chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằm, mặt hướng về phía xa thác Bản Giốc. Lên chùa nghe âm vang tiếng chuông như nghe cả hồn thiêng sông núi.
Cao Bằng là một tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ. Đến với Cao Bằng, đến với thác Bản Giốc là hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa ban tặng, trải nghiệm đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người dân bản địa. Và bạn hãy tận hưởng trọn vẹn điều đó.
Nếu chọn khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc làm điểm lưu trú khi đi du lịch tại tuyến điểm Trùng Khánh, Cao Bằng, bạn sẽ có cảm giác đặc biệt khi được ngủ ngay trên tuyến biên giới Việt - Trung.
30 ngày là khoảng thời gian không dài nhưng không quá ngắn, đủ để Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chiếm một vị trí quan trọng trong lòng cô gái Bắc Ninh.
Nguồn: [Link nguồn]