Quảng Nam: Quán cà phê bằng đá ong và toàn đồ bỏ đi
Toàn những thứ đồ bỏ đi nhưng được ông mua và sưu tầm về trang trí trong quán cà phê. Từ những thứ đồ này đã giúp quán cà phê rất đông khách và là địa điểm check-in của nhiều bạn trẻ.
Nằm cách Trung tâm TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) tầm 2km ngược về dưới biển Tam Thanh và cách Khu tượng Đài Mẹ Việt Nam khoảng 1km, quán cà phê Son nằm cạnh Ủy ban phường An Phú đã tạo ra một không gian khác biệt và "độc nhất vô nhị", làm ai cũng nhứt mắt.
Quán cà phê Son được xây dựng toàn bằng đá ong, đồ vật bỏ đi.
Dường như tại TP.Tam Kỳ chỉ duy nhất có một quán cà phê được xây dựng toàn bằng đá tổ ong (loại đá cứng, chắc như tổ ong). Đá này được đào thủ công bằng tay, nằm ở độ sâu âm dưới lòng đất khoảng vài mét đất.
Muốn chẻ, đục từng viên đá ong để xây nhà, người thợ phải tốn rất nhiều công sức, thời gian. Còn để xây được ngôi nhà bằng đá ong, ông Ngô Đúng (chủ quán cà phê Son) phải tốn gần 3 năm để sưu tầm đủ số lượng đá ong.
Không gian thoáng mát của quán cà phê Son bằng đá ong và vật dụng cũ.
"Có đá xong rồi, muốn xây thành ngôi nhà phải tốn thời gian khoảng vài ba tháng mới xong, vì mỗi viên đá ong có trọng lượng từ 5kg đến cả 10kg. Mỗi ngày, người thợ xây dựng xây được khoảng một bức tường nhỏ vài chục viên. Nếu xây số lượng nhiều thì dễ sụp tường vì độ nặng của đá.
Quán tôi tầm 25m2 nhưng xây dựng trong thời gian hơn 5 tháng trời…", ông Đúng chia sẻ.
Những vật dụng cũ bỏ đi được ông chủ quán cà phê Son thu mua, sưu tầm về để trang trí tại quán, trông rất bắt mắt.
Không chỉ xây dựng trung tâm quán cà phê bằng đá ong, mà ngay từ cổng vào quán đến sân, nơi chế cà phê cũng được ông Đúng làm bằng đá ong toàn bộ. Bên cạnh đó là những vật dụng đồ "nhà nông" như cối đá, cối xay bột, chum, ché, thúng đựng lúa… đều được trang trí một cách tỉ mỉ, công phu làm khách bất ngờ về sự độc lạ của quán cà phê Son.
Những chiếc bàn cà phê được làm bằng bàn máy may, ghế tre của nhà nông.
Việc xây dựng quán cà phê bằng đồ "tái chế" của ông Đúng không đơn thuần chỉ là việc nhặt nhạnh những đồ cũ, đồ bỏ, mà còn phải dựa trên 3 tiêu chí là độc đáo, là đồ tái chế và có thể tự làm. Có thể nói quán cà phê Son có đến 90% là đồ cũ, đồ tái chế. Chính điều này đã giúp ông Đúng tạo ra được một quán cà phê "độc nhất vô nhị" ở Tam Kỳ.
Cối đá, chum, toàn bộ đồ đều được ông Đúng sưu tầm về trang trí cho không gian quán.
Chia sẻ về ý tưởng độc lạ xây quán cà phê toàn bằng đá ong và sưu tầm đồ cũ, đồ bỏ đi về trang trí quán, ông Đúng nói ông đi rất nhiều nơi, từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền núi, nhưng đi đến đâu cũng thấy các quán cà phê toàn theo phong cách hiện đại, theo lối trẻ hóa. Còn tuổi già như ông tìm quán cà phê để được thư giản, giải trí rất khó khăn. Từ ý tưởng đó, ông Đúng quyết định mở một quán cà phê theo phong cách riêng của tuổi già.
Quán cà phê không những thu hút người lớn tuổi, mà còn được nhiều bạn trẻ tìm đến để check-in.
"Phải mất nhiều năm sưu tầm đủ vật dụng, đến năm 2017, tôi mới chính thức triển khai xây dựng, để hoàn thành quán cà phê như mong ước phải hơn 1 năm sau. Quán xong rồi, mình phải tìm những vật dụng sao cho hợp với phong cách cũ, cổ. Cái quan trọng nữa đó là đồ vật trang trí, thế là tôi lặn lội khắp nơi sưu tầm, mua cho được những thứ như ghế gỗ, bàn máy may xưa, đèn, ly tách, máy cày cũ, máy tuốt, bánh xe, bóng đèn, đến những chai thủy tinh…", ông Đúng chia sẻ.
Ông Ngô Đúng chủ quán chia sẻ về quán cà phê "độc nhất vô nhị" mà ông tự tay thiết kế.
Đang nhâm nhi ly cà phê với các ông bạn già, ông Đúng nói thêm mình mở quán cà phê này nhằm mục đích cho các người lớn tuổi thưởng thức không gian yên tĩnh, thư giãn. Nhưng không chỉ có người lớn tuổi đến quán, mà quán của ông còn thu hút rất nhiều bạn trẻ khắp nơi tìm về để tận hưởng không gian "thế giới đồ cũ" và check-in.
Nhiều đồ nhà nông cũng được trang trí tại quán khiến nhiều bạn trẻ thích thú đến check-in.
Một người khách cho biết đến với quán cà phê Son không phải để thưởng thức cà phê, mà còn để tận hưởng không gian, mát mẻ, thoáng đãng và được chiêm ngưỡng, ngắm và tận tay sờ những vật dụng mà tưởng chừng đã bị vứt bỏ đi, nhưng nó có một ý nghĩa quan trọng để tưởng nhớ lại thời xưa, một thời những đồ vật dụng này được làm bằng chính đôi tay của người nông dân.
"Có thể nói không có thứ gì bằng đồ cổ, đồ cũ. Dù nó cũ đối với những người hiện đại, nhưng đối với những ông bạn già như chúng tôi, nó có ý nghĩa rất lớn. Nó như giúp chúng tôi nhớ về một kí ức tuổi thơ ngày nào. Cảm ơn ông bạn già Ngô Đúng đã nung nấu một ý tưởng nhớ về lại ký ức cho nhưng người tuổi già…", một vị khách chia sẻ.
Bạn mê phong cách bán cổ điển ấn tượng hay phong cách vui nhộn kiểu "ấu thơ trong tôi là...", phong cách nào Sài Gòn...
Nguồn: [Link nguồn]