Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Thậm chí có địa điểm, tỷ lệ người tử vong còn cao hơn cả ở dãy Everest.

Trung Quốc vốn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những địa điểm có cảnh sắc mê hoặc lòng người. Tuy nhiên, cũng có không ít những địa điểm khiến du khách phải “phát hoảng” bởi độ nguy hiểm của chúng. Hãy thử khám phá những nơi được liệt vào danh sách địa điểm du lịch đáng sợ nhất Trung Quốc nhé.

Chùa Treo núi Hằng Sơn hay còn được gọi là chùa Huyền Không, nằm ở huyện Hồn Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ hơn 1.500 năm trước trên vách đá dựng đứng 90 độ của núi Thủy Bình, mặt hướng ra dãy núi Hàng Sơn, phía dưới là một dòng sông chảy xiết. Dù hệ thống giá đỡ chịu lực được làm hoàn toàn từ những thanh gỗ, nhưng ngôi chùa này đã đứng vững kiên cố suốt cả nghìn năm nay. Do vị trí địa lý và lịch sử lâu đời, chùa Huyền Không được mệnh danh là ngôi chùa nguy hiểm nhất thế giới.

Chùa Huyền Không cao khoảng 60m so với mặt đất, nghĩa là tương đương với một tòa nhà 20 tầng, điểm cao nhất của ngôi chùa cách mặt đất tới 90m. Toàn bộ kết cấu khung gỗ của ngôi chùa được thiết kế dựa theo nguyên tắc cơ học, chèn những thanh xà gỗ vào khối đá làm nền và khéo léo mượn lực từ những cột gỗ để làm xà chống đỡ. Chùa Treo có bố cục theo kiểu “một viện hai lầu” với tổng chiều dài khoảng 32 mét và có 40 căn phòng lớn nhỏ. Trong chùa có hơn 80 bức tượng Phật bằng đồng, sắt, đá và đất sét. Dưới chùa có một tảng đá khắc chữ, tương truyền là bút tích của nhà thơ Lý Bạch.

Mặc dù kiến trúc của chùa Treo Hằng Sơn vô cùng ngoạn mục nhưng ý nghĩa tôn giáo và văn hóa của nó cũng không kém phần tuyệt vời. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Trung Quốc kết hợp cả Phật Giáo, Đạo giáo và Nho giáo được gọi là “tam giáo đồng nguyên”. Trải qua lịch sử hơn 1500 năm với biết bao biến động nhưng nét văn hóa tôn giáo này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Xiaozhai Tiankeng (Hố Thiên Đường) hay còn được gọi là “lỗ trời” tọa lạc tại huyện Phụng Tiết, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Đây là hố sụt tự nhiên sâu nhất thế giới, có chiều rộng 537 mét, độ sâu từ 511 - 662 mét và được bao quanh bởi những vách đá dựng đứng, trông giống như hình chiếc rìu khổng lồ. Nguyên nhân hình thành của “hố tử thần” khủng khiếp này được cho là do các dòng chảy ngầm gây sói mòn đất đá.

Hố Thiên Đường có rất nhiều hang động tối tăm và các hang bí mật chưa có người khám phá. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thống kê được hết số lượng hang động và các loài động, thực vật quý hiếm tại nơi đây. Người ta cũng liên tiếp phát hiện ra nhiều loại động vật, thực vật và hóa thạch cổ sinh mới.

Khi đứng trên đỉnh của Hố Thiên Đường, du khách có thể chiêm ngưỡng những vách đá bao quanh tứ phía vô cùng kỳ vĩ. Các vách đá tại nơi đây rải rác những vân đá nhiều màu sắc như đỏ, vàng, đen, … cùng thảm thực vật phong phú đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Phạm Tịnh là ngọn núi hùng vĩ bậc nhất thuộc tỉnh Quý Châu, với độ cao tới 2570 mét so với mực nước biển. Đây cũng là một trong năm “danh sơn Phật giáo” của Trung Quốc bao gồm: Nga Mi Sơn, Ngũ Đài Sơn, Phổ Đà Sơn, Cửu Hoa Sơn và Phạm Tịnh Sơn. Tương truyền núi Phạm Tịnh chính là nơi Phật Di Lặc hiện thế, bởi vậy nó còn được ví như “Bồ đề của Phật Di Lặc”.

Đỉnh núi cao nhất tại Phạm Tịnh Sơn được gọi là Kim Đỉnh, có nghĩa là đỉnh núi vàng. Điều khiến cho nơi đây càng trở nên đặc biệt chính là đỉnh núi này bị tách ra làm hai nửa song song với nhau. Chính hình dạng độc đáo này đã thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn. Ngoài ra trên đỉnh có hai ngôi chùa thờ Phật Thích Ca và Phật Di Lặc được kết nối với nhau chỉ bằng một cây cầu nhỏ.

Du khách muốn lên tới Kim Đỉnh phải trèo lên các bậc thang hẹp bằng đá được đẽo trên sườn núi. Nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ rơi xuống vực sâu bên dưới. Do đường đi nhỏ hẹp, chỉ vừa cho một người mà lượng du khách lại lớn nên tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra. Vì vậy chính quyền địa phương đã giới hạn số lượng du khách tham quan địa điểm này để đảm bảo an toàn và bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

Hoa Sơn là một dãy núi nổi tiếng nằm ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, gồm có năm đỉnh núi chính: Đông, Tây, Nam, Bắc và đỉnh trung tâm. Trong đó, bốn đỉnh chính của Hoa Sơn được bao bọc bởi những ngôi đền cổ, bởi vậy khi nhìn từ xa, dãy núi này dựng đứng lên như một bông hoa năm cánh. Đây cũng chính là lí do nơi đây được đặt tên là Hoa Sơn. Vào năm 1990, ngọn núi này đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Con đường ván gỗ nằm ở đỉnh núi phía nam của dãy Hoa Sơn được xây dựng vào thời nhà Nguyên bởi He Zhi Zhen – vị sư phụ đầu tiên của môn phái Hoa Sơn. Ông đã tạo nên con đường này để tránh xa trần thế, tập trung tu luyện trở thành tiên. Những tấm ván gỗ đơn sơ được ghim trực tiếp vào vách đá ở lưng chừng ngọn núi cao hơn 2000m, không hề có bất kỳ hàng rào bảo vệ nào.

Khi đi đến cuối con đường, bạn có thể nhìn thấy hang động Hạ Tổ, tương truyền là nơi He Zhi Zhen tu luyện để trở thành thần tiên. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, con đường ván gỗ là đường cụt và nếu muốn trở về thì bạn chỉ có thể quay lại con đường vừa mới đi. Dù được thắt dây an toàn trước khi leo qua vách núi và có một sợi dây sắt để bám vào, nhưng bước đi trên con đường ván gỗ đơn sơ vẫn là một thử thách mạo hiểm mà không phải ai cũng dám thử.

Nằm ở ngã ba Ninh Hạ, Cam Túc và Thiểm Tây, khu bảo tồn núi Lục Bàn là một danh thắng nổi tiếng thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, ở tây bắc Trung Quốc. Sông Nhị Long là trung tâm của khu bảo tồn, đây là khu vực có hệ sinh thái động thực vật hoang dã vô cùng phong phú. Từ xa xưa người dân địa phương đã mô tả núi Lục Bàn là khu vực “xuân qua thu tới, không có mùa hè” bởi nơi đây luôn bị bao phủ bởi màn sương mù mờ ảo và gió thổi rít từng cơn.

Nếu đi ngược theo dòng sông Nhị Long bạn sẽ tới được Quỷ Môn Quan, đây là một hẻm núi dài khoảng 8km. Tuy có phong cảnh động lòng người nhưng lại là một địa điểm du lịch khá nguy hiểm. Người dân địa phương có câu “Quỷ Môn Quan, núi lồng núi, dễ vào khó ra” để miêu tả sự nguy hiểm của nơi đây. Trong hẻm núi quanh năm mây mù, gió giật, gây hạn chế tầm nhìn nên rất dễ bị lạc. Bên cạnh đó, đường đi cũng vô cùng khó khăn với những rặng núi chập chùng, du khách muốn đi qua khu vực này có khi phải dùng cả tay lẫn chân, đồng thời còn phải tránh những bụi cây gai có độc nằm rải rác dưới chân.

Cuối cùng, du khách còn phải luôn đề phòng cảnh giác với những động vật hoang dã của nơi đây, đặc biệt là báo hoa mai. Quỷ Môn Quan là địa bàn hoạt động của báo hoa mai, chúng cực kỳ nhanh nhẹn và có sức tấn công vô cùng đáng sợ. Nếu bị tấn công, du khách khó lòng có thể chống cự. Do những đặc điểm trên mà khi tới khu bảo tồn sông Nhị Long, du khách bắt buộc phải thuê những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, quen với địa hình của khu vực để dẫn đường chứ không được phép tham quan tự do trong khu vực này.

Núi Gongga, còn được gọi là Minya Konka, là ngọn núi cao nhất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Với độ cao tới 7556 mét, nó cũng được người dân gọi là “Vua núi của Tứ Xuyên”. Gongga là một địa điểm ưa thích của những người đam mê leo núi mạo hiểm bởi độ khó khi chinh phục và phong cảnh ngoạn mục của ngọn núi này. Tuy nhiên, đây cũng là ngọn núi có tỷ lệ người leo núi tử vong cao nhất, thậm chí còn vượt cả đỉnh Everest. Tính đến năm 2003, ngọn núi này mới chỉ được chinh phục thành công có 8 lần. Tổng cộng có 22 nhà leo núi đã lên được tới đỉnh, trong khi đó có 16 nhà leo núi không may qua đời.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao khi leo núi Gongga chủ yếu là do độ dốc của những vách đá quá lớn. Những đỉnh núi cao nhọn, được bao quanh bởi các mỏm đá dốc 60-70 độ, có trường hợp dựng đứng 90 độ. Kể cả với những tay leo núi chuyên nghiệp thì đây cũng là thách thức lớn khó vượt qua. Đã có rất nhiều người bị ngã trong quá trình chinh phục đỉnh Gongga. Ngoài ra, khí hậu của nơi đây cũng rất phức tạp và hay thay đổi, tuyết lở thường xuyên xảy ra cũng là một trong những yếu tố gây ra tai nạn leo núi.

Gongga là một ngọn núi vô cùng linh thiêng đối với người dân địa phương. Ngoài việc thu hút những người đam mê leo núi, nơi đây cũng là thánh địa của các nhiếp ảnh gia. Có những nhiếp ảnh gia sẵn sàng trực chờ cả năm trời trên núi chỉ để có thể chụp được một bức ảnh ưng ý. Ở đây, các ngọn núi được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, các hồ nước trong vắt và cảnh sắc thiên nhiên sinh thái nguyên sơ được bảo tồn vô cùng tốt. Với khung cảnh tuyệt đẹp và các loại địa hình đa dạng, dù nguy hiểm nhưng núi Gongga vẫn là một địa điểm du lịch đầy cuốn hút và bí ẩn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch hằng năm.

Thứ Hai, ngày 01/11/2021 12:00 PM (GMT+7)
Theo L.A (Theo Toutiao) ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN