Những điều đặc biệt chỉ có ở quê hương một trong những danh thủ đắt giá nhất thế giới
Nhắc đến Xứ Wales, người hâm mộ thường nghĩ tới siêu sao Gareth Bale, người từng nằm trong danh sách cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới. Tuy nhiên ngoài bóng đá, đất nước này còn nổi tiếng với nền văn hóa lâu đời khá đặc trưng. Nếu dự định đi du lịch xứ Wales, bạn nên tìm hiểu trước một số điều thú vị của văn hóa địa phương để tránh bị bỡ ngỡ hay gặp phải tình huống khó xử:
1. Tặng thìa như một tín vật tình yêu:
Đây là truyền thống lâu đời ở đất nước này. Thìa ở đây không phải là những chiếc thìa thông thường. Những người yêu nhau sẽ trao nhau một chiếc thìa bằng gỗ để kỷ niệm tình yêu của mình. Ngày nay, bạn có thể mua những chiếc thìa đặc biệt này trong các cửa hàng quà tặng, nơi chúng có thêm các biểu tượng như trái tim, mỏ neo, móng ngựa và nút thắt. Đặc biệt chúng còn ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa, ví dụ như một con rồng ở đầu tay cầm của thìa thể hiện sự bảo vệ.
2. Đừng gọi họ là người Anh:
Xứ Wales khác biệt với nước Anh và phần còn lại của Vương quốc Anh, nhưng những người nước ngoài thường không để ý tới chuyện này. Điều này có thể khiến người dân địa phương cảm thấy khó chịu. Một người nào đó từ Anh sẽ không phản đối việc được gọi là người Anh nhưng ngược lại, người xứ Wales có thể sẽ không bằng lòng vì với họ, người nước Anh khác với người Vương Quốc Anh. Xứ Wales và nước Anh có lịch sử xung đột và cạnh tranh lâu dài nên người dân nơi đây không muốn bị nhầm lẫn với người Anh.
3. Ăn mừng chiến thắng môn bóng bầu dục trước người Anh:
Đây là phong tục khá thú vị của quốc gia này. Mỗi khi đội tuyển bóng bầu dục xứ Wales đánh bại nước Anh, nơi đây sẽ ngập tràn bầu không khí như lễ hội. Đối với họ, bóng bầu dục là môn thể thao quốc dân, tức là nó dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho tầng lớp giàu có như những nơi khác. Môn thể thao này cũng được coi như một cách “trả thù” đối với dân tộc Anh - những người đã thống trị họ trong quá khứ. Cầu thủ Phil Bennett của xứ Wales từng có phát ngôn gây tranh cãi trước một trận đấu như sau: “Hãy xem những kẻ đó đã làm gì với xứ Wales. Họ đã cướp đi than, nước, thép của chúng tôi, mua lại nhà của chúng tôi và chỉ sống ở đó hai tuần mỗi năm. Ngược lại, họ đã mang lại những gì cho đất nước tôi? Hoàn toàn không có gì hết. Chúng tôi từng bị người Anh lợi dụng, cưỡng bức, kiểm soát và trừng phạt – và đây sẽ là những gì họ phải chịu trong trận đấu chiều nay.”
4. Nơi những người đàn ông trưởng thành có thể thoải mái rơi nước mắt:
Người xứ Wales là những người sống tình cảm và nơi dễ chứng kiến điều này nhất chính là trong một trận bóng bầu dục. Nếu bạn cảm thấy không thể kiềm chế cảm xúc khi xem một trận đấu tại Sân vận động Thiên niên kỷ ở Cardiff, hãy thoải mái bộc lộ điều đó. Bạn sẽ không phải là người duy nhất.
5. Lễ kỷ niệm Ngày Thánh David:
Ngày thánh David chính là ngày quốc khánh xứ Wales. Vào dịp này, người dân cài rất nhiều bông hoa thuỷ tiên vàng lên quần áo, tham gia các lễ hội và buổi diễu hành ở các thành phố lớn. Đặc biệt, các em học sinh cũng hưởng ứng tinh thần ngày lễ bằng cách diện trang phục truyền thống từ đầu đến chân, với mũ đen cao, áo choàng đỏ, vải nỉ sọc và khăn choàng. Vào ngày này, mọi người thường ăn các món truyền thống như súp thịt cừu, thịt cừu nướng và phô mai rarebit.
6. Văn hóa rượu bia cực kỳ phát triển:
Không phải người Ireland, dân xứ Wales mới là những người đam mê đồ uống có cồn nhất. Bia rượu rất được yêu thích tại đây và giao tiếp xã hội cũng thường xoay quanh chủ đề này. Thành phố Cardiff đã nhiều lần được gọi là “thủ đô chè chén” của châu Âu. Năm ngoái, theo một cuộc khảo sát của văn phòng thống kê quốc gia, xứ Wales chính là nơi có tỉ lệ tín đồ “ma men” cao nhất Vương quốc Anh. Báo cáo này cho biết: cứ 1 trên 7 người lớn (tương đương 14%) thường uống khoảng 140ml rượu một ngày.
7. Bánh mì nướng phết phô mai là món ăn cực kỳ được yêu thích:
Rarebit là món ăn truyền thống của xứ Wales. Món này về cơ bản chính là phô mai phết lên bánh mì nướng. Để có sốt phô mai đúng chuẩn cho món rarebit, bạn cần phô mai tan chảy, một chút bia, mù tạt hoặc sốt Worcestershire.
8. Phát âm những từ “year”, “hear” “here”, “ear” như nhau:
Ở một số vùng có cách phát âm nặng, những từ trên đều được phát âm giống nhau là “yur”. Điều đáng ngạc nhiên là không hề có vấn đề lớn hay hiểu lầm nào phát sinh trong chuyện này.
9. Dửng dưng với những câu chuyện hài hước về những chú cừu:
Người xứ Wales không hề hứng thú với những mẩu chuyện vui liên quan tới cừu. Đất nước này có rất nhiều cừu, các ngành sản xuất cũng từ cừu (chế biến thịt, sản xuất len). Trời mưa nhiều mang tới cho xứ Wales những đồi núi xanh tươi rất thích hợp để nuôi loại động vật này. Đôi khi, chúng gây rối bằng cách đi lang thang trên đường ray xe lửa hoặc bãi cỏ, gây tắc nghẽn giao thông và thậm chí leo lên cả mái nhà. Điều này khiến người dân nơi đây nhiều lúc cảm thấy chán ngấy những con vật dễ thương này. Vì vậy, đừng kể cho một người bản địa câu chuyện vui nào đó về cừu, họ sẽ không hưởng ứng đâu!
10. Mưa hay không, không quan trọng!
Ở xứ Wales, trời mưa thường xuyên đến mức hầu như không thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Ở những nước có nhiều nắng, khi mưa xuống đường phố thường vắng tanh và mọi người sẽ chạy tán loạn tìm chỗ trú. Ngược lại ở nơi đây, người dân gần như không mảy may quan tâm khi mưa tới. Không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người xếp hàng để chơi trò chơi trong công viên giải trí dưới trời mưa, ướt sũng trên xe đạp trên đường đến văn phòng hay thong thả đẩy con trên xích đu. Nếu đang ở đây và gặp cơn mưa rào, gần như không có gì khó khăn để tìm được một chiếc ô. Bạn chỉ cần hỏi một quán cà phê hoặc quán rượu bất kỳ xem có chiếc ô nào bị khách để quên hay không. Thường họ sẽ giữ khoảng 20 cái và sẵn lòng đưa cho bạn một trong số đó.
Xứ Wales là quốc gia nhỏ nhất trong 4 quốc gia cấu thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen.
Nguồn: [Link nguồn]