Những điểm đến đẹp của miền đất huyền bí Bhutan
Văn hóa Bhuan mang đậm truyền thống Phật giáo Tây Tạng, ngoài các pháo đài cổ (dzong) được xây dựng khoảng thế kỷ XIV thì đi đâu trên đất nước Bhutan cũng thấy chùa chiền và tu viện Phật giáo.
1. Tu viện Taktsang
Tu viện Paro Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan có tên gọi đầy đủ là tu viện Taktsang Palphug, còn được biết đến dưới tên tiếng Anh là The Tiger's Nest Monastery (Tu viện Hang Cọp).
Tu viện Taktsan tọa lạc chênh vênh trên một vách núi đá granit cao ngất giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro, có độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, khoảng 900m so với thung lũng Paro. Nơi này được tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan đặc biệt tôn kính bởi vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của Ngài Padmasambhava (vị đem Phật Giáo Mật Tông từ Ấn Độ truyền sang Tây Tạng vào đầu thế kỷ thứ 7).
2. Pháo đài Punakha
Là một trong những pháo đài đẹp nhất của đất nước, Punakha nằm ở giữa hai con sông nổi tiếng Pho Chu và Mo Chu. Được xây dựng từ năm 1637, Punakha được coi là cung điện của hoàng gia Bhutan cho đến giữa thế kỷ 20. Hiện nay, Punakha thường xuyên mở cửa cho khách đến tham quan.
3. Tháp Kora
Xây dựng trong 12 năm kể từ năm 1740 bằng đá trắng, công trình đường bệ nằm tại thung lũng Karmaling, phía đông Bhutan. Đây là một trong những kiến trúc Phật giáo sớm nhất quốc gia này, được xây để xua đuổi tà ma, lưu giữ nhiều thánh tích Phật giáo.
Truyền thuyết nơi đây kể rừng, cô bé gái 8 tuổi người Ấn Độ đã sang đây, tự nguyện xin được chôn sống trên công trình bằng đá để cầu nguyện trong thời gian xây dựng tháp.
4. Tháp Druk Wangyal Chorten và tháp Dochula
Trên con đèo Dochula cao 3.100 m có tới 108 tòa tháp nằm rải rác, hướng về dãy Himalaya. Một trong những công trình "trẻ tuổi" nhất là tháp Druk Wangyal, do Thái hậu của Bhutan xây dựng năm 2004, là hậu cảnh tuyệt đẹp cho tháp Dochula có từ thế kỷ 14. Truyền thuyết kể rằng, tháp Dochula được xây để xua đuổi một con quỷ thường hay bắt người tại đèo Dochula. Đây là con đèo nối thủ đô Thimphu với miền đông Bhutan.
Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có hệ thống đèn giao thông.
5. Pháo đài Trongsa
Là pháo đài lớn nhất Bhutan và có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân nước này, pháo đài Trongsa là nơi ở của các vị vua Bhutan từ năm 1907. Được xây dựng tại ngọn núi phía trên đập sông Mandge Chu, từ nhiều thế kỷ nay, pháo đài kiểm soát con đường giao lưu thương mại từ đông sang tây. Tháp canh Ta Dzong giờ được biến thành bảo tàng.
Mách nhỏ cho bạn:
- Từ Việt Nam, muốn bay đi Bhutan phải quá cảnh ở Bangkok hoặc Nepal. Nếu chọn quá cảnh ở Bangkok, bạn sẽ ngủ đêm ở Bangkok, sáng hôm sau bay đi Bhutan, thời gian bay 6 tiếng.
- Bhutan có nhiều chùa chiền và tu viện Phật giáo. Nhưng không phải vì thế mà bạn lo lắng đến đất nước này có được ăn "mặn" hay không.
Ngược lại, người dân ở vùng đồi núi cao này ăn nhiều thịt, nhất là các loại bò và gia cầm. Các món súp thịt nấu gạo và rau khô nêm nhiều gia vị cay được ưa thích trong mùa lạnh. Các thực phẩm chế biến từ sữa, đặc biệt là bơ và phô mát cũng tiêu thụ rất nhiều. Về đồ uống, ngoài trà, người ta cũng uống nhiều rượu gạo và bia nữa. Nhưng hãy chủ ý, Bhutan có luật cấm bán và hút thuốc lá; những người nghiện thuốc lá đến xứ sở lạnh lẽo này sẽ “khổ sở” không ít.
- Người dân Bhutan chỉ nói tiếng bản xứ, rất ít người biết tiếng Anh, vì vậy khi đến đất nước này du khách nhất thiết phải nhờ đến hướng dẫn viên người Bhutan.
- Đất nước Bhutan không hề có chính sách khuyến khích du lịch vì thế mà trong khi nhiều nước trên thế giới tìm nhiều cách để hấp dẫn khách du lịch thì Bhutan không thích mở cửa đón người nước ngoài. Du khách phải trả chi phí lên đến 200USD mỗi ngày để ở lại đây. Nhiều kỳ quan cổ xưa của Bhutan cũng không được công bố ra bên ngoài thế giới.