Những ngôi chùa đẹp tựa tiên cảnh hút du khách thập phương
Dọc chiều dài Việt Nam có rất nhiều chùa sở hữu cảnh đẹp, kiến trúc cổ xưa, không gian thanh tịnh, giúp du khách và người hành hương tìm được chốn yên bình giữa cuộc sống tấp nập.
Chùa Hương, Hà Nội
Chùa Hương là một trong những quần thể chùa lâu đời nhất ở Việt Nam. Gọi là chùa Hương, nhưng thực tế đây là một quần thể văn hóa tôn giáo rộng lớn với hàng chục ngôi chùa, chưa kể các ngồi đền và đình thờ rải rác ở xung quanh.
Ngôi chùa nổi tiếng trong quần thể này và cũng là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách nhất đến cầu an, vãn cảnh chính là chùa Trong. Đây là ngôi chùa tọa lạc trong động Hương Tích. Các đình, chùa, đền như chùa Thiên Trù, chùa Thanh Sơn, chùa Bảo Đài… nằm rải rác dọc suối Yến cũng được mọi người ghé đến thắp hương.
Khi đến Chùa Hương, cảnh tượng quen thuộc mà bất cứ du khách nào cũng sẽ được trải nghiệm, đó chính là ngồi đò ngắm cảnh hai bên dòng suối, xem núi cao sừng sững, thấy trong lòng thư thái, nhẹ nhàng, buông bỏ những muộn phiền thường nhật.
Chùa Yên Tử, Quảng Ninh
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử tại Uông Bí, Quảng Ninh gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam. Đây là dòng Phật giáo cổ do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ khoảng 800 năm trước. Vì bề dày lịch sử đó, Yên Tử thu hút đông đảo du khách ghé đến mỗi năm.
Nằm trên đỉnh núi cao, lọt thỏm giữa rừng núi, mọi người đến đây để khấn Phật, cầu an, vãn cảnh hoặc hành hương đầu năm. Quần thể tôn giáo này trải dài từ chân núi đến đỉnh cao, dọc theo đường đi có rất nhiều ngôi chùa và am, tháp nổi tiếng như chùa Đồng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Giải Oan, Vân Tiên, Bảo Sái, Thanh Long, Hoa Yên,...
Hiện nay, du khách đến hành hương đã có thể đi cáp treo lên đỉnh núi. Bên cạnh đó, còn được tham quan nhiều khu di tích để tìm về cội nguồn như Khu di tích lịch sử nhà Trần, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, bãi cọc Yên Giang, đền Trần Hưng Đạo…
Chùa Bái Đính, Ninh Bình
Tọa lạc tại cố đô Hoa Lư, Bái Đính là quần thể chùa lớn đã ghi tên vào danh sách kỷ lục. Quần thể chùa nằm trên sườn núi giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, trong vùng đệm Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi lưu giữ các dấu ấn lịch sử, nơi được coi là một trong các trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của cả nước.
Với diện tích khuôn viên khoảng 539 ha, đây còn là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam, là chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,...
Với kiến trúc đồ sộ và mang đậm lối kiến trúc Á Đông, chùa Bái Đính luôn nằm trong hàng đầu danh sách những hành hương của du khách thập phương. Không chỉ là nơi vãn cảnh, cầu an, chùa còn có lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ chiều mùng 1 Tết kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Chùa Linh Ứng, Đà Nẵng
Đà Nẵng có đến 3 chùa Linh Ứng tại Non Nước, Thủy Sơn và Bãi Bụt. Trong đó, ngôi chùa ở Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà được đông đảo du khách biết tới và đến tham quan. Đây là ngôi chùa lớn, có view biển rất đẹp, nhìn được toàn cảnh thành phố từ phía xa.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất nước. Khi đứng ở bất kỳ đâu tại thành phố biển Đà Nẵng, bạn cũng có thể nhìn thấy được Tượng Phật Bà. Với chiều cao lên đến 67 m và đường kính tòa sen 35 m, tương đương một tòa nhà 30 tầng, đây là tượng Phật cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Đứng từ trên chùa Linh Ứng, du khách có thể nhìn được toàn bộ cảnh thành phố, núi rừng và biển đảo Sơn Trà một cách trọn vẹn. Chưa hết, xa xa là núi Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển bao quanh bởi bờ cát dài trắng mịn. Buổi tối, nếu đứng từ cổng chùa nhìn xuống, bạn có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của thành phố Đà Nẵng khi đêm về, với những vệt đèn thắp sáng cả một đường phố biển.
Chùa Bà, Tây Ninh
Chùa Bà ở Tây Ninh nằm trên ngọn núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Nam Bộ với độ cao 986 mét. Núi Bà hay còn được gọi là Linh Sơn, chùa Thượng, được đông đảo du khách gần xa đến thăm viếng.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ 18 và đã qua nhiều lần trùng tu. Mỗi năm, khách thập phương hành hương núi Bà để đi chùa cầu nguyện rất đông, nhất là vào dịp Tết nguyên đán và kéo dài cả tháng Giêng, và lễ vía Bà vào ngày 5 tháng 5 âm lịch.
Phần lớn khách viếng chùa sẽ chọn đi cáp treo để nhanh chóng lên được núi cao. Tuy vậy, xu hướng của các bạn trẻ thích mạo hiểm, phiêu lưu là chọn đi bộ leo núi, vừa được tận hưởng thiên nhiên, vừa chinh phục những cung đường mới mẻ.
Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng là ngôi chùa có bề dày lịch sử, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, chùa đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngôi chùa còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tại miền Bắc, công trình tôn giáo đặc biệt với đông đảo tín đồ Phật tử tề tựu về sinh hoạt và tu tập.
Chùa Ba Vàng khang trang, rộng lớn ngày nay.
Nhắc đến sự hình thành của ngôi chùa Ba Vàng thì không có tài liệu lịch sử ghi chép lại một cách rõ ràng và chính xác, nhưng dựa vào những họa tiết và hoa văn trên những viên gạch ngói những năm 80 thì có thể khẳng định ngôi chùa tồn tại vào khoảng thế kỷ thứ 13 dưới thời nhà Trần, khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử và lập ra dòng Thiền Trúc Lâm.
Chính điện của ngôi chùa Ba Vàng cũ.
Năm 2007, Thầy Thích Trúc Thái Minh về nhậm chức Trụ trì chùa Ba Vàng, khi ấy chùa chỉ là một gian nhà cấp bốn cũ kỹ, hoang vu ở trên núi cao với những dấu tích còn sót lại từ thời phong kiến nhà Trần. Nơi đây, điện không có, nước cũng không, đường lên chùa thì gập ghềnh, khúc khuỷu đầy sỏi đá, chỉ bé bằng 30-40 phân,... mọi thứ đều vô cùng khó khăn.
Căn phòng khách của ngôi chùa Ba Vàng cũ.
Ngày đầu nhận chùa, Thầy Thích Trúc Thái Minh không quản ngại khó khăn, vất vả, trực tiếp cùng công nhân mở đường lên chùa.
Năm 2011, Thầy quyết định việc đầu tiên là mở con đường để bà con nhân dân có đường đi lên chùa. Lúc ấy, lãnh đạo thành phố, tỉnh Quảng Ninh hết sức ủng hộ, đã kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ xi măng, gạch ngói. Bà con nhân dân cũng đồng lòng đóng góp, người xin cúng dường tạ thép, người xin cúng dường gạch ngói, xi măng và cứ thế, ngôi chùa Ba Vàng dần dần được hình thành.
Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Ba Vàng từ một am nhỏ trở thành ngôi chùa rộng lớn, khang trang, có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Đường lên chùa được mở rộng, lưu thông giữa chùa với trung tâm thành phố Uông Bí. Không chỉ vậy, điện nước trên đỉnh núi Thành Đẳng cũng được dẫn về chùa.
Các khu nội viện của Tăng chúng, khu sinh hoạt của Phật tử dần được xây dựng và hình thành. Nhân dân Phật tử không khỏi nể phục, kính trọng Thầy đã gắng công, gắng sức tôn tạo ngôi Tam Bảo Ba Vàng nơi rừng núi hoang sơ ngày nào; để ngày nay trở thành tùng lâm Phật giáo khang trang với tổng diện tích 22 hecta.
Nhiều bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên Việt Nam đã làm lay động trái tim những tín đồ du lịch, muốn đến tận nơi chứng kiến thiên nhiên đẹp mê mẩn tới mức nào.
Nguồn: [Link nguồn]