Nơi lưu giữ những giá trị cuối cùng của văn hóa Việt cổ

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Dọc theo sông Hồng về phía Tây, cách Thủ đô Hà Nội chừng 50km có một ngôi làng cổ của người Việt - Đường Lâm. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống, kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm trước, tận hưởng bức tranh cuộc sống yên bình qua những cảnh vật hiếm có ở mảnh đất Hà thành.

Tại Đường Lâm có 1 ngôi nhà được UNESCO công nhận là ngôi nhà được giữ nguyên trạng nhất ở làng cổ Đường Lâm với tuổi đời 369 năm. Tại đây, nhiều nét đẹp của một Hà Nội xưa vẫn còn được lưu giữ.

Đến Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), khách du lịch như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, tách biệt hẳn với cuộc sống ồn ã thường ngày. Đến Đường Lâm là đến thưởng thức, sống lại những nét đặc trưng của một làng Việt truyền thống với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, đình làng... 

Làng cổ Đường Lâm là đặc trưng cho làng Việt truyền thống cũng bởi nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều nhà cổ, những ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1600, 1700 và 1800 nhưng vẫn còn rất nguyên vẹn. 

Để bảo tồn những ngôi nhà này là công sức không ngừng nghỉ của Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm nói riêng, của tập thể lãnh đạo xã Đường Lâm và lãnh đạo Hà Nội nói chung. Đó là những con người đã ngày đêm tìm cách sửa chữa, bảo tồn những ngôi nhà cổ làm thế nào được nguyên vẹn nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống của những gia đình đang sống tại đây.

Nơi lưu giữ những giá trị cuối cùng của văn hóa Việt cổ - 1

Đình làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1684 dưới đời vua Lê Hiển Tông. Đình mang một lối kiến trúc cổ đậm bản sắc của người Việt xưa, được thiết kế theo kiểu chữ Công.

Ngày 19 tháng 5 năm 2006, làng cổ Đường Lâm đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào đối với người dân Đường Lâm nói riêng và lãnh đạo Ban Quản lý, xã Đường Lâm nói chung. Việc công nhận Đường Lâm là Di tích lịch sử văn hoá đã đưa ngôi làng này lên một vị thế mới, có ý nghĩa đặc biệt về du lịch và giáo dục lịch sử, văn hoá của dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay.

Không những là nơi có nhiều nhà cổ, Đường Lâm còn là cái tên gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, là nơi được mệnh danh là đất "hai vua" - nơi sinh thành của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Nơi đây còn có nhiều dòng họ “trâm anh thế phiệt,” sinh ra các bậc nhân tài. Các nghề gia truyền, các món ăn truyền thống ở Đường Lâm tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc sắc hút thực khách đến với làng cổ như: tương, chè lam, chè kho, gà Mía, kẹo...

Theo thống kê của Ban quản lý làng cổ Đường Lâm, hiện tại có tổng số 956 ngôi nhà cổ, tất cả đều được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, gạch đất nung, ngói, với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian; đó đều là những vật liệu truyền thống được dân tộc ta sử dụng để xây nhà trong hàng nghìn năm qua. 956 ngôi nhà tập trung chủ yếu ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh, trong đó cổ nhất là ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1961) đã được UNESCO công nhận là ngôi nhà còn giữ nguyên hiện trạng nhất của Đường Lâm với 369 năm tuổi.

Đầu tiên, phải nói đến lai lịch cái tên "Mông Phụ" bởi đây là nơi khá đặc biệt. Mông Phụ là từ ghép của hai địa danh nằm tại làng Đường Lâm là đồi Mông Sơn và gò Khúc Phụ (theo hương ước thôn Mông Phụ). Đình làng Mông Phụ theo tương truyền được xây dựng trên trán con rồng, hai mắt là hai cái giếng, cái to cái bé nên đầu rồng có vẻ đang nhìn nghiêng, còn 6 chiếc râu rồng là sáu ngõ nằm chính diện đình.

Thật sự, khi bước vào nhà ông Hùng, tôi có cảm giác như đang ở trong một thế giới khác lạ. Mọi thứ yên tĩnh đến lạ thường, từng viên gạch, từng viên ngói ở đây dường như cũng biết nghe, biết nói, mọi thứ ở ngôi nhà này như có linh hồn. Sự ví von này không phải là quá đáng khi tất cả ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn như từ gần 400 năm trước. 

Tôi bước vào nhà và ngay lập tức trong đầu hiện lên vô vàn hình ảnh do bản thân tưởng tượng ra về những con người, những sinh hoạt thường ngày đã từng diễn ra ở đây, thậm chí còn cả con chó, con mèo, cả cụ già vấn khăn nâu vứt thóc cho gà ăn ở giữa sân... Thật là tuyệt vời khi bạn đến một nơi kích thích trí tưởng tượng phong phú của bạn như vậy.

Nhà ông Hùng được xây dựng trên diện tích hơn 100 mét vuông, dài 14,5 mét, rộng hơn 7 mét và được xây theo kiến trúc 5 gian; nơi thờ cúng tổ tiên là 3 gian giữa, 2 gian bên ngoài để ở. Ông Hùng cho biết, nếu dựa vào bản cúng cầu an mà ông còn lưu giữ trong nhà và được Viện Hán Nôm dịch thì ngôi nhà này được xây dựng năm 1649, cho đến nay đã được 369 năm! Và 12 thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này.

Nơi lưu giữ những giá trị cuối cùng của văn hóa Việt cổ - 2

Đường Lâm: Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hoá cần được giữ gìn, bảo tồn.

Mọi vật dụng trong nhà được còn nguyên vẹn một cách kỳ lạ, dường như thời gian đã làm cho chúng trở nên "bất tử", từ cái nơm úp cá đến bộ mâm, bát đũa đều mang một "bề dày" lịch sử vĩ đại. Thật sự, khi được mắt thấy, tai nghe, tay chạm vào những vật dụng này, tôi không thể ngưng tò mò về cái thời xa xưa, cách đây hàng mấy trăm năm, các cụ ta đã sinh hoạt như thế nào, nếp sống trong nhà ra sao?

Nhưng thật đáng tiếc thay, mọi lề lối ăn ở của các cụ xưa đến nay đã chỉ là những mảng ký ức không liền mạch. Ông Hùng chỉ nhớ rằng, thời ông còn bé, nền nếp trong gia đình ông cũng như các gia đình khác xa bây giờ nhiều. Con cái đâu dám cãi cha mẹ; ông nhớ bố ông nằm trong phòng chỉ cần "hắng" lên một cái là ông cùng các anh chị em đã "im re". Hàng ngày, gia đình ông phải dậy từ sớm tinh mơ, khi gà gáy ba tiếng, rồi ra đồng làm việc, đến giữa trưa về ăn vội bát cơm hay củ khoai rồi nằm luôn trên sàn hoặc ngoài chõng "đánh" một giấc để chiều còn đi cấy.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay du lịch ở Đường Lâm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch tăng, tuy nhiên vẫn chỉ là khách đi "cưỡi ngựa xem hoa", còn khách có hiểu biết, thích khám phá thì ít. Để có thể phát triển du lịch Đường Lâm, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đặc biệt từ Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm; tiếp tục quảng bá, tuyên truyền về làng cổ gắn liền với lịch sử, văn hoá của người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có bề dày lịch sử, văn hoá và nếu chúng ta không quảng bá được, không giữ gìn được, quả thực là một điều rất đáng buồn.

Mặc dù hàng ngày những ngôi nhà cổ ở đây phải "tiếp" hàng trăm lượt khách tới thăm nhưng ông Hùng và người dân ở đây rất hài lòng, yên tâm về vấn đề an ninh trật tự. Để đảm bảo cho cuộc sống luôn yên bình như vốn có ở Đường Lâm nhờ vào 2 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, ở đây không có dân tứ xứ, tất cả đều là người Đường Lâm; thứ hai là công tác vận động, giữ gìn trật tự an ninh của cán bộ, chiến sĩ Công an Đồn Công an Đường Lâm thật sự rất hiệu quả.

Điểm danh 3 quán ngập view ”sống ảo” của giới trẻ Hà thành

Nếu bạn tò mò muốn biết địa chỉ của những back-ground lên hình siêu xinh trên Instagram thì đây chính là câu trả lời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Sơn ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN