Những lễ hội xuân nổi tiếng nhất ở châu Á
Nhiều lễ hội mùa xuân ở châu Á rất đa dạng và thú vị khiến du khách nước ngoài sửng sốt nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch du lịch của bạn bởi sự tắc nghẽn giao thông.
Lễ hội Songkran ở Thái Lan và Tuần lễ vàng ở Nhật Bản gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng du lịch ở cả hai nơi. Nhiều lễ hội mùa xuân khác ở châu Á cũng thu hút rất đông du khách.
Lễ hội Holi ở Ấn Độ
Lễ hội sắc màu của Ấn Độ là một trong những lễ hội mùa xuân hoang dã nhất. Nếu tới Ấn Độ vào tháng 3, bạn chắc chắn nên biết ngày diễn ra lễ Holi. Đừng mặc những bộ quần áo đẹp của bạn khi đi ra đường vào thời điểm này. Holi náo nhiệt, đầy màu sắc và hoàn toàn khó quên nếu bạn đủ dũng cảm trang bị cho mình một loại thuốc nhuộm dạng bột và tham gia vào cuộc chiến. Đám đông trên đường phố nhảy múa điên cuồng và ném các nắm bột đầy màu sắc vào nhau như một lời chúc tốt lành. Holi là lễ kỷ niệm cái thiện chiến thắng cái ác. Có một số thuốc nhuộm nhân tạo được sử dụng có thể gây kích ứng. Hãy thận trọng nếu bạn có vấn đề về da hoặc hô hấp.
Nyepi: Ngày im lặng của người Bali
Được biết đến với cái tên Nyepi, ngày im lặng hằng năm khiến hòn đảo nhộn nhịp nhất của Indonesia được bao trùm bởi bầu không khí rất khác. Vào ngày này mỗi năm, tiếng ồn ào của xe máy im bặt, các quán bar ngừng tiếng nhạc ầm ĩ và cỗ máy du lịch của Bali ngừng hoạt động. Điều này được thực hiện để giữ cho những linh hồn tinh nghịch không còn lảng vảng xung quanh và gây ra vấn đề. Ngày im lặng được thực thi nghiêm ngặt với cả du khách nước ngoài. Khách du lịch phải ở lại trong khuôn viên khách sạn trong dịp lễ Nyepi, tắt đèn và nói nhỏ. Thậm chí ngay cả việc xem tivi cũng không được phép. Dù sao thì bạn cũng có thể cần nghỉ ngơi sau tiếng ồn, pháo hoa và bữa tiệc sôi nổi vào đêm trước lễ Nyepi. Ngày này cũng được coi là ngày Tết truyền thống theo lịch âm saka của người Bali.
Songkran ở Thái Lan
Songkran, lễ mừng năm mới của người Thái, đã phát triển thành cuộc chiến té nước lớn nhất thế giới. Songkran bắt đầu như một truyền thống rưới nước lên nhau như một lời chúc phúc. Tượng Phật được mang ra đón năm mới trong một đám rước để sau đó được các tín đồ rửa sạch để cầu công đức. Lễ hội Songkran hiện đại đã phát triển thành việc đổ xô nước đá và dùng vòi rồng lớn bắn vào người nhau. Bạn chắc chắn sẽ bị ướt trong dịp Songkran. Hành lý của bạn cũng có thể ngập nước nếu bạn đến vào thời điểm Songkran đang náo nhiệt. Dù yêu hay ghét, chỉ có một cách duy nhất để sống sót trong lễ Songkran: tận hưởng niềm vui và trang bị cho mình một chiếc xô, hoặc tránh thật xa các đường phố chính.
Tuần lễ vàng ở Nhật Bản
Chắc chắn đây là thời điểm bận rộn nhất để đi du lịch ở Nhật Bản, kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng là tập hợp 4 ngày nghỉ lễ liên tiếp của Nhật Bản diễn ra vào cuối tháng 4 và tuần đầu tiên của tháng 5. Khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa để nghỉ ngơi, hàng loạt người Nhật xin nghỉ làm để đi du lịch, gây ra ùn tắc giao thông. Xe lửa và chuyến bay thường xuyên đầy ắp. Các công viên công cộng, trung tâm thương mại và các điểm tham quan nổi tiếng thậm chí còn trở nên đông đúc hơn bình thường với lượng người tham gia đông đảo. Nếu đi du lịch trong Tuần lễ Vàng, bạn sẽ phải xếp hàng dài để mua mọi thứ bạn muốn xem và làm. Du khách đi du lịch Nhật Bản thường thấy Tuần lễ Vàng rất thú vị nhưng lại có nhiều hạn chế. Chỉ cần đợi một hoặc hai tuần sau kỳ nghỉ để đến thăm Nhật Bản, bạn sẽ tận hưởng được nhiều không gian cá nhân và ít bị ảnh hưởng giao thông hơn.
Lễ hội Hanami ở Nhật Bản
Hanami là lễ hội truyền thống thưởng thức hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản. Mùa xuân vốn là thời điểm tuyệt vời để ghé thăm Nhật Bản và ngắm những bông hoa nở rộ là một phần thưởng tuyệt vời. Hoa anh đào (sakura) xinh đẹp nở vào khoảng giữa tháng 3 và tháng 5, tùy thuộc vào vĩ độ và khí hậu. Nhiều người Nhật Bản đổ xô đến các công viên để dã ngoại, uống rượu và dành thời gian cho gia đình dưới những tán hoa nở rộ. Một số văn phòng tổ chức dã ngoại, tiệc tùng cho công nhân trong công viên. Hoa anh đào không tồn tại được lâu nên chúng được tôn sùng như biểu tượng của vẻ đẹp phù du. Lễ hội hoa anh đào trùng với Tuần lễ vàng ở một số nơi, càng làm tăng thêm sự đông đúc, chật chội, tắc nghẽn giao thông.
Ngày Vesak (Ngày Phật Đản)
Được gọi là ngày Vesak, đây là ngày sinh nhật của Đức Phật Gautama được tổ chức theo nhiều cách khác nhau vào những ngày khác nhau trên khắp châu Á. Nhiều nước tổ chức ngày này vào mùa xuân, thường là vào tháng Năm. Ngày Vesak được tổ chức bằng các nghi thức tôn giáo, ăn chay và ghi nhớ giáo lý Phật giáo. Du khách hiếm khi bị ảnh hưởng bởi việc quan sát Lễ Phật đản ngoài việc cảm thấy bất tiện vì việc ngừng bán rượu ở những nơi như Thái Lan.
Gawai Dayak ở Borneo
Chủ yếu được tổ chức ở Sarawak, Gawai Dayak là lễ kỷ niệm của người dân bản địa (Dayak) coi Borneo là quê hương. Khách du lịch vẫn có thể đến thăm và đôi khi ở lại những ngôi nhà dài truyền thống. Gawai Dayak được tổ chức với các đám rước, trò chơi và âm nhạc truyền thống. Mặc dù Gawai Dayak diễn ra chính thức vào ngày 1 tháng 6 nhưng lễ kỷ niệm bắt đầu từ đêm hôm trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Cung điện Mùa hè là một trong những địa điểm du lịch bạn không thể bỏ lỡ khi tới Bắc Kinh du lịch.