Những điểm sống ảo cực xịn, lên hình cực mịn ngay tại TP.HCM
Nhiều điểm du lịch tại thành phố đã được làm mới để chào đón du khách đến “sống ảo", các bạn trẻ không cần phải đi đâu xa vẫn có thể tìm cho mình một chỗ check-in cực “xịn”.
Cầu tàng hình - Cây cầu bí ẩn:
Cầu đúng nghĩa là “tàng hình”, bởi khi đứng trên bờ, người xem không thấy cây cầu mà chỉ thấy người đi trên mặt nước. Hậu cảnh của “Địa điểm sống ảo” này là nét duyên dáng của cầu cửu khúc và được điểm tô bằng chiếc đu quay đứng khổng lồ. Đây là vị trí đẹp nhất để tạo ra những bức ảnh “sống ảo” tuyệt diệu.
Để làm được điều này, các kỹ sư và chuyên gia thể thao dưới nước phải sử dụng 2 lớp kính cường lực chống trượt. Tiết diện chiều ngang cầu đến 4m, dài gần 20m giúp tạo ra mặt phẳng chịu lực trên mặt nước… Các tấm kính được đỡ bằng khung sắt, có hệ thống phao chìm cách mặt nước 5cm. Mặc dù cầu không có tay vịn, nhưng xung quanh đều có các lưới bảo vệ. Các lưới này có chiều rộng đến 1m, nằm chìm dưới nước, mục đích để đỡ các đồ vật của du khách nếu lỡ đánh rơi xuống.
Cầu vồng chân mây:
Có chiều dài 10m, nghiêng 45 độ, hướng ra hồ nước. Khung đế cầu được làm chắc chắn bằng khung sắt chịu lực.
Khác với những chiếc cầu thiên đường như ở Đà Lạt, hay Tây nguyên, chiếc cầu “lên trời” này lại mô tả “cầu vồng 7 sắc”. Chính vì thế người ta gọi đây là “Cầu vồng chân mây”.
Để có những bức ảnh “sống ảo”, nên đứng ngang với cầu. “Diễn viên” cần tạo dáng càng độc lạ càng đẹp. Đặc biệt là người chụp cố gắng tránh lấy hình những ngọn cây phía xa. Như thế sẽ tạo ra một chiếc cầu đi lên trời độc đáo.
“Vén màn” bí ẩn bên trong lâu đài kinh dị:
Tại đây những những điểm sống ảo “lạnh gáy". Bên ngoài trông như một tòa lâu đài cổ tích bị lãng quên được phủ kín bởi rêu xanh đầy hoang sơ, nhưng thực chất nơi đây ẩn chứa nhiều bí mật chưa được hé lộ. Đặc biệt, khi trời càng tối thì lâu đài càng trở nên ma mị, huyền bí lạ thường.
Bước từng bước thật chậm vào thế giới đầy hắc ám, những con đường vòng vèo tối tăm, những hành lang u ám, những hầm ngục man rợ, những âm thanh kẽo kẹt đáng sợ, những tiếng kêu la thảm khốc, âm thanh vang vọng rợn người, lâu lâu chợt có tiếng thét gào… Bạn có dám chắc bạn sẽ không “nổi da gà” khi nghe được loạt âm thanh hỗn loạn và “giật bắn người” với những màn hù dọa “thót tim”.
Vườn chong chóng:
Bạn sẽ choáng ngợp trước vườn chong chóng đầy sắc màu: xanh, đỏ, tím, vàng..., rồi đợi khi gió thu bén duyên, chúng lại được dịp xoay tròn tạo nên vũ khúc ngất ngây lòng người.
Chong chóng quay mang những khát vọng, mộng mơ của tuổi trẻ bay cao, dần khỏa lấp bao muộn phiền, lắng lo trong cuộc sống thường nhật, chỉ còn sự tươi vui không nghĩ ngợi.
Chẳng cần cất công đi xa, cả 4 địa điểm sống ảo trên đều nằm ở Đầm Sen (Quận 11, TP.HCM), các bạn có thể đến đây để dễ dàng tìm thấy sự trẻ trung, năng động và cả bầu trời tuổi thơ chất chứa miền kí ức tươi đẹp ngay giữa lòng Sài Gòn. Ai cũng kịp cho mình một album sống ảo ưng ý và những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy. Trong khuôn viên Đầm Sen còn có rất nhiều tiểu cảnh, nhớ sạc đầy pin điện thoại để chụp được thật nhiều nhé.
Vườn hoa thiên phúc:
Đây là loài hoa có vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng; những chùm hoa nhỏ li ti như chùm pháo hoa mang đến niềm vui, lời chúc cho sự may mắn và an lành. Tại Suối Tiên, hoa thiên phúc nở rộ và nhiều nhất là dưới chân Phật Địa Mẫu – một công trình kỳ vĩ với mong ước hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, an vui, hạnh phúc cho mọi người.
Để những chậu hoa thiên phúc nở rộ đẹp mắt, đội chăm sóc cảnh quan đã phải nghiên cứu cách trồng, chăm sóc, tưới cây theo từng giờ, từng ngày để cây thiên phúc phát triển khỏe mạnh, nở hoa đẹp lung linh chào đón du khách và gia đình tới tham quan.
Quảng trường Kim Lân Sơn xuất thế: Công trình cũng tọa lạc tại Suối Tiên, đây là công trình kỳ vĩ với núi thập Vạn Đại Sơn, cửu đại Kim Lân, 18 tượng Nữ Thần May Mắn, và tượng đài Di Lặc Thuyền Vàng.
Bảo tàng 3D Artinus:
Tọa lạc tại số 2 và số 4 đường số 9, khu đô thị Himlam, phường Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM, bảo tàng là một không gian nghệ thuật mang tính chiều sâu. Mỗi bức tranh ở đây là một câu chuyện được tái hiện một cách sinh động và du khách giống như những nhân vật chính. Nhờ sự tương tác của mình mới có thể cho ra được tác phẩm hình ảnh có nội dung cốt chuyện cuốn hút.
Bảo tàng 3D truyền cảm hứng đến bất cứ ai tham quan, tác động trực tiếp đến mọi giác quan du khách, tạo ảnh hưởng tích cực, giúp bạn khám phá bản thân, làm chủ câu chuyện bức tranh của riêng mình: Bạn sẽ thỏa sức sáng tạo trong trí tưởng tượng, tầm nhìn, khai phá năng khiếu diễn xuất, tương tác với bối cảnh, đặc biệt có môi trường tốt để rèn luyện khả năng tự tin mạnh dạn trước ống kính camera, phát triển khả năng phân tích tâm lý nhân vật, bối cảnh…
Nơi đây có các chương trình ưu đãi như: Rửa ảnh miễn phí, thời gian tham quan không giới hạn, … và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác.
Khu China Town:
Nếu như bạn nghĩ rằng TP.HCM đã quá quen thuộc và nhàm chán, có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại khi dành một buổi để dạo bước trong khu phố người Hoa…Một buổi bách bộ dạo quanh khu phố người Hoa ở TP.HCM thường bắt đầu bằng việc gửi xe máy ở miếu Quan Đế (còn gọi là chùa Ông, hay hội quán Nghĩa An) trên đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Đây là một ngôi chùa Hoa đẹp và có khoảng sân phía trước rất rộng. Sau khi vào tham quan chùa, du khách sẽ đi bộ một vòng các con đường xung quanh, ngắm nghía thành phố này ở những góc thật khác lạ nhưng không kém phần thú vị.
Địa danh “Chợ Lớn” (hay còn gọi là khu phố người Hoa, khu phố Tàu, Chinatown) để nói cả một khu vực rộng lớn bao gồm quận 5, quận 6, quận 10, và một phần quận 11 của TP.HCM. Với những đức tính cần cù, giỏi buôn bán, uy tín trong tôn chỉ kinh doanh, nên dần dần, cộng đồng người Hoa đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, thương mại.
Du khách đến đây nên đi bộ ngắm nghía đường phố, thỉnh thoảng ghé vào tham quan những ngôi đền, chùa mang kiến trúc và văn hóa Trung Hoa rõ nét.
Chùa Bà Thiên Hậu (còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn, Thiên Hậu miếu, hay hội quán Tuệ Thành) thâm trầm và thu hút, được xây dựng từ năm 1760 là một điểm đến không thể thiếu trong các chuyến tham quan thành phố (city-tour).
Chùa Ôn Lăng (còn được gọi là chùa Ông Lào, chùa Quan Âm, hay hội quán Ôn Lăng) cổ kính với kiến trúc bắt mắt được xây dựng từ năm 1740.
Tại những ngôi đền, chùa của người Hoa, du khách sẽ được được tìm hiểu kha khá những thông tin lý thú, chẳng hạn như đền, chùa Hoa thường thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phật Quan Âm, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Công, Bao Công, Thổ Công, Táo Quân, Thần Tài,... Lại có tục lệ người Hoa đi chùa và chui qua bụng tượng ngựa Xích Thố - con chiến mã của Quan Công để cầu may mắn, tài lộc,…
Được ngắm nhìn một Sài Gòn đặc biệt trong khu phố người Hoa cũng là một trải nghiệm thú vị. Du khách sẽ bắt gặp những góc khác ở Sài Gòn, vẫn ồn ã đó, đông đúc đó, nhưng lại phảng phất dáng vẻ cổ kính, suy tư, như một dấu lặng, một nốt trầm.
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 người chọn lên rừng xuống biển, người trở về quê thăm gia đình. Nhưng bạn có biết, không cần đi đâu xa, ngay Sài Gòn cũng có những hoạt động du lịch...
Nguồn: [Link nguồn]