Phong lưu chợ tình Khau Vai

Mùa nào ở vùng cao nguyên đá Hà Giang cũng đẹp, một vẻ đẹp rất riêng của đá mà không nơi nào ở Việt Nam có được.

Nhưng có một mùa, mà đá ở đây đẹp hơn cả, mùa Xuân, mùa của phiên chợ tình đã đi vào huyền thoại, chợ tình Khau Vai, phiên chợ họp vào ngày 27.3 (âm lịch) mỗi năm. 

Chợ tình Khau Vai còn được gọi là “chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, (Mèo Vạc, Hà Giang). Nhắc đến Khau Vai là nhắc tới sự lỡ dở và đoàn tụ; sự mòn mỏi đợi trông và nghẹn ngào gặp lại của tình yêu đôi lứa. 

Sự tích được bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Vì sự xung khắc giữa hai dân tộc mà hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về bản của mình, họ hẹn thề kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hứa với nhau hằng năm nhớ ngày chia tay này sẽ trở lại núi Khau Vai để gặp nhau.

Phong lưu chợ tình Khau Vai - 1

Chợ tình Khâu Vai

Câu chuyện đã trôi qua biết bao mùa rẫy, nhưng nỗi xót xa, quặn thắt về mối tình dang dở vẫn như đang lẩn quất đâu đây. Gọi là chợ, nhưng đó không là phải nơi để buôn bán hàng hóa đúng nghĩa thông thường mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp “chợ”. 

Ẩn sâu bên trong chợ là niềm yêu thương của những mối tình trắc trở khiến tiếng đàn môi thêm khắc khoải, lời hát đối của những chàng trai cô gái người Tày, người Giáy, người Nùng thêm da diết. Và ngoài xa kia, những vó ngựa lưng đồi chợt thêm giục giã bâng khuâng.

Chuyện kể rằng, có nhiều người đã lên ông lên bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày này để đến chợ bởi có những câu chuyện tình, dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa trĩu bông mà vẫn chưa nguôi se sắt. 

Họ đợi mong đến mùa Xuân, khi những cơn gió lạnh cuối cùng rủ nhau tìm chỗ trốn, khi hoa lê, hoa mận, hoa đào vừa rụng những cánh cuối cùng để kết thành quả ngọt, để tìm về với chợ tình Khau Vai… Họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. 

Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ, giống như vợ chồng anh Hoàng Văn Nghiên và chị Mua Thị Xinh ở xã Tát Ngà. 

Anh Nghiên kể: “Năm nào vợ chồng mình cũng đi chợ tình. Háo hức lắm, chờ đợi lắm. Vợ mình thức suốt đêm, đồ xôi gà rồi gói cho mỗi người một gói bỏ vào túi. Đến 3 giờ sáng ngày 26.3 là bắt đầu lên đường, đi bộ suốt đêm, sáng thì đến nơi. Chiều tối và sáng hôm sau, mỗi người sẽ đi gặp bạn của mình mà không ai làm phiền đến ai. Đêm mai sẽ lại về nhà mình. Chị Xinh tiếp lời chồng: “Người dân tộc chúng mình đi chợ gặp bạn để tâm sự, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống thôi, không như người Kinh nghĩ đâu. Hoàn toàn không có chuyện phản bội chồng (vợ) ớ”. 

Bởi người dân tộc rất trọng tình, trọng nghĩa, nên rất ít các vụ ly hôn hay ngoại tình xảy ra ở nơi đây. Bà con dân tộc thường hay kể về các vụ đoạn tình khi một trong hai vợ chồng phát hiện chồng mình có quan hệ với người khác, thì có thể người kia sẽ ăn lá ngón để tự vẫn. 

Vào khoảng 16 giờ chiều ngày 26.3 âm lịch, từng đoàn người nô nức hướng về “chợ tình” trong sắc mặt rạng rỡ. Có lẽ sau một năm trời làm lụng vất vả, hiếm có lúc nào mà trai gái, người già, người trẻ trên cao nguyên đá lại có một dịp để tụ hội như ở chốn này. Đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ của chồng mình. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê San (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN