Phát hiện thứ hiện đại bất ngờ trong mộ nữ pharaoh đầu tiên của Ai Cập

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Một khám phá tại nghĩa trang Umm El Qaʻāb ở Abydos đã cung cấp thêm mảnh ghép quan trọng về Nữ hoàng Ai Cập Merneith, người cai trị thực sự của Vương triều thứ nhất 5.000 năm trước.

Theo Ancient Origins, khám phá mới gồm hàng trăm chiếc bình được bịt kín, được cho là chứa tàn tích của... rượu vang cổ. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy gần những chiếc bình hàng loạt cổ vật quan trọng góp phần làm sáng tỏ cuộc đời của Nữ hoàng Merneith.

Hàng trăm chiếc bình vừa được khai quật tại lăng mộ Nữ hoàng Merneith - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Hàng trăm chiếc bình vừa được khai quật tại lăng mộ Nữ hoàng Merneith - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Merneith là nữ hoàng nhiếp chính của Vương triều thứ nhất, là vương triều khai sinh ra nền văn minh Ai Cập lừng lẫy. Theo một số ghi chép chính thức, bà mới là người cai trị thực sự của vương triều này và vẫn được xem như nữ pharaoh đầu tiên của Ai Cập.

Một bức ảnh đồ họa mô tả Nữ hoàng Merneith - Ảnh: EGYPT TODAY

Một bức ảnh đồ họa mô tả Nữ hoàng Merneith - Ảnh: EGYPT TODAY

Theo TS Mustafa Waziri, Tổng thư ký Hội đồng Khảo cổ học tối cao thuộc Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập, những chiếc bình được tìm thấy trong tình trạng tuyệt vời với rượu vang 5.000 tuổi bên trong.

Trong khi TS Dietersh Rao, Giám đốc Viện Đức ở Cairo - Ai Cập cho biết họ còn tìm thấy tấm bia mộ của Nữ hoàng Merneith, với dòng chữ khắc như lời minh chứng rõ ràng cho ngôi vị "nữ pharaoh" của bà.

Những dòng chữ ca ngợi bà có một "ngôi vị tuyệt vời khi phụ trách các văn phòng của chính quyền trung ương".

Bên cạnh những bình rượu mà việc phân tích chúng sẽ giúp giải mã nền công nghiệp rượu vang "vượt thời gian" ở Ai Cập cổ đại, người ta còn tìm thấy nhiều món đồ tùy táng quan trọng khác giúp làm sáng tỏ các nghi lễ, phong tục chôn cất từ thời kỳ rất xa xưa này.

Với người Ai Cập, đây là một phát hiện cực kỳ quý giá bởi Merneith là vị nữ hoàng Ai Cập được tôn sùng và bao vây bởi nhiều huyền thoại

Tên của bà gắn liền với nữ thần Neith, có nghĩa là "Người được Neith yêu quý". Người ta tin rằng bà đã nắm quyền lực ở Ai Cập khoảng năm 3050-3000 trước Công Nguyên, sau cái chết của chồng bà là Djet, vì con trai của họ còn quá nhỏ để lên ngôi.

Pharaoh Djet là vị pharaoh thứ 3 hoặc 4 của Vương triều thứ nhất thuộc Cổ Vương quốc Ai Cập, là giai đoạn nền văn minh Ai Cập "bùng nổ", đặt nền móng cho Trung Vương quốc và Tân Vương quốc sau này.

Các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về việc Nữ hoàng Merneith là nữ pharaoh thứ nhất hay thứ hai của Vương triều thứ nhất Cổ vương quốc Ai Cập, bởi một số nhà Ai Cập học lập luận rằng Nữ hoàng Neithhotep trước đó có thể cũng từng cai trị theo cách nhiếp chính và mới là nữ pharaoh đầu tiên.

Tuy nhiên khác với Neithhotep, các bằng chứng về sự cai trị của Nữ hoàng Merneith rõ ràng, khi lăng mộ của bà nằm giữa lăng mộ của những pharaoh nam giới khác, với tên Merneith được khắc lên theo cách người ta khắc tên một người cai trị.

Sơ đồ quần thể lăng mộ của Nữ hoàng Merneith - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Sơ đồ quần thể lăng mộ của Nữ hoàng Merneith - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Các hiện vật khác có khắc tên bà, bao gồm các lọ, bình đá và con dấu, cũng như các bình rượu vừa được tìm thấy đã củng cố thêm điều đó, bởi đó là điều mà người Ai Cập làm đối với pharaoh của họ chứ không phải đối với người chỉ là nữ hoàng phối ngẫu.

Một bằng chứng khác đã xuất hiện trước đó trong lăng mộ của pharaoh Den, là một bản danh sách cổ đại liệt kê những người cai trị của Vương triều thứ nhất với tước hiệu riêng, bao gồm Nữ hoàng Merneith.

Đào đường, nhóm công nhân ”đụng độ” 8 xác ướp

Trong quá trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt mới ở thủ đô Lima - Peru, công nhân phát hiện một loạt ngôi mộ cổ, bên trong có 8 xác ướp và nhiều hiện vật quý giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN