Những địa điểm bí ẩn nhất Đông Dương - Phần 1
Đông Dương có rất nhiều địa điểm bí ẩn đáng kinh ngạc đang chờ được khám phá. Từ những ngôi đền bị rừng rậm nuốt chửng đến các tòa nhà bị bỏ hoang từ thế kỷ trước, trong đó có một số điểm đến được bao phủ trong bí ẩn khiến du khách tới khám phá vừa thích vừa sợ.
Banteay Chhmar, Campuchia
Hầu hết du khách chọn đến Campuchia vì những ngôi đền Angkor nổi tiếng để lại ấn tượng khó phai mờ. Angkor, thủ đô của Đế chế Khmer, bao gồm một danh sách dài các địa điểm đáng đến: Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm, Đền Bayon, Banteay Kdei, Preah Khan, Phnom Bakheng, Banteay Srei, Ta Keo, và rất nhiều ngôi đền khác. Trong số đó, Angkor Wat là công trình lớn nhất, ngoạn mục nhất và cũng được biết đến nhiều nhất. Nhưng ít ai biết về “một Angkor Wat khác”, đó là Banteay Chhmar.
Banteay Chhmar là một thành phố cổ bị bỏ hoang nằm sâu trong rừng rậm gần biên giới với Thái Lan, cách Angkor khoảng 170km. Banteay Chhmar được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 - đầu thế kỷ 13 dưới thời trị vì của Vua Jayavarman VII. Banteay Chhmar được cho là một trong những kiệt tác kiến trúc vĩ đại nhất của Đông Nam Á. Người ta cho rằng ngôi đền sánh ngang với Angkor Wat về quy mô và độ tráng lệ. Tương tự như Angkor Wat, ngôi đền chính được bao quanh bởi một con hào lớn ở cả 4 phía. Ngoài ra còn có một tháp 4 mặt giống như của đền Bayon ở Angkor Thom.
Quan sát kỹ, du khách có thể tìm thấy những bức phù điêu được làm đẹp mắt đại diện cho cuộc chiến giữa các vương quốc Khmer và Champa. Bị bỏ rơi trong tự nhiên gần 800 năm, sau đó bị Khmer Đỏ tách khỏi thế giới và bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của một cuộc nội chiến, các tháp, phòng và các bức phù điêu tinh xảo của ngôi đền đã dần dần sụp đổ trong rừng rậm xâm lấn. Tuy nhiên, hàng ngàn bức tượng của Đức Phật tại Banteay Chhmar không hề bị phá hủy cho tới ngày nay.
Thành phố cổ Bagan, Myanmar
Bagan là một thành phố đổ nát ở miền trung Myanmar, được bao phủ bởi rất nhiều đền chùa. Đây là thủ đô của Vương quốc Bagan thịnh vượng tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13 trước khi bị xâm lược bởi người Mông Cổ vào năm 1287.
Bagan là một trung tâm tôn giáo và văn hóa sôi động. Các nhà sư và học giả từ Ấn Độ, Sri Lanka, Vương quốc Khmer đã đến Bagan để nghiên cứu các nghi lễ Phật giáo cũng như âm vị học, ngữ pháp, chiêm tinh, giả kim, y học và luật pháp. Bagan là thiên đường cho các nhiếp ảnh gia khi nơi đây hiện lên tầng tầng lớp lớp những ngôi chùa lớn nhỏ nhô lên từ vùng đồng bằng châu thổ xanh tươi. Trong thời kỳ hoàng kim của nó, hơn 10.000 ngôi đền, bảo tháp và các di tích tôn giáo khác đã được xây dựng, trong đó “chỉ” có hơn 2000 ngôi đền còn tồn tại. Ngày nay, cố đô tiếp tục là điểm đến hành hương nổi tiếng. Điều làm cho Bagan trở nên đáng chú ý là ở mọi nơi bạn nhìn vào luôn có một ngôi đền trong tầm mắt. Vào lúc hoàng hôn, ánh tà dương phủ một lớp vàng lên những tàn tích gạch khiến khung cảnh càng thêm huyền bí.
Thánh địa Mỹ Sơn, Việt Nam
Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể đền thờ Ấn Độ giáo có từ thế kỷ thứ 4. Mỹ Sơn được xây dựng bởi người Chăm từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Đây là trung tâm văn hóa và tôn giáo của Vương quốc Champa.
Sau khi Vương quốc Champa sụp đổ, Mỹ Sơn bị lãng quên và bị rừng rậm bao phủ cho tới khi người Pháp phát hiện nó vào cuối thế kỷ 19. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á. Chúng được xây dựng bằng gạch nung với các cột đá và trang trí bằng các bức phù điêu bằng đá sa thạch mô tả các cảnh trong thần thoại Hindu. Các đền tháp Chăm không có cửa sổ nên bên trong rất tối.
Cấu trúc của các ngôi đền rất đáng chú ý. Nếu nhìn gần các bức tường, bạn sẽ không thấy vữa hay bất kỳ chất kết dính nào giữa những viên gạch. Kỹ thuật xây dựng nơi này vẫn còn là một bí mật. Gạch Chăm cổ có chất lượng cao, có tuổi đời hơn nghìn năm nhưng vẫn cứng cáp và giữ được màu đỏ nguyên thủy. Phần lớn kiến trúc của Mỹ Sơn đã bị bom Mỹ phá hủy, chỉ có 17 công trình kiến trúc (trong số 71 công trình) còn sót lại. Ngày nay, chúng vẫn còn rất ấn tượng và bạn có thể thấy những hình chạm khắc trang trí công phu trên gạch của các vị thần và biểu tượng khác nhau của đạo Hindu.
Vat Phou, Lào
Nằm sâu trong những khu rừng ở Champasak, miền Nam Lào là quần thể chùa cổ Vat Phou (Vat Phu hay Wat Phou). Vat Phou đại diện cho sự thống trị và hùng mạnh của Đế chế Khmer cai trị một vùng rộng lớn của Đông Nam Á từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 15.
Vat Phou lâu đời hơn Angkor Wat hay Angkor Thom nổi tiếng, công trình kiến trúc đầu tiên được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 và những công trình kiến trúc còn sót lại hiện nay có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Tên gọi này có nghĩa là “ngôi đền trên núi” và ám chỉ vị trí của nó trên chân ngọn núi linh thiêng Phou Kao nhìn ra tàn tích của thành phố cổ Shrestapura (từng là thủ đô của vương quốc Chân Lạp và Champa, ngày nay được gọi là Phou Kao).
Vat Phou được tôn thờ như hiện thân của thần Shiva. Là một trong những di tích lâu đời nhất ở Đông Nam Á, sau hàng nghìn năm chiến tranh, xung đột và thảm họa thời tiết, Vat Phou vẫn được bảo tồn rất tốt. Bạn có thể đến thăm ngôi đền quanh năm, nhưng Lễ hội Vat Phou hằng năm diễn ra vào tháng 2 là thời điểm lý tưởng nhất để tới đây.
Cánh đồng Chum, Lào
Cánh đồng Chum là một thắng cảnh khổng lồ đáng kinh ngạc nằm ở phía đông bắc xa xôi của Lào. Cái tên này xuất phát từ bộ sưu tập hàng nghìn chiếc chum đá đồ sộ nằm rải rác khắp cao nguyên Xieng Khuang.
Cánh đồng Chum đã trải qua một khoảng thời gian rất dài trong lịch sử, có từ thời kỳ đồ sắt từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên. Đây là một địa điểm hấp dẫn để nghiên cứu thời tiền sử Đông Nam Á. Đến nay, bất chấp những nỗ lực hết mình của các nhà khảo cổ học, nguồn gốc và lý do hình thành Cánh đồng Chum vẫn còn là một bí ẩn. Nền văn minh tạo ra những chiếc chum đã biến mất từ lâu. Không ai thực sự chắc chắn tại sao họ lại ở đây. Các giả thuyết về công dụng của những chiếc chum này được phổ biến rộng rãi như bình đựng rượu trong đám tang, đựng thức ăn hoặc nước mưa trong khi người dân địa phương tin rằng chúng được những người khổng lồ sử dụng để đựng rượu. Họ biết một điều rằng, những chiếc chum được làm bằng đá tự nhiên (sa thạch, đá granit, breccia, composite và đá vôi) và có thể được chạm khắc bằng tay với dụng cụ là đục sắt.
Trung Quốc là quê hương của một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên trái đất, do vậy, ở đất nước này có rất...
Nguồn: [Link nguồn]