Những vị chủ nhà dễ thương ở thành phố nghệ thuật của nước Áo
Thành phố Salzburg nổi tiếng vì là nơi sinh của nhà soạn nhạc nổi tiếng thế kỷ 18 Wolfgang Amadeus Mozart.
Trung tâm thành phố Salzburg buổi sớm màu xám nhạt, mặt trời vẫn ẩn mình đâu đó trong lớp mây loãng lấp ló đâu đó sau phía núi. Xuyên qua trung tâm là khu phố lịch sử của Salzburg - Altstadt Salzburg.
Trong trung tâm văn hoá của thành phố nhỏ quây quanh kênh đào, mái chóp màu xanh của 20 nhà thờ cổ vươn đến tầm nhìn từ trên cao.
Thành phố Salzburg nhìn từ trên cao.
Những vị chủ nhà dễ thương
Đón chúng tôi ở khung cửa sổ trên phố Reichenhaller Strasse là vợ chồng anh Harald Leitner và chị Vicki, những người bạn bản xứ tận tình và chu đáo sắp xếp chỗ ăn ngủ khi biết chúng tôi ghé thành phố. Nhà của anh chị là một chung cư thấp tầng xây dựng từ những năm 1970 nhưng rất vững chắc.
Căn nhà đón gió từ phía mặt tiền đối diện với nhà thờ Hertz Jesu, dành cho người về hưu ở. Gió thổi mạnh trong trung tâm thành phố chỉ có vài toà nhà cao tầng về phía quanh phòng khách đang sửa dang dở vì anh Harald đi làm đến cuối tuần mới có thời gian làm. Cơn gió đủ làm lạnh các vị khách người Việt nhưng chủ nhà nói đến tối, gió trời khắc nghiệt hơn vì mang hơi nước trước mùa tuyết.
Vui vì thỉnh thoảng có khách đến thăm nhà, những chủ nhà đã chuẩn bị sẵn các món ăn nhẹ và nước trong phòng khách. Chúng tôi được thết đãi các món sáng tự chọn truyền thống gồm bánh mì đen, các loại phô mai, bơ mứt. Bánh mì đen có thể dùng với bất cứ món mặn ngọt nào mà chúng tôi thích. Món mặn có thể kèm thêm dưa leo và cà chua.
Món phô mai tươi là món chúng tôi đặc biệt thích vì vị ngọt có hương thơm bơ sữa và một ít rau hương cùng với vị hơi mặn tự nhiên từ phô mai. Chị Vicki còn làm thêm món trứng ốp la và món thịt xông khói rán vì sợ chúng tôi còn đói. Đợi chúng tôi ăn xong chị còn thết đãi chúng tôi món táo và nước si rô tráng miệng. Trong các món ăn này có nhiều chất bổ dưỡng nên chúng tôi no đến chiều và bỏ qua bữa trưa.
Chị Vicki Leitner, một phụ nữ Áo hiếu khách và nấu ăn rất ngon. Vừa lo cho con ăn, chị vừa làm bánh pancake kiểu Áo -Frittatensuppen, ăn cùng mứt hay mật ong- và bày cho chúng tôi cùng làm. Biết tôi thèm tô phở ở nhà nên chị làm thêm súp bò Palatschinken mit Marillenmarmelade để ăn với pancake thay sợi mì. Bánh pancake được cuốn vòng cắt sợi nhỏ sau đó rưới nước súp bò lên. Chị gọi đây là món mì ăn liền, có thể ăn sáng khi nhà còn thức ăn chưa ăn hết bữa trước.
Chị Vicky cùng con trai Olivia ở hội chợ.
Có con khi tuổi còn rất trẻ nhưng chị Vicky rất đảm đang. Ở nhà nuôi hai con nhỏ, chị quán xuyến hết việc nhà. Hai bé trai còn nhỏ và nhõng nhẽo nhưng đã tự ăn không cần mẹ dỗ. Bé lớn Oliver đã biết dọn chén bát của mình vào bồn rửa chén.
Tôi ngạc nhiên thấy hai bé trai mắt xanh, màu tóc vàng hoe nhưng cũng chỉ nhỏ con như trẻ em châu Á, chị Vicki cười nói “chỉ vài năm sau là chúng sẽ phổng phao, cao hơn mẹ thôi. Trẻ em ở đây đến tuổi thì phát triển nhanh lắm.” Hỏi ra thì mới biết chị và các bà mẹ ở đây không cho trẻ em uống sữa công thức. Họ chỉ nuôi các bé theo truyền thống, chăm lo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ em mà thôi.
Không đi làm nên chị sợ quên mất tiếng Anh. Trò chuyện với chúng tôi chị cố nhớ lại từ ngữ và sắp xếp lại để nói tiếng Anh thật rành mạch. Chị cũng gọi bé trai lớn 4 tuổi đến nói chuyện với chúng tôi để bé mạnh dạn hơn. Chỉ qua ngày hôm sau chị tươi cười nói với tôi “Oliver mới chào buổi sáng và hỏi thăm mẹ bằng tiếng Anh.” Patrick, bé trai mới hai tuổi ôm con mèo to tướng của bố nhại theo giọng mẹ “Oliver, Oliver”.
Một ngày ở trung tâm văn hóa lịch sử Salzburg
Nhà anh chị Leitner nằm con phố nhỏ dẫn đến khu trung tâm mua sắm sầm uất đang tấp nập người mua bán chuẩn bị lễ hội cuối năm trong tiết trời mưa phùn lất phất. Lạnh cóng nhưng dòng người đi lại vẫn tấp nập. Chị Vicki dẫn tôi qua các dãy kiot bán quà, từ những đồ chơi cho trẻ em đến quà bánh và đủ món đồ trang trí nhà cửa. Nhiều kiot chỉ bán hàng để quyên góp cho người khó khăn nên các sản phẩm đều làm thủ công, nhiều kiot bán sản phẩm làm bởi các bé mẫu giáo chung tay giúp đỡ xã hội.
Một góc Salzburg.
Trong khu mua sắm tọa lạc hai thương hiệu chocolate nổi tiếng của Salzburg là Mozartkugel của hãng Mirabella có nhãn hiệu mang hình đàn violon và hãng Fürst làm chocolate thủ công bọc giấy bạc. Hai thương hiệu có từ lâu đời vẫn chưa hoà giải giận hờn truyền kiếp vì tranh giành bản quyền thương hiệu Mozartkugel, đến nay vẫn không ai biết được đâu là thương hiệu gốc.
Bên cạnh những cụm cửa hàng nhỏ trong trung tâm lịch sử là các cửa hàng hiệu giá đắt không tưởng. Các cửa hàng chiếm diện tích góc hai mặt tiền chỉ trưng bày một vài sản phẩm nhưng mỗi thứ không dưới 3.000 đô la Mỹ. Chị Vicki kể rằng người dân bản xứ Salzburg cũng chỉ đến đây xem thỏa thú chạm tay vào hàng hiệu như các đôi giày và giỏ dành cho phụ nữ chứ ít ai bỏ tiền ra mua.
Sau khi thỏa thích ngắm nhìn hội chợ trong lòng phố cổ gây thương nhớ này, chúng tôi quyết định chỉ mua hai loại chocolate quốc dân về làm quà và các vòng đeo tay thủ công vì giá cả đắt đỏ tại trung tâm mua sắm cổ.
Giá sinh hoạt ở Áo khá đắt nên người dân thường như chị Vicki thường sang Munich ở Đức mua hàng tạp hoá tại các cửa hàng DM vào cuối tuần. Thị trường Đức lớn hơn ở Áo nhiều mà đánh thuế đồ dùng sinh hoạt rẻ hơn nên khách hàng được lợi. Salzburg nằm cạnh biên giới giữa Áo và Đức nên chỉ mất 15 phút chạy xe là có thể sang Đức.
Đi ngang ngôi nhà số 9 Getreidegasse, Salzburg du khách khó ngăn nổi sự tò mò bước chân vào tìm kiếm kỷ niệm của người nhạc sĩ thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart. Nơi đây, ông sinh ra và lớn lên giờ đã trở thành bảo tàng Mozarts Geburtshaus. Những bản nhạc của ông ai cũng từng nghe. Từ lúc còn nhỏ, mỗi khi được nghe tiếng đàn piano là tôi lại bắt gặp các bản Symphony của ông.
Khuôn viên ngôi nhà cổ có khung cửa hẹp trưng bày nhiều phẩm vật liên quan đến vị thiên tài Mozart. Đi sâu vào các căn phòng, những kỷ vật của ông nào là bức thư viết tay, bản thảo âm nhạc và chiếc đàn violon đầu tiên của ông vẫn nguyên vẹn từ hồi thế kỷ 18. Đồ đạc trong nhà vẫn được sắp xếp như nhà người dân thời bấy giờ. Những tác phẩm nghệ thuật nói lên sự hoài nghi về cái chết của ông được nhiều họa sĩ khác nhau khắc hoạ, đã chôn chân từng nhóm du khách rất lâu. Hình ảnh Mozart rủ người lúc ông viên tịch bi thương nhói lòng du khách.
Đường lên Pháo đài Muối.
Thành phố bia
Quay về nhà chị Vicki, chúng tôi băng qua một quãng trường chính. Một vài chú ngựa kéo xe to lớn có những bộ đuôi xoăn như tóc người phủ dài đến sát đất đang đứng hóng mát trên đường lát đá mòn. Phía sau là ngọn núi đang phủ tuyết lấm tấm. Chỉ cách hơn 1km là đã đến thành phố hiện đại.
Về gần nhà chị tôi quyết định ghé vào siêu thị mua thịt gà về trổ tài nấu súp gà khoai tây và củ hành mời chị. Nghĩ rằng món súp này sẽ giống món phương Tây và chị Vicky sẽ thích, nhưng đến khi nhìn chị ăn tôi mới cười lăn bò toài. Người nước ngoài lọc bỏ xương gà trước khi nấu nên khi tôi múc cho chị tô súp đùi gà thì chị lúng túng không biết ăn thế nào. Chị hỏi “ở nước bạn lấy xương ra khỏi thịt như thế nào để ăn thịt gà?”
Anh Harald đi làm về, chị cũng múc cho anh một tô nhưng cả hai phải dọn dĩa ra rồi lấy dao nĩa ra lóc xương gà. Rồi anh chị dùng dao nĩa cắt thịt gà thành từng miếng nhỏ ăn riêng, nước súp dùng riêng.
Ăn xong anh Harald lại mời chúng tôi đi uống bia tại nhà máy bia nhỏ Augustiner Bräu ở quận Mülln, có từ năm 1621 do các linh mục nhà thờ dựng lên. Augustiner là một trong hai nhà máy bia cổ nhất ở Salzburg. Nhà nấu bia cổ xuất hiện ở Áo từ thế kỷ 14 nhưng bị cấm bán đến mãi thế kỷ 17. Salzburg giờ được coi là thủ đô bia của Áo có mười một nhà máy bia. Các nhà trọ cũng nấu bia cho khách đến trọ.
Trong nhà máy bia cổ Augustiner Bräu.
Ở đây có hai loại bia tươi, loại nặng Bockbier và loại nhẹ hơn là Marzen. Ly bia nhỏ nhất là khoảng 0.50 lít, lớn nhất là 1 lít. Tuy là loại bia nhẹ nhưng cũng khá nặng, 2 ly bia nhỏ đã đủ say với người không uống được nhiều bia.
Phòng uống bia rất rộng theo kiểu nhà ga kiểu cũ, mỗi phòng chia thành tên của phố vòng quanh lò bia. Khách đến đây uống bia tự tráng chiếc ly đá to nặng từ đài nước nhỏ rồi rót bia từ các thùng gỗ sau khi mua vé. Dọc dãy tường phía ngoài nhà ga là ô nhỏ bán đủ loại thức ăn từ các loại xúc xích, heo quay đến bánh mì và bánh ngọt.
Khách đến uống bia cùng nhau hát bài hò dô của Áo rồi mới cụng ly. Trong căn phòng rất rộng trần cao khoảng hơn 7m, nhiều bàn dài sắp theo hàng, từng nhóm khách cùng chia bàn với nhóm bên cạnh, tiếng nói chuyện rôm rả khắp phòng ra đến ngoài sân nơi nhiều nhóm tụ tập hút thuốc. Người đi uống bia về cũng chỉ đi bộ hay đi xe đạp, rất ít người đi taxi đến uống bia.
Đi bộ về tới nhà anh Harald, chúng tôi ngoái nhìn lại trung tâm lịch sử về đêm. Những điểm sáng lấp lánh từ các nhà thờ xung quanh núi, ban sáng còn nhấp nhô các mái vòm cong màu xanh đến giờ là các ngọn đèn vàng nhấp nháy. Ban đêm, bóng chóp nhọn nhà thờ phủ dài xuống không gian yên ắng.
Hàng dài những chiếc xe hơi đậu bên lề đường che bớt gió cho người đi bộ đang mải mê với những bông tuyết đầu mùa li ti. Người dân Áo quây quần với gia đình buổi tối, các chung cư thấp tầng thắp đèn sáng lên những con đường vắng. Một ánh sáng thanh bình từ những nếp nhà còn giữ từ những thế kỷ trước sau những giờ lao động bên ngoài.
Nước Áo là một quốc gia xinh đẹp với những người dân hiền hòa thân thiện và vô số địa danh nổi tiếng thu hút du khách. Hãy cùng khám phá những điểm đến quyến rũ nhất...
Nguồn: [Link nguồn]