Những địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm Côn Đảo
Vài chục năm trước, Côn Đảo được coi là “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà giam có tuổi đời hơn 100 năm. Ngày nay nơi đây thu hút du khách với những giá trị văn hóa và tâm linh.
Côn Đảo hay còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Côn Sơn, là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Du khách muốn đến Côn Đảo có thể di chuyển bằng đường tàu hoặc hàng không. Nếu đi bằng đường biển, thường mất khoảng 12 tiếng đi từ cảng Cát Lái, Vũng Tàu, sau một đêm lênh đênh trên biển là đến nơi. Còn nếu đi máy bay, chỉ mất khoảng 45 phút đồng hồ bay từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Với diện tích 76 km2, Côn Đảo ngày nay được ví như “thiên đường du lịch” bởi vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và trù phú. Người dân Côn Đảo hiền hòa, mến khách. Do đó nơi đây càng được ưa chuộng bởi đông đảo khách trong nước và nước ngoài.
Đến Côn Đảo, ngoài việc thăm lại khu du tích nhà tù nổi tiếng, còn có vô số các điểm dừng chân lý tưởng.
Những bãi biển lý tưởng
Nhắc đến Côn Đảo, du khách liên tưởng ngay đến những bãi biển nước trong xanh, chạy dọc dài đến tận đường chân trời bên những bờ cát trắng phau.
Bãi biển Côn Đảo có cát mịn và chắc
Bãi biển nằm ngay khu vực thị trấn Côn Đảo, khu cầu tàu 1959 là nơi thu hút đông nhất đối với khách du lịch, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều tà. Nơi đây, có lợi thế nằm gần khu dân cư, bờ biển lặng, bãi cát mịn nên thích hợp cho du khách có thể thoải mái vui đùa. Chỉ mất vài phút đi bộ từ cách nhà nghỉ, khách sạn trong thị trấn, du khách có thể đằm mình dưới làn nước mát rượi. Nhiều khu vực bên dưới là những vạt tảo biển mơn man đôi chân. Nơi đây cũng tập trung nhiều tàu đánh cá, tàu phục vụ du khách đến thăm các đảo nhỏ.
Bãi biển Đầm Trầu
Yên bình và thơ mộng hơn là bãi Đầm Trầu, nằm ở khu vực sân bay Cỏ Ống, cách trung tâm thị trấn khoảng 12 km. Bãi Đầm Trầu hầu như chưa được khai thác du lịch, vẫn còn vẹn nguyên bờ cát trắng thoai thoải, bao quanh là khu rừng hoang sơ. Nếu bạn ghé bãi Đầm Trầu, có thể vừa tắm biển vừa thưởng thức một vài đặc sản nơi đây là các loại hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng.
Với những người ưa mạo hiểm và thích khám phá, bãi biển Ông Đụng nằm trong rừng quốc gia Côn Đảo là địa điểm lý tưởng. Tuy nhiên, bãi biển này không có bờ cát phẳng mà chủ yếu là các loại đá lớn nhỏ nằm xếp lớp. Bãi Ông Đụng được bao quanh bằng khu rừng già im lìm. Nơi này hầu như chỉ có các cán bộ kiểm lâm hay một số người dân địa phương biết đến.
Khu di tích nhà tù Côn Đảo
Đến với Côn Đảo mà không ghé thăm các trại giam nổi tiếng Phú Hải, Phú Tường… có lẽ là điều thiếu sót và nuối tiếc lớn. Nơi đây chính là địa ngục trần gian, từng giam giữ khoảng 20.000 chiến sĩ cách mạng.
Trại giam Phú Hải
Trại Phú Hải được xây dựng đầu tiên trên đất Côn Đảo từ ngày 28/11/1861, nổi tiếng với những phòng biệt giam các tù nhân cách mạng. Nơi đây đã giam cầm nhiều các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… cho đến cách chiến sĩ cách mạng: Bác Tôn, Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương...
Ngoài các phòng giam lớn, biệt giam, trại còn có hầm xay lúa, nơi diễn ra những trò tra tấn man rợ. Đặc biệt nơi đây có cả giảng đường, nhà thờ, bệnh xá, nhà ăn… nhưng chỉ để thực dân Pháp che mắt các tổ chức nhân quyền.
Trại giam Phú Tường
Trại giam Phú Tường (xây dựng 1940) còn rùng rợn hơn với những chuồng cọp Pháp nổi tiếng trong lịch sử. 120 phòng giam, trong đó có 60 phòng giam ngoài trời cùng những thủ đoạn tra tấn vô cùng dã man đã giết chết hàng nghìn chiến sĩ cách mạng. Khi nơi đây bị phanh phui vào năm 1970, cả thế giới bàng hoàng về một “địa ngục trần gian” đã bị che giấu suốt mấy chục năm.
Những điểm du lịch tâm linh
Côn Đảo được mệnh danh là khu du lịch tâm linh với nghĩa trang hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng. Hầu hết du khách đến đây đều ghé thăm và thắp hương mộ chị Võ Thị Sáu vào đúng nửa đêm. Nghĩa trang Hàng Dương còn có bức tường được chạm khắc những hình ảnh sống động về cuộc chiến oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Nghĩa trang Hàng Dương lúc nửa đêm
Ngoài nghĩa trang, hai nhà tưởng niệm chị Võ Thị Sáu, bảo tàng Côn Đảo hay nhà chúa đảo đều là những địa điểm du khách không nên bỏ qua.
Nhà tưởng niệm chị Võ Thị Sáu
Đặc biệt, Côn Đảo còn có đền thờ bà Phi Yến - thứ phi của vua Gia Long. Ngôi đền nằm khép mình giữa một vùng rừng núi thanh bình, yên tĩnh. Ngoài ra, ngay sát bãi đầm Trầu còn có mộ cậu Cải - con trai bà Phi Yến.
Những sản vật của Côn Đảo
Phơi hạt bàng trên đảo
Côn Đảo không nổi tiếng bởi các loại hải sản. Hầu hết các loại hải sản được người dân đánh bắt phục vụ nhu cầu trên đảo, nên nguồn hàng cho khách du lịch không mấy phong phú. Đến Côn Đảo, đặc sản mà ai ai cũng mua về làm quà là hạt bàng. Từ những trái bàng thu lượm trên khắp đảo, người ta phơi khô, đập ra lấy hạt, sấy khô hoặc tẩm thêm đường, muối để bán cho du khách. Những hạt bàng bùi và thơm ngon theo chân du khách đến nhiều miền của Tổ quốc.
Đến với Côn Đảo, ngoài những địa chỉ nói trên nếu may mắn du khách có thể theo chân các cán bộ kiểm lâm xem rùa đẻ trứng hoặc được tự tay thả rùa về với biển cả. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên, loại hình du lịch này cũng khá hạn chế khách du lịch.