Phát hiện bất ngờ từ sinh vật 5 tay, 480 triệu tuổi "niêm phong" trong đá
Các nhà khoa học Anh cho biết đó là sinh vật hiện đại đầu tiên của Trái Đất, đã tiến hóa đến mức gần như y hệt ngày nay.
Công trình nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện ra một hóa thạch nguyên vẹn đến kinh ngạc được giấu kín trong đá ở dãy núi Anti-Atlas của Morocco. Cơ thể phức tạp với những cánh tay đầy lông "giống như mặc bộ đồ ren" được xác định đã 480 triệu năm tuổi, chính là họ hàng của sao biển ngày nay.
"Chân dung" sinh vật cổ đại được bảo tồn ở mức đáng ngạc nhiên trong đá - Ảnh: Claude Bernard University Lyon
Theo bài công bố trên Biology Letters, điều gây sốc nhất là sinh vật này không hề mang các đặc điểm tương tự họ hàng cùng thời, mà có vẻ ngoài... gần như y hệt sao biển hiện đại. Chúng là sản phẩm của "Sự kiện đa dạng hóa sinh học Ordovic", xảy ra trong kỷ Ordovic (từ khoảng 485 đến 455 triệu năm trước), thuộc đại Cổ Sinh của Trái Đất. "Nếu như bạn lặn xuống đáy biển Ordovic, bạn sẽ không nhận ra bất cứ sinh vật nào ngoại trừ sao biển" - tác giả chính, nhà khoa học Trái Đất Aaron Hunter từ Đại học Cambridge, cho biết.
Nếu xét về cấu trúc chi tiết bên trong cơ thể, nó vẫn khác sao biển hiện đại 60%. Nhưng với vẻ ngoài và cấu trúc cơ bản gần như "song sinh", có thể nói nó đã đạt được độ tiến hóa vượt bậc so với các loài khác và có thể chính là giống loài đầu tiên sở hữu cánh tay linh hoạt.
Theo Sci-tech Daily, sinh vật này đồng thời là mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử phát triển của loài sao biển cũng như của động vật thân mềm nói chung mà các nhà khoa học bấy lâu tìm kiếm, bởi một thân thể mềm mại được bảo quản toàn vẹn là cực kỳ hiếm gặp. Thông thường, hóa thạch thời kỳ này chủ yếu được lưu giữ đến thời nay là phần vỏ của những sinh vật có vỏ cứng.
Các tác giả đã đặt tên sinh vật mới phát hiện là Cantabrigiater fezouataensis.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ lạc Himba nổi tiếng là những người chăn gia súc duyên dáng, rất chú trọng làm đẹp bằng đất đỏ, cùng bí quyết...