Phát hiện mộ Homo sapiens cổ xưa nhất thế giới, như "vượt thời gian"
Một ngôi mộ 78.000 năm tuổi nằm sâu trong hang động Panga ya Saidi là bằng chứng đầu tiên về việc loài người hiện đại Homo sapiens biết chôn cất đồng loại.
Theo Science Alert, điều gây bất ngờ nhất là tình trạng hài cốt trong mộ như "vượt thời gian", mới nhìn qua sẽ tưởng nó mới hơn nhiều so với niên đại 78.000 năm. Đó là ngôi mộ của một đứa trẻ 3 tuổi, được các nhà khảo cổ đặt tên là Mtoto (tức "đứa trẻ" trong tiếng Swahili).
Hang Panga ya Saidi - Ảnh: Mohammad Javad Shoaee
Đứa bé an nghỉ trong hang Panga ya Saidi ở Kenya. Hài cốt còn nguyên vẹn đáng ngạc nhiên, với khớp nối hoàn hảo của hàm, xương sống và xương sườn, thậm chí độ cong của lồng ngực.
Thông thường với bộ xương mỏng manh của trẻ em và thời gian quá lâu như vậy, hài cốt thường bị vụn vỡ và không còn nguyên vẹn. Nhưng có thể thổ nhưỡng đặc biệt của nơi này, cộng với sự kín tuyệt đối của ngôi mộ cổ nằm sâu 3 mét dưới đáy hang động đã tạo nên hiệu ứng "vượt thời gian". Hài cốt được đưa về Viện Nghiên cứu Quốc gia về Tiến hóa Con người (CENIEH) ở Tây Ban Nha để phân tích.
Bộ hài cốt trong ngôi mộ cổ 78.000 năm tuổi - Ảnh: Jorge González/Elena Santos
Theo Sci-tech Daily, với niên đại 78.000 năm, đây là ngôi mộ lâu đời nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người hiện đại, tức loài Homo sapiens. Ngày nay Homo sapiens là toàn bộ nhân loại nhưng trước đây đã có vô số loài người cùng tồn tại trên Trái Đất.
Với ngôi mộ này, các công cụ đá đặc trưng Homo sapiens được tìm thấy quanh đó đã giúp xác định loài của đứa bé.
Tái hiện cách đứa bé được chôn cất - Ảnh: Fernando Fueyo
Còn kỷ lục về ngôi mộ lâu đời nhất – tức người chết được chôn cất có chủ ý chứ không phải hài cốt vô tình nằm lẫn trong trầm tích – lên đến 800.000 năm, nhưng thuộc về loài khác của chi Người. Các loài người biết chôn cất đồng loại sớm nhất có thể kể đến Homo antecessor, Homo naledi, and Homo neanderthalis (tức người Neanderthals).
Nhà khảo cổ học Nicole Boivin từ Viện Max Planck về Khoa học lịch sử nhân loại (Đức) cho biết: "Địa điểm này thực sự có một không hai. Các cuộc khai quật tại Panga ya Saidi đã giúp nó trở thành một địa điểm quan trọng của bờ biển Đông Phi, với một hồ sơ đặc biệt 78.000 năm về văn hóa, công nghệ và các hoạt động mang tính biểu tượng".
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi khai thác một mỏ muối cổ xưa ở Iran, người ta đã tìm thấy nhiều xác ướp "người muối" được bảo quản...